Hạ tầng

Những công trình dấu ấn của ngành GTVT 5 năm qua (2011-2015)

08/02/2016, 09:04

Báo Giao thông gửi tới độc giả một số hình ảnh ấn tượng về những công trình mang nhiều ý nghĩa này.

16

Cầu Cổ Chiên khánh thành ngày 16/5/2015 thỏa ước mơ bao đời của người dân hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Cây cầu không chỉ xóa đi cảnh đò giang cách trở mà còn kết nối QL60 từ Tiền Giang đến Trà Vinh, rút ngắn cự ly từ TP HCM đến Trà Vinh khoảng 70 km so với đi QL1 hiện nay. Dự án được khởi công năm 2011, do khó khăn trong việc thu xếp vốn của nhà đầu tư nên mới triển khai phần vốn ngân sách. Đến tháng 8/2013, với nỗ lực huy động vốn xã hội hóa của Bộ GTVT, công trình được khởi động trở lại và thi công với tiến độ thần tốc, rút ngắn 1 năm so với kế hoạch, tiết giảm được gần 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư.

5 năm qua (2011-2015), với truyền thống đi trước mở đường và sự quyết liệt không mệt mỏi, ngành GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác hơn 300 dự án, công trình. Cũng trong giai đoạn này, ngành GTVT đã huy động được lượng vốn khổng lồ ngoài ngân sách lên đến hơn 180 nghìn tỷ đồng (chiếm 81,45% tổng số vốn huy động được từ trước đến nay). ​Riêng năm 2015, toàn ngành hoàn thành được 112 dự án, công trình. Trong đó có nhiều dự án tầm cỡ như: QL1 Thanh Hóa - Cần Thơ, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành trước kế hoạch từ 12-18 tháng; đường cao tốc tiêu chuẩn quốc tế Hà Nội - Hải Phòng,... mang lại diện mạo mới cho hạ tầng giao thông, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, ATGT, tạo đòn bẩy quan trọng để Việt Nam cất cánh.

Những nỗ lực trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong 5 năm qua (2011-2015), chỉ số hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 36 bậc, từ vị trí 103 (năm 2011) lên vị trí 67 (năm 2015).

Nhân dịp đầu Xuân mới Bính Thân, Báo Giao thông gửi tới độc giả một số hình ảnh ấn tượng về những công trình mang nhiều ý nghĩa này.

17
Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh (Hà Nội) khánh thành ngày 9/10/2015. Cầu được thiết kế với kiến trúc vòm ống thép nhồi bê tông độc đáo, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Đây cũng là công trình hoàn toàn do nội lực tạo dựng nên, từ khâu thiết kế lẫn thi công đều do người Việt Nam thực hiện.
18

Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km thông xe toàn tuyến ngày 8/2/2015. Đây là một trong những tuyến cao tốc đẹp nhất Việt Nam và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thúc đẩy giao thương, phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Giờ đây, từ TP HCM về Long Thành chỉ mất 20 phút; đi ngã tư Dầu Giây chỉ khoảng 45 phút thay vì 3 giờ như trước.

19
105,5 km Hà Nội - Hải Phòng là tuyến cao tốc có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam do Ngân hàng Phát triển Việt Nam chủ trì thu xếp vốn và cho vay đầu tư theo cơ chế thị trường. Sau khi hoàn thành có thể chuyển nhượng quyền khai thác tuyến để lấy vốn đầu tư dự án khác. Công trình được khai thác toàn tuyến ngày 5/12/2015, rút ngắn thời gian chạy xe từ Hà Nội đi Hải Phòng chỉ còn 1 giờ so với 2-3 giờ như trước.
20
Cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ theo hình thức BOT, nối hai tỉnh Long An và Tiền Giang chính thức thông xe ngày 29/8/2015. Từ khi đưa vào khai thác, công trình đặc biệt ý nghĩa này rút ngắn đáng kể thời gian từ TP HCM đi các tỉnh miền Tây, xóa cảnh bao đời “qua sông lụy phà” của người dân nơi đây.
21

QL1 Thanh Hóa - Cần Thơ là 2 dự án giao thông được thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến với nhiều kỷ lục nhất: Quy mô lớn nhất (tổng mức đầu tư hơn 116.600 tỷ đồng), GPMB nhiều nhất, trải dài nhất nhưng lại hoàn thành nhanh nhất (rút ngắn từ 12 - 18 tháng), đồng thời tiết giảm vốn đầu tư khoảng 17.082 tỷ đồng. Các dự án chỉ sử dụng gần 54% kinh phí từ ngân sách Nhà nước, huy động được hơn 46% kinh phí ngoài ngân sách. Sau khi các dự án được đưa vào khai thác, tuyến Hà Nội - Cần Thơ đã giảm ít nhất 7-10 giờ chạy xe. Tuyến từ Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh và ngược lại cũng giảm ít nhất 3-4 giờ chạy xe.

22

Thực hiện đề án “Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số”, Bộ GTVT đã triển khai 235 cầu treo và cầu cứng, đến nay đã khai thác được 195 cầu. Thông qua Chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, Bộ GTVT đã vận động, quyên góp được hơn 400 tỷ đồng để thi công 40 cầu, dự kiến hoàn thành trong quý I/2016. (Trong ảnh: Cầu treo Sam Lang, tỉnh Điện Biên)

23
Nhà ga hành khách T2 Nội Bài cùng với cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân - Nội Bài là những công trình được JICA (Nhật Bản) đánh giá cao và trao Giải thưởng Cống hiến. Nhà ga T2 có công suất 10 triệu khách/năm được trang bị đầy đủ hệ thống kỹ thuật hàng không chuyên dụng và hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.