Đường bộ

Những địa phương nào sắp cán đích lắp camera giám sát trên xe vận tải?

23/12/2021, 14:53

Trong bối cảnh tỷ lệ phương tiện kinh doanh vận tải lắp camera giám sát theo Nghị định 10 chưa cao, vẫn có nhiều địa phương sắp cán đích.

Đã có 3 tỉnh cán đích lắp camera giám sát

Chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn xử phạt xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát theo quy định. Để kịp tiến độ, nhiều doanh nghiệp đang chạy đua để lắp đặt theo đúng quy định của Nghị định 10 và Nghị quyết 66/2021 của Chính phủ.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đến thời điểm 14/12/2021 có 15 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ đã lắp đặt camera giám sát trên phương tiện kinh doanh đang hoạt động đạt trên 70%.

Cụ thể các địa phương này gồm: Bạc Liêu (đạt 100%), Kiên Giang (đạt 100%), Hậu Giang (đạt 100%), Nam Định (gần 97%), Ninh Thuận (gần 94%), Hà Tĩnh (hơn 91%), Lai Châu (gần 90%), Nghệ An (hơn 88%), An Giang (hơn 84%), Trà Vinh (gần 80%), Cao Bằng (hơn 76%), Lâm Đồng (gần 75%), Đắk Lắk (gần 75%), Hưng Yên (hơn 72%), Khánh Hòa (hơn 71%).

img

Nhiều tỉnh sắp cán đích lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải - Ảnh minh họa

Như vậy, trong số các tỉnh có tỷ lệ xe lắp camera cao, đã có 3 tỉnh cán đích lắp camera giám sát trên xe hoạt động thuộc diện phải lắp theo quy định là: Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang.

Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho hay, hiện còn một số phương tiện vận tải hành khách đang ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị vận tải cũng cam kết đến khi phương tiện hoạt động trở lại sẽ thực hiện lắp đặt camera theo quy định.

Để đạt được kết quả này, Sở GTVT Hậu Giang đã có nhiều văn bản đôn đốc thực hiện quy định về lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải xong trước ngày 31/12. Quá thời hạn trên, nếu đơn vị nào không thực hiện, các phương tiện đó không đủ điều kiện để kinh doanh vận tải, Sở GTVT xem xét thu hồi phù hiệu đối với phương tiện vi phạm.

“Các bến xe khách thực hiện kiểm tra các phương tiện ra, vào bến; kiểm tra chặt chẽ việc lắp camera giám sát theo lộ trình quy định đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp camera giám sát. Đến thời hạn hết ngày 31/12/2021, đối với các phương tiện không thực hiện lắp camera giám sát, chúng tôi yêu cầu bến xe không cho xuất bến và không xác nhận vào lệnh vận chuyển”, đại diện Sở GTVT tỉnh Hậu Giang chia sẻ.

Là doanh nghiệp có tỷ lệ phương tiện lắp khá cao, ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng giám đốc, Công ty TNHH Du Lịch và Thương Mại Sông Hồng cho hay, doanh nghiệp có 100 xe, đã lắp được 70 xe, số xe còn lại chưa hoạt động nên doanh nghiệp chưa lắp.

“Khi lắp camera sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp và cơ quan chức năng có thể giám sát được trạng thái của lái xe như: nghe điện thoại, mất tập trung, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định và các hành vi mất an toàn giao thông khác”, ông Tùng nói.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Hùng, Giám đốc công ty TNHH Hiền Phước - doanh nghiệp chuyên chạy tuyến Hà Nội - TP.HCM cho hay, đơn vị có 50 xe, đã thực hiện lắp 100%.

“Camera giám sát sẽ phục vụ tốt hơn công tác quản lý của doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, camera là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch từ xa, nhắc nhở từ lái xe, hành khách tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, đánh giá về tình hình thực hiện chung trong cả nước, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, mặc dù đã có nhiều văn bản yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải theo lộ trình, nhưng tỷ lệ lắp vẫn chưa cao.

Số phương tiện đang hoạt động của 58 địa phương (trừ các địa phương gồm: Vĩnh Phúc, TP. HCM, Bình Dương, Bình Thuận, Đà Nẵng do chưa thống kê được) là hơn 79.700 xe. Tổng số phương tiện đã lắp camera của 58 địa phương hơn 35.800 xe, đạt tỷ lệ gần 45%.

Đến nay, số lượng phương tiện đã lắp đặt camera dù đã có cải thiện so với tháng 10/2021 nhưng đạt tỷ lệ chưa cao. “Để đảm bảo tiến độ lắp đặt camera đúng theo quy định tại Nghị định số10 và Nghị quyết số 66/2021 của Chính phủ, Tổng cục Đường bộ VN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện lắp đặt camera trên phương tiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định”, bà Hiền cho hay.

Chỉ phải lắp xe hoạt động trên đường

Là đơn vị cung cấp thiết bị, ông Lê Đình Sơn, Giám đốc công ty Toàn Cầu cho hay, để tháo gỡ khó khăn cho vận tải khách, nhiều Sở GTVT đã vận dụng linh hoạt cho phép lắp trước những xe hoạt động, những xe chưa hoạt động chưa phải lắp. Vì thế, vận tải khách chỉ mới phải lắp trước khoảng 10 - 30% xe.

img

Nhiều doanh nghiệp vận tải đã hoàn thành lắp camera giám sát cho phương tiện

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, quan điểm của Bộ GTVT là thực hiện nghiêm Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Trong đó, có quy định về ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình tham gia giao thông.

Quan điểm của Bộ GTVT là tạo điều kiện tối đa trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp. Trước đây, việc lắp camera giám sát trên xe của các doanh nghiệp là tự phát, mỗi doanh nghiệp lắp một kiểu, không có tiêu chuẩn đồng nhất. Vì vậy, khi có quy định pháp luật về vấn đề này, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại để có lộ trình thực hiện.

“Đơn cử, doanh nghiệp đang có 100 đầu xe kinh doanh vận tải, nhưng do gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp sẽ ưu tiên lắp đặt 50% số lượng xe hoặc nhiều hơn tùy vào tình hình. Khi dịch được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp sẽ tiếp tục lắp đặt số phương tiện còn lại. Cơ quan chức năng chỉ xử phạt vi phạm hành chính sau ngày 31/12/2021 đối với những xe lưu thông kinh doanh vận tải trên đường”, Thứ trưởng Thọ cho biết.

Ông Phan Anh Tùng, Giám đốc Công ty GISVIET cho biết, kinh nghiệm từ đợt thực hiện quy định lắp đạt thiết bị GSHT trước đây, thường cách mốc quy định khoảng 1 tháng tình hình lắp chưa đột biến, nhưng từ giữa tháng trở đi bắt đầu nóng lên, thậm chí tuần cuối thiết bị tăng giá hàng triệu bởi bởi cầu vượt cung.

“Đợt lắp camera này cũng vậy, hai tuần trước chỉ một số khách hàng gọi lắp, nhưng từ mấy hôm nay, lượng khách gọi lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải tăng rất nhiều. Đơn vị cung cấp cho thị trường cả dòng camera hợp chuẩn và không hợp chuẩn. Tuy nhiên đa số khách hàng chọn loại Hợp chuẩn TCVN13396 bởi đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận chất lượng”, ông Tùng cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.