Bóng đá

Những điểm còn thiếu của các huấn luyện viên V-League

23/04/2019, 06:30

Đội ngũ huấn luyện viên đang hành nghề tại V-League tương đối nhạt nhòa, thiếu cá tính và phần nào đó là chất lượng.

img
HLV Nguyễn Đức Thắng (Thanh Hóa), một trong ba HLV có bằng AFC Pro
đang làm việc tại V-League

Nhưng đây cũng là thực trạng chung của bóng đá Việt Nam sau gần 20 năm tiến lên chuyên nghiệp.

Tướng tài như lá mùa thu

V-League 2019 đang diễn ra với nhiều diễn biến bất ngờ nhưng vai trò của các HLV trưởng tương đối mờ nhạt. HLV Chung Hae-seong là cái tên duy nhất tới thời điểm này thể hiện được tài năng khi giúp TP HCM từ một đội bóng xộc xệch trở thành một tập thể vững mạnh, khó bị đánh bại. Hà Nội FC như mọi khi vẫn chơi tốt nhưng vai trò của HLV Chu Đình Nghiêm không quá đáng kể. Lối chơi ban bật, phối hợp nhỏ được định hình từ thời HLV Phan Thanh Hùng, cộng thêm lực lượng vượt trội so với phần còn lại, Hà Nội chơi dở mới là… bất ngờ.

SLNA vừa có thắng lợi trên sân SHB Đà Nẵng nhờ hai bàn thắng của Olaha và Quang Tình để leo lên top đầu. Nhưng công bằng mà nói, lối chơi của đội bóng xứ Nghệ quá đơn điệu, phụ thuộc nhiều vào ngoại binh dù đang trải qua gần 3 năm dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Đức Thắng. Nhưng ít ra nhà cầm quân xứ Nghệ còn ở hoàn cảnh tốt hơn đồng nghiệp cùng tên, cùng họ - HLV Nguyễn Đức Thắng của Thanh Hóa. Mùa này, khi nhà tài trợ FLC rút lui, một số trụ cột ra đi, ông Thắng không thể chèo lái đội bóng xứ Thanh giữ vững sự ổn định, bất chấp lực lượng còn lại cũng thuộc loại khá.

CLB Viettel đã đặt quyết tâm rất lớn trong lần trở lại V-League bằng việc đưa về một loạt hảo thủ cùng HLV Lee Heung-sil, người từng vô địch AFC Champions League khi dẫn dắt Jeonbuk (Hàn Quốc). Dẫu vậy, Viettel không thể hiện được sự gắn kết trong lối chơi, khởi đầu tương đối chật vật.

HLV Lê Huỳnh Đức từng đưa SHB Đà Nẵng lên ngôi vương V-League nhưng trong lần trở lại, ông mới chỉ giành 1 trận thắng sau 6 trận đã đấu. Tương tự, HLV Hoàng Văn Phúc cũng cho thấy mình “hết phép” khi để nhà cựu vô địch Quảng Nam tụt xuống nửa cuối bảng xếp hạng.

Những cái tên còn lại như HLV Dương Minh Ninh (HAGL), Nguyễn Văn Sỹ (DNH Nam Định), Trương Việt Hoàng (Hải Phòng), Nguyễn Thành Công (Sài Gòn FC), Nguyễn Thanh Sơn (Becamex Bình Dương) cũng ở trạng thái tương tự, thiếu sự ổn định trong huấn luyện. Ngay cả HLV Phan Thanh Hùng, người gây dựng nên “đế chế” Hà Nội FC còn đang loay hoay trong việc đưa Than Quảng Ninh trở thành một ông lớn.

Trong bối cảnh đó, HLV Võ Đình Tân của Sanna Khánh Hòa nổi lên như một nét chấm phá độc đáo. Dưới quyền ông Tân, đội bóng phố Biển tuy chưa có được danh hiệu nào nhưng lối chơi lại kỷ luật, máu lửa, luôn là khắc tinh của các đối thủ mạnh.

Nhìn tổng thể, rõ ràng bức tranh HLV ở V-League không quá sáng sủa. Tính ra, số HLV từng lên ngôi vô địch ở giải đấu cao nhất Việt Nam chỉ có Phan Thanh Hùng (2 lần), Lê Huỳnh Đức (2 lần), Chu Đình Nghiêm (1 lần), Hoàng Văn Phúc (1 lần) và Nguyễn Thanh Sơn (1 lần). Ngoài ra, nếu không tính hai nhà cầm quân người Hàn Quốc, V-League cũng chỉ có 3 HLV sở hữu bằng AFC Pro (bằng cao nhất do Liên đoàn Bóng đá châu Á cấp, đủ điều kiện dẫn dắt mọi CLB châu Á) gồm: Phan Thanh Hùng, Nguyễn Đức Thắng (Thanh Hóa) và Lê Huỳnh Đức.

Quan trọng hơn, những HLV trưởng tại V-League 2019 đều không để lại những dấu ấn chiến thuật đậm nét. Muốn làm rõ hơn hãy nhìn ví dụ HLV Park Hang-seo, người áp dụng rất thành công sơ đồ ba hậu vệ cho các đội tuyển Việt Nam. Hay như trên thế giới, nhiều HLV gắn liền với chiến thuật để đời. HLV Pep Guardiola với Tiki-taka, Jose Mourinho nâng tầm nghệ thuật phòng ngự phản công hay Jurgen Klopp với gengen-pressing…

Lật lại quá khứ, ngay cả những HLV nổi danh Việt Nam như Lê Thụy Hải, Nguyễn Thành Vinh, Phạm Huỳnh Tam Lang… cũng chưa làm được điều tương tự. Từ đó, có thể phần nào khẳng định, bóng đá Việt Nam nói chung, V-League nói riêng vẫn thiếu chất xám chất lượng cao trên băng ghế huấn luyện.

Chỉ làm bằng kinh nghiệm

Chuyên gia Lê Thế Thọ cho rằng, không phải tất cả nhưng đa phần HLV Việt Nam đều có nền tảng thấp. “Nền tảng ở đây gồm kiến thức chuyên môn, phương pháp sư phạm; khả năng áp dụng khoa học vào tập luyện. HLV là một nghề, một ngành khoa học và cần sự nghiên cứu, học tập thực sự nhưng ở ta các HLV đa phần đều chỉ học sơ sơ, làm bằng kinh nghiệm, trước đây thày dạy mình như nào thì giờ mình dạy lại. Tôi dám chắc không nhiều HLV Việt Nam đủ sức xây dựng giáo trình chuẩn quốc tế, đáp ứng được các yêu cầu trong từng giai đoạn huấn luyện.

Phương pháp sư phạm thì sao? Thày ra thày, trò ra trò, thày truyền tải thông điệp cho trò phải chuẩn chỉ nhưng các HLV Việt Nam nhiều người không làm được như vậy. Có HLV còn cãi nhau với CĐV, dọa nạt cầu thủ trẻ, như vậy, rất khó nêu gương cho cầu thủ. HLV Việt Nam cũng kém trong việc áp dụng khoa học, những tiến bộ của bóng đá thế giới vào huấn luyện thực tế. Vì sao? Vì yếu ngoại ngữ nên khó nghiên cứu tài liệu nước ngoài”.

Trước câu hỏi tại sao nhiều HLV tham gia các lớp huấn luyện do AFC, FIFA tổ chức nhưng trình độ lại không phát triển, ông Thọ lý giải: “Cùng học bác sĩ sao có anh làm tốt có anh không tốt. Không ai dạy hết những tinh hoa của họ cho mình mà chỉ dạy những cái cơ bản. Quan trọng là thái độ học tập như thế nào, có chịu tìm tòi thêm để nâng cao năng lực hay không. Mà nói thẳng ra là HLV Việt Nam rất lười học”.

Trong khi đó, nhà báo Dương Thanh Liêm (Trưởng ban Thể thao - Văn hóa, Báo Lao động) lại có góc nhìn khác. Theo ông Liêm, việc V-League chưa thực sự là một giải đấu chuyên nghiệp nên rất khó để đánh giá từ cầu thủ đến HLV.

“Vấn đề theo tôi không nằm ở chuyên môn mà nằm ở tư tưởng, định hướng làm bóng đá chuyên nghiệp. Ngay đến mặt sân V-League, điều kiện tối thiểu cho thi đấu còn quá tệ thì cầu thủ hay HLV khó phát huy được những tố chất tốt nhất. Rồi những yếu tố cơ bản để tạo nên một đội bóng chuyên nghiệp, ở Việt Nam gần như không đội bóng nào có đủ. Đem điều kiện như vậy để so sánh với những nền bóng đá phát triển mọi mặt thì chưa thuyết phục”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.