Vận tải

Những điều cần biết để không bị “quê” khi đi metro

23/06/2019, 06:18

Đi trên tàu đường sắt đô thị mà “ăn vặt”, không nhường chỗ cho người già, nói chuyện điện thoại to tiếng bị coi là khiếm nhã, cấm chụp ảnh...

img
Bên trong đoàn tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông

Ứng xử văn minh, đúng mực

Không lâu nữa các dự án đường sắt đô thị (Metro) đang được xây dựng tại Hà Nội và TP HCM như: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương... sẽ được đưa vào khai thác phục vụ người dân đi lại. Trong đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông đang trong giai đoạn vận hành thử và chỉ còn một thời gian ngắn nữa sẽ hoàn thiện; tuyến Nhổn - ga Hà Nội cũng dự kiến đưa vào khai thác trước đoạn đi trên cao vào cuối năm 2020.

Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, các tuyến đường sắt đô thị nói chung và tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người dân. “Khi được trải nghiệm sự hiện đại, văn minh của tuyến metro, chắc chắn nhiều người sẽ lựa chọn làm phương tiện đi lại hàng ngày”, ông Thanh nhận định và cho rằng, các cơ quan chức năng cần chuẩn bị chu đáo việc kết nối các phương thức giao thông khác để người dân không bỡ ngỡ với cách thức đi lại mới mẻ này.

Ông Nguyễn Ân, chuyên gia về đường sắt cho biết, đường sắt đô thị mang đến phương thức đi lại hiện đại và sẽ hình thành thói quen đi lại văn minh, dịch vụ tiện ích cho hành khách. “Tàu đường sắt đô thị đi, đến đúng giờ, có tính tự động cao nên khách đi tàu cũng phải có tác phong phù hợp từ việc lên, xuống tàu đến thái độ ứng xử để đảm bảo văn minh, an toàn chung. Chẳng hạn, khi lên tàu không thể mang vác theo đồ đạc lỉnh kỉnh, ăn vặt hay đòi hỏi nhu cầu vệ sinh trên tàu. Việc đáp ứng các nhu cầu của khách được tổ chức tại các nhà ga trên tuyến”, ông Ân nói và cho rằng, để sớm hình thành “văn hóa metro” ngay trong giai đoạn đầu khai thác, trên mỗi toa tàu cần có nhân viên hướng dẫn và kiêm luôn việc kiểm tra, kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Chánh văn phòng Metro Hà Nội, ngay từ bây giờ, đơn vị đã bắt đầu triển khai chương trình tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến phương thức đi lại bằng đường sắt đô thị. “Nội dung tuyên truyền được xây dựng theo kinh nghiệm của các nước có đường sắt đô thị phát triển, in bằng tài liệu, trên vật phẩm lưu niệm để phát cho người dân hoặc giới thiệu qua mạng xã hội, internet. Khi các dự án gần thời điểm chính thức khai thác thương mại sẽ có cao điểm tuyên truyền tới người dân”, ông Ngọc thông tin.

Không gây nguy hiểm cho bản thân, người khác

img
Lối lên xuống từ sảnh kiểm soát vé và ke ga chờ tàu

4 tuyến đường sắt đô thị đang xây dựng
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) dài hơn 13km, đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, đào tạo và chuyển giao quản lý khai thác, vận hành. Dự kiến miễn phí 15 ngày đầu khai thác thương mại; vé ngày: 30.000 đồng/ngày/không hạn chế đi lại, vé lượt: tính theo thực tế giữa các ga (khoảng 8.000 - 15.000 đồng); vé tháng 200.000 đồng/vé/30 ngày kể từ ngày mua vé.
Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, đang xây dựng, dự kiến khai thác 8,5km trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) vào cuối năm 2020; khai thác toàn tuyến vào cuối 2022.
Tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM) dài 19,7km, đang xây dựng, dự kiến đưa vào khai thác vào đầu năm 2021.
Tuyến Bến Thành - Tham Lương dài 11,2km, đang triển khai, dự kiến hoàn thành và khai thác vào năm 2022-2024.


Cũng theo đại diện Metro Hà Nội, đi lại bằng tàu đường sắt đô thị có một số đặc điểm khác biệt so với loại hình vận tải công cộng sức chở lớn khác như đường sắt thông thường, xe buýt, xe khách đường dài. Vì vậy, quy định và văn hóa đi lại bằng đường sắt đô thị cũng có những nét riêng biệt. “Thời gian đóng, mở cửa tàu và rời ga tính theo giây nên hành khách tuyệt đối không cố lên tàu khi cửa bắt đầu đóng và không xô đẩy tại vị trí chờ tàu tránh bị ngã xuống đường ray. Khi lên tàu, nếu để chuông điện thoại reo và nói chuyện với âm thanh quá mức cần thiết sẽ làm phiền những người khác. Việc chụp ảnh trên tàu có ánh đèn flash hoặc thiết bị chiếu sáng cũng có thể gây nguy hiểm cho lái tàu, an toàn chung của mọi người. Khách đi tàu cũng không được mang theo vật nuôi hay ăn uống trên tàu. Ngay cả việc giữ gìn vệ sinh chung, bỏ rác vào thùng tại nhà ga cũng cần hành khách tự giác thực hiện”, đại diện Metro Hà Nội dẫn ví dụ.

Liên quan đến tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hiện đang trong giai đoạn vận hành thử, Metro Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác 10 đoàn tàu ngay từ thời điểm vận hành thương mại (mỗi đoàn 960 khách; giờ cao điểm 6 phút/chuyến, bình thường 6 phút/chuyến; thời gian dừng tại ga 25-35 giây; tốc độ bình quân 35km/h; toàn tuyến đi hết 25,5 phút).

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nhằm thu hút người dân chuyển từ phương tiện giao thông cá nhân, xe buýt sang tuyến đường sắt đô thị đầu tiên (tuyến Cát Linh - Hà Đông), mới đây Sở GTVT Hà Nội đã lên phương án để kết nối tàu điện với các tuyến buýt. Trên dọc tuyến cũng được bổ sung để hình thành 65 điểm dừng xe buýt để lên đường sắt. Cùng đó, bố trí các điểm trông giữ xe máy, xe đạp thuận tiện cho hành khách thường xuyên đi lại bằng đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Những hành vi, hoạt động bị cấm trên tàu điện ở nước ngoài

Đa phần trên các tuyến tàu điện nội đô ở nhiều thành phố lớn trên khắp thế giới đều có quy định cấm hành khách mang theo và tiêu thụ thực phẩm, đồ uống chứa cồn, nước ngọt trong khi đi tàu.

Tại Thủ đô Washington, Hoa Kỳ, cơ quan phụ trách giao thông khu vực đô thị có lệnh cấm nghiêm ngặt đối với việc tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống trên các tuyến tàu điện, trong khu vực khuôn viên ở các nhà ga, trên thang máy hoặc thang cuốn được sử dụng để hành khách đi tàu ra - vào hoặc trạm.

100 USD là khoản tiền phạt nếu hành khách vi phạm. Hệ thống camera giám sát trở thành công cụ trợ giúp đắc lực cho các nhân viên phục vụ trên tàu trong việc phát hiện và ghi biên bản khi có vi phạm được phát giác.

Cùng đó, tất cả các hệ thống đều tàu điện nội đô trên thế giới đều cấm hành khách hút thuốc hay sử dụng các thiết bị tạo âm thanh, chẳng hạn như đài radio, đầu CD, máy nghe nhạc MP3, nhạc cụ hoặc các thiết bị tương tự khác, kể cả điện thoại di động mà không có tai nghe.

Trong khi ở một vài nơi, nhà chức trách cho phép hành khách sử dụng điện thoại di động khi di chuyển bằng tàu điện thì một số hệ thống tàu điện nội đô, đặc biệt là trên các tuyến tàu điện tốc độ cao như tại Nhật Bản, Đức, Mỹ... đều quy định cấm hoặc hạn chế sử dụng.

Tùy quy định ở mỗi thành phố trên thế giới, nhưng đa phần hành khách đi tàu điện ở các nước đều có thể tự do chụp ảnh miễn là không gây phiền toái cho người khác.

Riêng tại Mỹ, việc chụp hình có thể được phép trên một số tuyến tàu điện ở vài thành phố, trong khi đó, tại một số nhà ga, trên một số chuyến tàu điện hành khách tuyệt đối không được chụp hình, nếu có hành vi bất chấp quy định sẽ bị truy tố, xử phạt như một hành vi phạm pháp.

Các hành vi như gạ gẫm, chèo kéo hành khách đi tàu điện để bán hàng, gạ bán - mua dâm là những điều bị cấm và xử phạt rất nghiêm ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngoài ra, việc phát tờ rơi quảng cáo; tài liệu kêu gọi ủng hộ, bầu bán cho các ứng cử viên tranh cử; tranh ảnh sách vở lôi kéo tôn giáo, kích động bạo lực, thay đổi chính trị đều là những hành vi bị cấm tuyệt đối trên tất cả các loại hình giao thông công cộng, trong đó có tàu điện.

Một số dịch vụ tàu điện ở châu Âu, Mỹ đều có hướng dẫn chi tiết về việc sử dụng không gian của hành khách khi đi tàu. Mọi hành vi liên quan đến chiếm chỗ, dù là việc để đồ đạc hay cố tình đè - đẩy người khác khi họ đang ngồi ghế của mình đều là phạm pháp. Chẳng hạn, trên tuyến tàu điện ngầm nội đô ở TP New York, Mỹ việc đặt đồ đạc của một hành khách lên một chỗ khác là bất hợp pháp, ngay cả khi ghế ngồi đó bỏ trống.

Việc đưa động vật còn sống, chẳng hạn như chó, mèo hay các loại thú cưng khác cũng là điều bị cấm trên hầu hết các tuyến tàu điện ở nhiều thành phố trên thế giới. Ở một số nơi, việc đưa thú cưng, động vật hỗ trợ cảm xúc lên tàu được tạo điều kiện nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo toàn cho tất cả hành khách, chẳng hạn như chó, mèo phải được rọ mõm, gắn xích hoặc nhốt trong lồng khi di chuyển.

Bình Nguyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.