Bóng đá

Những điều chưa biết về “tiểu Công Phượng” Phạm Xuân Tạo

06/04/2019, 06:36

Ký ức về chiếc giường nhỏ trong căn nhà tồi tàn luôn thôi thúc Phạm Xuân Tạo hướng về phía trước...

img
Phạm Xuân Tạo (số 11, áo sẫm màu) tỏa sáng ở giải U19 Quốc tế 2019

Ký ức về chiếc giường nhỏ trong căn nhà tồi tàn luôn thôi thúc Phạm Xuân Tạo hướng về phía trước. Và ẩn dưới hình hài nhỏ bé của chàng trai quê Hải Dương là cả một trời nghị lực.

Theo bóng đá, gia đình sẽ bớt một miệng ăn

Trong trận chung kết giải U19 Quốc tế 2019, tiền đạo Phạm Xuân Tạo là cầu thủ ghi bàn duy nhất giúp U19 Việt Nam đánh bại U19 Thái Lan để lên ngôi vô địch. Xuân Tạo cũng ẵm luôn hai danh hiệu cá nhân gồm: Vua phá lưới, Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của cái tên thuộc biên chế SHB Đà Nẵng, cầu thủ chỉ cao 1m53 nhưng lại sở hữu đôi chân khéo léo cùng tư duy chơi bóng thông minh.

HLV Graechen - thày cũ của Nguyễn Công Phượng từng nhận định, phong cách chơi bóng của Xuân Tạo có nhiều nét giống chân sút đang khoác áo HAGL nhưng có phần xuất sắc hơn. Cũng từ đó, biệt danh “tiểu Công Phượng” gắn với Xuân Tạo. Mặc dù vậy, chàng trai trẻ quê Hải Dương cho hay, mình không muốn được so sánh với người đàn anh, cậu muốn đi con đường riêng của mình, con đường khởi đầu từ ngôi nhà nhỏ trong ký ức.

Cầu thủ xuất sắc nhất giải U19 Quốc tế 2019 kể, gia đình cậu vốn rất nghèo. Nghèo tới mức cả nhà chỉ có một chiếc giường cũ, bốn người gồm bố mẹ, chị gái và Tạo phải nằm chung. Nhưng chiếc giường lại là thứ tài sản giá trị nhất trong căn nhà nhỏ tồi tàn ở làng Tế Cầy, xã Hồng Đức, Ninh Giang, Hải Dương. Bố mẹ cậu đều làm nông, không có nghề phụ nên cuộc sống cực kỳ chật vật. Cực chẳng đã, khi Tạo mới học lớp 1, bố mẹ đã phải gửi hai chị em sang nhà ông bà nội để vào Nam mưu sinh. Xa vòng tay yêu thương của bố mẹ, ông bà lại già yếu không đủ điều kiện chăm sóc, Tạo phải học cách sống tự lập từ nhỏ. Số tiền bố mẹ dành dụm được gửi ra cũng chẳng đáng là bao và ông bà vẫn phải vay mượn thêm để lo cho hai chị em ăn học.

Cuộc sống của Phạm Xuân Tạo đáng ra cứ thế trôi đi nếu không có cái duyên với bóng đá. Năm lớp 3, cậu vô tình chứng kiến một trận đấu trong trường và cũng muốn thử. Dù thân hình nhỏ thó, cậu luôn khiến các anh lớn phải trầm trồ với những pha xử lý bóng gọn gàng, điệu nghệ. Năm lên lớp 5, ở xã có tổ chức trại hè thiếu niên nhi đồng, vì đội bóng của thôn thiếu người nên chị của Tạo kéo vào để đá. Cậu đá tốt, sau đó được vào đội bóng của trường.

Từ đấy, bóng đá ăn vào máu Phạm Xuân Tạo. Nhiều lần, cậu bé nghèo trốn học để ra xem giờ dạy bóng đá của các thầy trong trường. Cô giáo chủ nhiệm phát hiện thông báo cho gia đình, ông nội không đánh mắng nhưng cấm cháu đi đá bóng vì sợ cháu nhỏ con, dễ ngã, dễ bị thương.

Nhưng giống như một chồi cây giàu sức sống, càng bị vùi lấp càng vươn lên mạnh mẽ. Hàng ngày, cậu bé đen nhẻm ấy vẫn trốn ông bà đi đá bóng cùng các bạn. Năm 2011, Tạo được tuyển chọn vào đội bóng của tỉnh Hải Dương. Một lần nữa ông kiên quyết cấm đoán. Cũng may nhờ bố mẹ cùng các thày và họ hàng nói giúp, ông mới đồng ý cho cậu lên tỉnh tập luyện. Lúc đó, cậu chỉ nghĩ đơn giản, theo bóng đá, ít nhất gia đình sẽ bớt một miệng ăn, bớt khó khăn hơn.

img
Phạm Xuân Tạo trong màu áo U19 Đà Nẵng

Không cầu thủ nào tự nhiên biến thành ngôi sao

Tại Trung tâm huấn luyện Thể thao Hải Dương, Xuân Tạo tiến bộ nhanh chóng và trở thành ngôi sao sáng giá nhất. Năm 2014, cậu ghi 10 bàn ở vòng chung kết U13 Quốc gia, giúp Hải Dương giành HCB. Thành tích này là bước đệm giúp cậu được CLB Viettel chiêu mộ với nhiều kỳ vọng.

Tại đây, Tạo gặp nhiều khó khăn vì yêu cầu về kỹ thuật rất cao, nhiều kỹ năng ở Hải Dương cậu chưa từng được tập. Vậy là sau mỗi buổi hoàn thành giáo án, chàng trai này thường ở lại tập riêng để tự trau dồi thêm. Thế nhưng, sau ba năm, cầu thủ trẻ đã nhận giấy thanh lý vì thể hình quá nhỏ. Đúng lúc tuyệt vọng nhất, một cánh tay đã kéo cậu đứng dậy. Cậu được HLV Nguyễn Thành Công giới thiệu vào Đà Nẵng tiếp tục tập luyện. “Thày nói với tôi, đã đi đến đoạn đường này thì ráng đi nốt chứ bỏ dở thì phí lắm”, Tạo nhớ lại lời thày Công.

Thần tượng Quang Hải

Ở vòng loại U19 Quốc gia 2016, Tạo thấy Nguyễn Quang Hải chơi bóng và mê tít tiền vệ của CLB Hà Nội. Sau đó, Tạo tìm hiểu thêm về cách chơi của Quang Hải và rút ra bài học cho chính mình. “Tôi học cách đá thông minh của anh ấy. Anh Hải không bao giờ tranh chấp bóng tay đôi mà nhận quả bóng từ đồng đội để tỉa khe, đẩy bóng ra khỏi chân rất nhanh và chính xác. Tôi ghi lại tất cả để học hỏi, rèn luyện để hoàn thiện mình”.

17 tuổi, với hành trang là một chiếc balo chứa toàn quần áo và vài trăm nghìn, chàng trai sinh ra ở làng Tế Cầy bắt xe vào Đà Nẵng - vùng đất cậu chưa từng đặt chân tới và cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ đặt chân tới. Sau nửa ngày đi đường, đón Tạo ở bến xe là một đàn anh lứa trên được các thày cử ra. “Đến giờ nghĩ lại, tôi mới thấy mình liều và không hiểu sao mình đủ gan để làm như vậy”, cậu cười nói. Nhờ ý thức tự lập từ nhỏ, lại từng kinh qua môi trường quân đội, cầu thủ trưởng thành từ bóng đá Nhi đồng Hải Dương nhanh chóng hòa nhập ở đội bóng mới, được trao vị trí đá chính ở đội U18 rồi U19.

Mới nhất, Tạo tỏa sáng ở giải U19 Quốc gia 2019 trước khi có tên trong danh sách đội U19 Việt Nam dự giải Quốc tế và tiếp tục gây tiếng vang. Đáng chú ý, do thể hình nhỏ bé nên anh chàng gốc Bắc luôn tìm cách nâng cao thể lực để không quá thua thiệt trên sân. Một đồng đội của cậu ở SHB Đà Nẵng tiết lộ, trước mỗi giải đấu, cầu thủ gốc Hải Dương thường tự tới trung tâm thể hình để tập gym, nhằm tích lũy thể lực. Nhờ vậy, tuy nhỏ bé nhưng cơ bắp của Tạo phát triển rất tốt.

“Xuân Tạo chơi bóng thông minh, có nhãn quan chiến thuật tuyệt vời. Chính điều này bù đắp lại thể hình có phần hạn chế của cậu ấy. Khi quả bóng nằm trong chân cậu ấy thì mọi thứ đều có thể xảy ra. Tôi thực sự hy vọng em sẽ có thêm nhiều cơ hội ra sân và được gọi lên các đội tuyển trẻ Việt Nam”, HLV Graechen nhận xét về cậu học trò nhỏ. Riêng phần mình, Tạo cho rằng những danh hiệu, phần thưởng vừa qua tuy là nguồn khích lệ lớn nhưng tất cả sẽ bị lãng quên nếu cậu không tìm được chỗ đứng ở CLB và các đội tuyển: “Tôi còn phải phấn đấu rất nhiều nếu muốn thành công. Trên thế giới cũng như Việt Nam, không cầu thủ nào tự nhiên biến thành ngôi sao”.

Phạm Xuân Tạo từng vào Đà Nẵng mà chưa biết biết gì về nơi này. Và giờ, chàng trai sinh năm 2001 lại đang đứng trước một chặng đường mới, hứa hẹn nhiều thử thách hơn. Chỉ là khó khăn dường như miễn nhiễm với cầu thủ trẻ sinh ra trên quê hương bánh đậu xanh. “Ngay lúc này, tôi cũng không biết điều gì đang chờ đợi mình, tôi nghĩ đơn giản rằng cứ đi rồi sẽ tới, cứ nỗ lực rồi sẽ nhận trái ngọt”, Tạo kết lại câu chuyện bằng sự quyết tâm đi đến cùng con đường mình đã chọn.

Chàng trai Tế Cầy giờ đây không còn lo lắng đến chuyện bớt một miệng ăn nữa, tại CLB SHB Đà Nẵng, sinh hoạt ở đội trẻ nên Xuân Tạo nhận được 1,5 triệu đồng/tháng tiền hỗ trợ. Cậu tiết kiệm 500 nghìn, còn 1 triệu cầu thủ này để mua đồ dùng sinh hoạt cần thiết như dầu gội, quần áo. “Tôi phải để dành vì mỗi lần về quê cũng khá tốn kém. Hơn nữa, đi xa về cũng nên có chút quà biếu ông bà, bố mẹ”. Còn ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ nghèo khó, đã được bố mẹ thay dáng đổi hình từ một năm trước. Tạo cho biết, căn nhà và chiếc giường cũ kỹ sẽ luôn theo cậu trên mỗi chặng đường sự nghiệp, là động lực thôi thúc cậu phải tiến về phía trước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.