Chính trị

Những điều ít biết về cuộc đời nhà cách mạng Nguyễn Văn Tố

07/06/2019, 09:10

Đương thời, Nguyễn Văn Tố được xếp vào tứ danh kiệt cùng với Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn.

img

Tháng 6 này là chẵn 130 năm ngày sinh Nguyễn Văn Tố. Ông là một nhân vật kỳ vĩ mà ở cương vị nào cũng có nhiều cống hiến cho dân tộc. Từ học giả, nhà báo, Hội trưởng Hội Trí Tri, Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Ông là liệt sĩ, vị lãnh đạo cao nhất của chính phủ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhà nghiên cứu Ngô Thế Long, nguyên cán bộ Viện Thông tin khoa học xã hội cho biết: Nhiều tài liệu viết Nguyễn Văn Tố sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho, nhưng theo hồ sơ tuyển dụng Nguyễn Văn Tố vào Học viện Viễn đông bác cổ (EFEO) tại Paris (Pháp), thì ông xuất thân từ tầng lớp thị dân, cha là Nguyễn Văn Thịnh, mẹ là Lê Thị Kim.

Tốt nghiệp trường Thông ngôn và nhận bằng Thành Chung năm 16 tuổi, Nguyễn Văn Tố được EFEO tuyển làm Phán sự tạm tuyển. Ngày 1/7/1906, Nguyễn Văn Tố được nhận vào làm chính thức tại EFEO với ngạch Phán sự - Thông dịch phụ tá bậc 4. Trong một môi trường toàn những trí thức lớn của Pháp và Việt Nam, Nguyễn Văn Tố mau chóng khẳng định được khả năng của mình.

Ông có nhiều bài viết trên Tạp chí EFEO. Năm 1925, công trình khảo cứu “Tiếng lóng ở Hà Nội” của ông được xuất bản trên tạp chí Nghiên cứu Châu Á. Uy tín này dẫn tới đến việc ông được bổ nhiệm làm Viên chức Hàn lâm. Năm 1931, ông được tặng thưởng Huân chương Hoàng gia Monisapharon (Huân chương của Hoàng gia Campuchia dành cho các cá nhân trong và ngoài nước xuất sắc trong lĩnh vực lịch sử, vưn học nghệ thuật và khoa học).

Năm 1932, ông được giao phụ trách hành chính và xuất bản của EFEO thay cho một nhà nghiên cứu người Pháp về nước. Ngày 28/6/1940, triều đình nhà Nguyễn sắc phong cho ông là Trung nghị đại phu và thụy hàm là Quang lộc tự khanh (tương ứng với Tòng tam phẩm). Ngày 14/3/1942, Chính phủ Pháp tặng thưởng ông với Huân chương Bắc đẩu bội tinh hạng Năm sau 36 năm 5 tháng làm việc tại EFEO.

Nguyễn Văn Tố tham gia hoạt động xã hội. Đó là các tổ chức: Hội những người bạn của EFEO (thành lập 1934), Viện nghiên cứu con người Đông Dương (thành lập 1938), Hội Trí Tri (thành lập 1842, Nguyễn Văn Tố tham gia năm 1910), Hội tuyền bá Quốc ngữ (Nguyễn Văn Tố đứng ra làm thủ tục và làm Hội trưởng).

Các tổ chức xã hội kể trên bao gồm toàn những học giả và chí sĩ danh tiếng của Pháp và Việt Nam. Có thể kể một số tên tuổi như: Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Khoan, Đỗ Xuân Hợp, H.Galliard, E. Colani, P. Lévy, Tôn Thất Tùng, Phạm Huy Thông, Đặng Phúc thông, Dương Quảng Hàm, Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ, Phan Thanh…

Với tư cách nhà báo, Nguyễn Văn Tố tham gia viết rất nhiều bài cho các báo: Pháp Viện báo, Tạp chí Nam Phong, Tuần báo Đông Dương, Đông Thanh tạp chí, Thanh Nghị, Tri Tân và các báo tiếng Pháp như: Tương lai xứ Bắc Kỳ, Nước Nam mới, Tao Đàn…

img
Chân dung Nhà cách mạng Nguyễn Văn Tố

Ngay khi cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/11/1945, Bộ trưởng Quốc gia giáo dục Vũ Đình Hòe ra Nghị định số 146-NĐ thành lập một hội đồng cố vấn tại Đông phương bác cổ viện, trong đó có Nguyễn Văn Tố và các thành viên danh tiếng: Nguyễn Đỗ Cung, Lê Dư, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Thiệu Lâu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đức Nguyên (Hoài Thanh), Vĩnh Thụy, Ngô Đình Nhu, Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ, Công Văn Trung do ông Nguyễn Văn Huyên làm Chủ tịch hội đồng.

Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời của Hồ Chí Minh đã ra tuyên cáo thành lập 13 bộ, Nguyễn Văn Tố giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội.

Ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội, cho biết: Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch trên báo Cứu Quốc ngày 28/9/1945 về việc cứu đói, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã thành lập Hội Cứu đói ngày 2/11/1945. Hội được thành lập đồng thời ở Hà Nội, Thuận Hóa, Sài Gòn và có nhiều chi nhánh ở các tỉnh thành khác.

Rồi ngày 31/12/1945 Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố ra Sắc lệnh số 63 thành lập Hội Cứu tế xã hội. Trên cương vị Bộ trưởng, Nguyễn Văn Tố nhiều lần vi hành đến các địa phương Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định chỉ đạo thành lập Hội Cứu đói, Hội Cứu tế xã hội.

Cùng với cứu đói, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố còn phối hợp với Nha Bình dân học vụ đào tạo cấp tốc những đoàn cán bộ và cử về các địa phương gây dựng cơ sở, xóa nạn mù chữ.

Tháng 1/1946, Nguyễn Văn Tố trở thành đại biểu Quốc hội do cử tri Nam Định bầu. Ngày 2/3/1946, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã khai mạc tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trong vòng 4 giờ, Quốc hội đã hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản như: Thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến và một số cơ quan quan trọng khác của Quốc hội và Nhà nước như: Ban Thường trực Quốc hội (gồm 15 người) do Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban, Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên hội và Ban dự thảo Hiến pháp.

Tuy thời gian giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tương đương Chủ tịch Quốc hội hiện nay) chỉ kéo dài 8 tháng (từ 2/3 đến 9/11/1946) nhưng đó khoảng thời gian gay cấn nhất của cách mạng. Trong phiên họp đầu tiên ngày 4/3/1946, với sự góp ý của Quốc hội, Chính phủ đã quyết định một số chủ trương đối nội, đối ngoại thể hiện chính sách đoàn kết dân tộc, xây dựng mặt trận quốc gia liên hiệp và thống nhất để chống xâm lăng, giữ vững chính quyền, kiến thiết đất nước và thực hiện chính sách ngoại giao thân thiện với các nước trên thế giới.

Ngay tại kỳ họp thứ 2, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố đã trình Chính phủ xét 98 dự án Sắc lệnh, liên quan đến nhiều mặt như về kinh tế, giáo dục, hội họp, lao động. Đặc biệt, trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, ngày 9/11/1946 dưới sự điều hành của Nguyễn Văn Tố đã thông qua bản Hiến Pháp đầu tiên với 240 phiếu thuận trên tổng số 242 đại biểu tham dự.

Đến 23h45 ngày 31/10/1946, trong phiên họp của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thay mặt Chính phủ hiện thời xin từ chức, trao lại quyền cho Quốc hội để bầu ra Chính phủ mới theo nguyên tắc dân chủ. Quốc hội đã bầu ra Chính phủ Kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cụ Nguyễn Văn Tố không giữ chức vụ Trưởng ban Thường vụ Quốc hội nữa mà tham gia Chính phủ với cương vị mới: Bộ trưởng không bộ.

Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, Nguyễn Văn Tố là Phó Chủ tịch Ủy ban tản cư và Di cư. Tháng 10/1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công quy mô vào căn cứ địa Việt Bắc, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 8/10/1947, trong cuộc tiến công vào thị xã Bắc Kạn, thực dân Pháp đã bắt được Bộ trưởng Không bộ Nguyễn Văn Tố. Ban đầu chúng nghĩ rằng đã bắt được Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi biết bắt nhầm người, và Nguyễn Văn Tố đang tìm cách bỏ trốn thì bị giặc Pháp bắn.

Tại phiên họp “tất niên” của Hội đồng Chính phủ chuẩn bị đón Tết Mậu Tý (1948), giữa núi rừng Việt Bắc rét cắt da, cắt thịt, Hồ Chủ tịch đã bật khóc nhớ đến Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay viết văn tế Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố với những lời lẽ trân trọng: “Nhớ cụ xưa/ Văn chương thuần tuý, học vấn cao sâu/ Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết/ Mở mang văn hoá, cụ dốc một lòng/ Phú quý, công danh cụ nào có thiết…./ Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt… Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc”.

Tại Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (5/6/1889 – 5/6/2019), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: “Cuộc đời hoạt động tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân của Cụ Nguyễn Văn Tố là một tấm gương cao đẹp để các ĐBQH, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập, noi theo. Tấm gương của Cụ Nguyễn Văn Tố có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.