Bạn cần biết

Những điều ít biết về Ngày Trái đất 2016

22/04/2016, 13:55

Ít người biết rằng Ngày Trái Đất không phải tên chính thức của ngày 22/4.

Earth-Day

Trẻ em chơi với một quả bóng khổng lồ đại diện cho trái đất trong lễ kỷ niệm Ngày Trái đất năm 2000 tại Washington, DC (ảnh: Mirror)

Ngày Trái đất (22/4) hàng năm là thời điểm người dân trên toàn thế giới giành thời gian để suy nghĩ về môi trường và có những hành động thiết thực bảo vệ sức khỏe quả địa cầu.Tuy nhiên, đến nay nhiều người vẫn chưa biết về ngày đặc biệt này.

Ngày Trái đất có cờ riêng

Ít người biết rằng Ngày Trái đất có cờ của riêng mình. Theo independent, cờ Ngày Trái đất là hình ảnh của một hành tinh (có tên Blue Marble nổi tiếng) được chụp bởi John McConnell trên tàu Apollo 17. Hành tinh này được đặt trên nền một màu xanh sẫm với hy vọng cộng đồng chung tay vì một trái đất xanh.

mccollumearthflag

Cờ Ngày Trái đất

Ngày Trái đất không phải tên chính thức

Cái tên Ngày Trái Đất đang được sử dụng nhiều hiện nay thực tế không phải là tên chính thức của ngày 22/4. Trong năm 2009, Liên Hiệp quốc quyết định giữ tên ngày bảo vệ môi trường này là “International Mother Earth Day” (Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất). Đây là ngày vận động mọi người nâng cao nhận thức và hành động nhằm bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên toàn cầu. 

Liên Hiệp quốc cho biết thêm: “Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất” được đặt vì nó phản ánh sự phụ thuộc lẫn nhau trong quá trình tồn tại giữa con người, các loài sinh vật khác và hành tinh đang sống.

Ngày Trái đất 2016

Ở thời điểm hiện tại, Ngày Trái Đất không chỉ là sự kiện của riêng một quốc gia mà đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Thông điệp của Ngày Trái đất 2016 đó là: "Cây xanh cho Trái đất" ("Trees for the Earth").

Đặc biệt, Ngày Trái đất 22/4 năm nay, 130 nhà lãnh đạo thế giới sẽ có hành động lịch sử tại Liên Hợp quốc là ký thoả thuận toàn cầu về vấn đề khí hậu đạt được tại Paris hồi tháng 12/2015. Thỏa thuận này nhằm mở đường cho việc làm chậm lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến trái đất.

Lễ ký kết sẽ được diễn ra tại trụ sở Liên Hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, với sự hiện diện của 130 quan chức đại diện cho các nước, trong đó có khoảng 60 nguyên thủ quốc gia bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu...

paris

Lãnh đạo các nước đều hoan nghênh thỏa thuận chống biến đổi khí hậu được thông qua tại COP21 ở Paris - Pháp.

Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki Moon cho rằng Hiệp ước Paris là một bước ngoặt trong sự ứng phó của thế giới đối với nạn biến đổi khí hậu. Hiệp ước sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi có được sự phê chuẩn của 55 nước.

Mục tiêu có hiệu lực được đề ra là năm 2020, nhưng các chuyên gia dự tính nếu được các nước phê chuẩn sớm, hiệp ước này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới.

Mỹ và Trung Quốc, hai nước chiếm khoảng 40% tổng số lượng khí thải toàn cầu, đã dùng ảnh hưởng chính trị của mình để vận động cho hiệp ước sớm được thực thi.

Để phổ biến rộng rãi hơn nữa ngày quan trọng này, Google đã chạy hàng loạt doodle điểm nóng môi trường để nhắc nhở mọi người cần hành động để bảo vệ môi trường tự nhiên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.