Xem - ăn - chơi

Những điều kỳ thú ở “vương quốc tỏi” Lý Sơn

31/05/2015, 06:25

Lần đầu “chạm” đảo tiền tiêu Lý Sơn, bất kỳ du khách nào cũng dễ bị “vương quốc tỏi” này hớp hồn.

 

IMG_2706
 

Đối đầu sóng gió, đảo không… kém đất liền

Ấn tượng đầu tiên với du khách khi đến đảo Lý Sơn là màu xanh ngút ngàn của cây cối hòa màu xanh nước biển dịu êm; là những con đường, ngõ xóm đều bê tông hóa kiên cố. Trên mỗi ngả đường là sắc xanh của những cây bàng vuông hàng trăm năm tuổi. Quanh năm đối đầu với sóng và gió, vậy mà Lý Sơn vẫn khoác lên chiếc áo xanh tươi.

Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên cho biết: Những con đường bê tông này là công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (Nhà nước tài trợ 80%, người dân đóng góp 20%). Qua hơn ba năm triển khai xây dựng nông thôn mới, giờ đây diện mạo của huyện đảo đã thay đổi rõ nét, nhà cửa khang trang; 95% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia, gần 80% gia đình có nhà xí hợp vệ sinh; hộ nghèo giảm; đời sống kinh tế của đại bộ phận nhân dân ổn định…

Ra đảo giờ dễ dàng, nhanh chóng với các phương tiện như tàu cao tốc, tàu gỗ. Trên đảo cũng không khác gì đất liền. Điện lưới đã được kéo ra huyện đảo. Ban đêm khắp các khu đảo đều rực sáng, thay cho cảnh “đêm sáng, đêm tối trước đây”. Nước ngọt không còn khan hiếm. Phòng ốc, dịch vụ lưu trú khang trang. Ngoài khách sạn, nhà nghỉ, đảo còn có cả mô hình homestay. Những người dân trên đảo đầy thân thiện, mến khách.

Mách nhỏĐến TP.Quảng Ngãi từ sáng sớm, du khách di chuyển xuống cảng Sa Kỳ bằng taxi, xe buýt… Tại đây có cả tàu cao tốc, tàu gỗ ra đảo Lý Sơn khởi hành lúc 7h30 - 8 giờ sáng mỗi ngày. Phòng vé tại Cảng Sa Kỳ mở cửa lúc 6h30 hàng ngày.

Hùng, một người dân bản địa nhiệt tình dẫn chúng thăm quan Chùa Đục, với tượng Quán Thế Âm cao 27 m đứng sừng sững, thế tựa vào vách núi hướng ra biển tạo nên khung cảnh hùng vĩ. Từ chùa Đục, men theo đồng cỏ xanh là tới miệng núi lửa - đỉnh Liêm Tự. Từ đây, du khách sẽ “đã con mắt” khi được ngắm nhìn đảo từ trên cao.

Lý Sơn có 5 ngọn núi hình thành từ núi lửa thì Thới Lới là ngọn cao nhất. Ở đây có hồ chứa nước độc nhất vô nhị trên miệng núi lửa, là nguồn cung cấp nước ngọt cho các hộ dân trồng tỏi và sử dụng khi nguồn nước giếng khoan cạn kiệt.

Tour Du lịch chủ quyền - “đặc sản” Lý Sơn

Lý Sơn nổi tiếng với những ngư phủ đạp sóng Hoàng Sa vừa đánh bắt vừa bảo vệ chủ quyền. Toàn huyện có gần 500 tàu cá, nhiều đội tàu công suất lớn với ngư cụ hiện đại được đóng mới. Chỉ tính riêng năm 2014 vừa qua, sản lượng khai thác của ngư dân trong huyện đạt gần 40 nghìn tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 350 tỷ đồng, thu nhập bình quân một lao động nghề biển đạt từ 60 -100 triệu đồng/năm. Đời sống, thu nhập của ngư dân tăng cao, điều này đã khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, bám ngư trường, vừa làm kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…

Ấn tượng nhất ở Lý Sơn là đứng dưới đỉnh Cột cờ đảo lồng lộng gió. Dạo một vòng, du khách sẽ đến với tượng đài Hải đội Hoàng Sa, nhà trưng bày truyền thống và có cơ hội thắp hương trên ngôi mộ gió của các binh phu đã xả thân giữa biển cả bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa của Tổ quốc. Hùng gọi đó là “tour du lịch chủ quyền” - “đặc sản” riêng của Lý Sơn sau những thương hiệu về tỏi, hải sản…

Hiện đảo chưa có nhiều dịch vụ tổ chức các tour “Một ngày làm ngư dân” hay “Đánh bắt cùng ngư dân, ra khơi” để thu hút du khách cũng như tạo nguồn thu cho địa phương…

Tuy nhiên, nghề cá của huyện Lý Sơn khá phát triển với trên 1.000 ngư dân tham gia, 84 tàu, thuyền ra khơi khai thác hải sản và bảo vệ vững chắc chủ quyển Tổ quốc. Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Trần Ngọc Nguyên cho biết thêm: Phát triển kinh tế biển là chủ đạo, huyện cũng kết hợp phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại để Lý Sơn bứt phá đi lên theo hướng bền vững… 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.