Hạ tầng

Những dự án đường thủy lớn nào ưu tiên đầu tư trong 10 năm tới?

01/06/2021, 16:26

Giai đoạn 2021-2030, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy vào khoảng hơn 157 nghìn tỷ đồng và ưu tiên nhiều dự án lớn...

img

Kênh Xà No qua địa bàn tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Anh Lam

Ngày 1/6, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo đề xuất tại Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy thời kỳ 2021-2030 đang được lấy ý kiến, tổng nhu cầu vốn để phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy trong giai đoạn này vào khoảng 157.533 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi năm cần đến hơn 15,7 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn đầu tư để nâng cấp, cải tạo hệ thống luồng tuyến đường thủy từ vốn ngân sách khoảng 28.919 tỷ đồng; đầu tư phát triển hệ thống cảng thủy nội địa (vốn doanh nghiệp) khoảng 128.614 tỷ đồng.

"Quy hoạch cũng đề xuất 19 dự án cần ưu tiên tập trung trong 10 năm tới, với 18 dự án dùng vốn ngân sách, ODA để nâng cấp tĩnh không cầu, luồng tuyến; còn 1 dự án đầu tư tổng thể các cảng thủy theo quy hoạch dùng vốn doanh nghiệp", Cục Đường thủy VN thông tin.

Trong số đó, các dự án cải tạo cầu, nâng cấp luồng tuyến được ưu tiên đầu tư gồm: nâng cấp cầu Đuống, kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ, kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, nâng cấp tĩnh không các cầu đường bộ qua đường thủy khu vực phía Nam, nâng cấp tuyến hành lang Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình qua sông Luộc (hành lang số 2)…

Tiêu chí đề xuất ưu tiên thứ tự đầu tư dự án trên cơ sở giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt và hoàn chỉnh các hành lang vận tải trọng yếu, tuyến đường thủy có tính kết nối cao, đặc biệt đối với các tuyến vận tải container. Đầu tư ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa hệ thống quản lý để khai thác hiệu quả các tuyến vận tải.

Cũng theo đại diện Cục Đường thủy nội địa VN, thời gian qua hầu hết các dự án xã hội hóa đầu tư nâng cấp cầu, luồng tuyến đường thủy đều không thu hút được nhà đầu tư. Vì vậy, tới đây cần nguồn vốn ngân sách để nâng cấp, cải tạo luồng tuyến, còn lại sẽ kêu gọi đầu tư phát triển các cảng thủy.

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, nguồn vốn ngân sách (gồm cả vốn ODA) sẽ được ưu tiên dùng cho các dự án tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trên hành lang, luồng tuyến, mang tăng hiệu quả vận tải và kết nối vận tải thủy với các phương thức vận tải khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.