Xã hội

Những đứa trẻ “Baby Lift” và hành trình về đất mẹ

27/04/2015, 08:20

Mỗi năm, tới ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) cũng là lúc hàng nghìn người con Việt Nam

123
Trẻ sơ sinh Việt Nam mồ côi trên máy bay trong chiến dịch Baby Lift được đưa sang Mỹ

Sống sót thần kỳ trên chuyến bay gặp nạn

Đầu tháng 4/1975, Chính phủ Mỹ quyết định thực hiện chiến dịch mang tên Baby Lift đưa hàng nghìn trẻ em mồ côi không nơi nương tựa dưới 10 tuổi từ Việt Nam sang các nước Mỹ, Pháp, Canada, Australia. Ước tính, khoảng 3.300 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đã được đưa khỏi Việt Nam trên 30 chuyến bay. Chuyến bay đầu tiên mở màn cho chiến dịch, chở theo 313 người đã gặp tai nạn rơi gần sông Sài Gòn. Sau tai nạn, chỉ 175 người còn sống sót đã được đưa lên máy bay sang Mỹ. Landon Carnie là một trong những người mang ký ức đau buồn đó, một trong 175 người sống sót. Anh đã quay trở về quê hương để tìm lại nguồn cội và hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh 13 năm nay.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, Landon lần giở lại từng trang ký ức, hồi tưởng những gì được cha mẹ nuôi kể lại về vụ tai nạn. Anh cùng người chị gái song sinh - Lorie Carnie, được đưa lên chuyến bay định mệnh sang Mỹ khi mới 17 tháng tuổi. Sau khi máy bay gặp nạn, ban đầu do chưa tìm thấy hai chị em nhà Carnie, người ta gửi điện báo về cha mẹ nuôi thông báo hai người thiệt mạng. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, dân địa phương phát hiện hai chị em nằm trên ruộng, thoát chết thần kỳ không một vết thương. Hai chị em Landon cùng một số trẻ sống sót khác được đón lên một chiếc máy bay thương mại, do một nhà hảo tâm người Mỹ tự thuê vì cảm động sau sự việc đó.

Tối ngày 16/4, Tổ chức Di sản của Mỹ (Heritage Program) chính thức mở cửa triển lãm “Chiến dịch Baby Lift” nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện này diễn ra, tại công viên San Francisco Presidio. Qua những hiện vật, hình ảnh, triển lãm kể lại sống động những diễn biến của chiến dịch. Khoảng 150 người bao gồm bậc cha mẹ nuôi, những trẻ em được nhận nuôi, nhân viên y tế và tình nguyện viên trong “Chiến dịch Baby Lift” năm 1975 được mời tới tham dự lễ ra mắt. Họ có thể không biết nhau nhưng họ chia sẻ chung cảm xúc và lịch sử đã qua. Triển lãm mở cửa miễn phí từ ngày 16/4/2015 tới tháng 12/2015 trong tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ hai tại San Francisco (Mỹ).

Giấy tờ của toàn bộ những đứa trẻ trên chuyến bay xấu số đều bị thiêu rụi. Chính quyền Mỹ làm lại giấy tờ khai sinh mới, do đó họ không biết chính xác quê quán và ngày sinh. Nghe một số người kể lại, hai chị em Landon chỉ biết họ sinh ra tại Bạc Liêu và được nuôi dưỡng tại một trại mồ côi ở Sóc Trăng. Tình yêu quê hương và khát khao tìm về nguồn cội thôi thúc Landon trở lại quê hương. Năm 2000, hai chị em Landon quay trở về Việt Nam cùng gia đình nuôi để dự lễ tưởng niệm 25 năm “Chiến dịch Baby Lift”. Hai năm sau, Landon quyết tâm quay về Việt Nam sinh sống bất chấp khó khăn ở môi trường vừa quen vừa lạ mà anh một mình phải đương đầu, cùng những lời cảnh báo khuếch đại về Việt Nam của cha mẹ nuôi.

Anh sống tại TP Hồ Chí Minh từ đó tới nay đã 13 năm, là giảng viên truyền thông của Trường Đại học RMIT TP Hồ Chí Minh. Landon nói với PV Báo Giao thông: “Tôi bất chấp khó khăn vì tôi muốn biết, muốn hiểu về nơi tôi sinh ra. Ngay lần đầu đặt chân về nơi chôn rau cắt rốn, cảm giác với Việt Nam trong tôi đã vô cùng thân thuộc, như đã từng gắn bó rất lâu vậy”.

Song song với công việc giảng viên bận rộn, Landon dành nhiều thời gian tìm hiểu về nguồn gốc và thấm nhuần những nét đặc sắc của người Việt. Trại trẻ mồ côi nơi hai chị em Landon được nuôi dưỡng ở Sóc Trăng nay trở thành trường học cho trẻ em nghèo. Các vị sơ từng chăm sóc lứa trẻ em như Landon đang tiếp tục làm việc tại đây. Họ vẫn nhớ hai anh chị em. Landon coi đây như nhà và thường quay trở lại thăm bất cứ khi nào có thể.

Đầu tháng 4 vừa qua, Landon lần đầu tiên quay về nơi từng là hiện trường vụ tai nạn máy bay thảm khốc. Hiện tại, nơi đây là cánh đồng xanh bát ngát, rất ít vết tích từ vụ tai nạn còn sót lại, nhưng từng đó đủ để Landon hiểu về một phần lịch sử đau thương mà anh góp mặt và thêm yêu món quà cuộc sống. Anh tìm quá khứ để hiểu nhưng không bi luỵ. Landon đã, đang và tiếp tục phương châm “sống vì hiện tại và tương lai”. “Khi trước, mỗi lần về Mỹ thăm bố mẹ nuôi, tôi nói với mọi người là trở về nhà. Nhưng tôi thấy chạnh lòng, tôi phải định nghĩa thế nào là nhà cho đúng. Giờ đây tôi đã có câu trả lời. Quê nhà là nơi một mai chết đi, tôi muốn vĩnh viễn nằm lại. Tôi muốn nơi đó là Việt Nam”, Landon nói.

122
Landon Carnie trở về nơi từng là hiện trường vụ tai nạn máy bay chở trẻ em mồ côi Việt Nam sang Mỹ

Nguyện ước hòa cùng đất mẹ

Không may mắn để được quay về và sống trong “vòng tay” quê hương, Lyly Kara Thanh Mendez - một trong những trẻ em cuối cùng rời Việt Nam sang Mỹ, đã không có cơ hội quay lại tham dự kỷ niệm 40 ngày “Chiến dịch Babylift” tại Việt Nam và ngắm lại quê hương lần nữa. Cô qua đời ở tuổi 40 vì căn bệnh ung thư vú ngày 20/1 vừa qua.

Gia đình Lyly đang gây quỹ mang tên Lyly Koenig-Mendez Memorial Fund với mục đích giúp đỡ những người phụ nữ Mỹ gốc Á bị ung thư, hiếm muộn con cái, giúp đỡ trẻ mồ côi, trao học bổng cho những người muốn học ngành thiết kế như Lyly… Gia đình Lyly cũng muốn dùng một chút tiền trong quỹ để đưa tro cô về với đất mẹ Việt Nam.

121
Cô Lyly Kara Thanh (Koenig) Mendez từng ước muốn về Việt Nam nhưng không kịp thực hiện

“Lyly rất muốn được quay về thăm quê lần cuối trước khi ra đi, nhưng không kịp. Chúng tôi sẽ thỏa ước nguyện cuối cùng này cho con. Lyly sẽ được quay về Việt Nam, chỉ có điều theo một cách khác” - Mẹ nuôi của Lyly, bà Karen Koenig chia sẻ trong làn nước mắt.

Trước đây, khi còn sống, Lyly từng hai lần quay về Việt Nam. Một lần vào năm 2005, kỷ niệm 30 năm ngày Chiến dịch Baby Lift; lần thứ hai vào năm 2010 cùng với gia đình. Trong lần trở về đầu tiên, Lyly nói: “Dù tôi là công dân Mỹ, sống và làm việc tại đó nhưng Việt Nam chưa bao giờ nằm ngoài trái tim tôi”. Sau lần về quê, Lyly thường xuyên liên lạc với những người từng là trẻ em mồ côi Việt Nam và họ coi nhau như anh/chị em ruột. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.