Xã hội

Những đứa trẻ “thụ án” cùng mẹ ở “khu thiên thần”

19/02/2015, 07:55

Giữa bốn bức tường trại giam, những đứa trẻ thơ ngây cùng mẹ “thụ án” đón một cái Tết không trọn vẹn tình thương.

185
Bé trai Đỗ Huân Bảo cùng người mẹ trẻ trong Trại giam Quyết Tiến

Những đứa trẻ thiệt thòi ở “Khu thiên thần”

Đến Trại giam Quyết Tiến (Tuyên Quang) vào một ngày cuối năm, chúng tôi được các cán bộ ở đây giới thiệu tại Phân trại số 2 có một khu được ưu ái gọi là “Khu thiên thần”, bởi ở đây có những đứa trẻ từ 1-3 tuổi đang cùng mẹ thụ án trong trại giam. Dù thiệt thòi muôn mặt nhưng trên khuôn mặt và ánh mắt của chúng đều ánh lên nét thơ ngây của những thiên thần.

Nhìn thấy có người lạ, bé Đỗ Huân Bảo (SN 2014) mừng ra mặt. Dù mới được hơn 5 tháng tuổi, nhưng bé Bảo đã biết “hóng chuyện”. Huân Bảo là con của phạm nhân Đỗ Thị Phương (SN 1991, quê Tuyên Quang). Là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, gia đình cũng không phải khó khăn, thế nhưng Phương lại theo đám bạn ăn chơi đua đòi, rồi nghe lời dụ dỗ tham gia vào đường dây mua bán người để kiếm “lợi nhuận khủng”, lấy tiền phục vụ cho những cuộc ăn chơi không bờ bến của cô cùng đám bạn. Dù mắc vào vòng tù tội, nhưng vì còn nhận thức non trẻ, Phương không thụ án mà tiếp tục trốn nã về Hải Dương. Tại đây, cô yêu và cưới một chàng trai, người ấy không hề biết cô đang bị truy nã. Thế rồi, khi Phương vừa có bầu được hơn một tháng thì bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ. Phương phải chịu mức án hơn 5 năm tù giam.

Trong trại giam, các phạm nhân có con nhỏ đều được tạo điều kiện tốt. Ai vừa sinh con sẽ được nghỉ 6 tháng không phải tham gia lao động, nếu con ốm sẽ được nghỉ để chăm con, còn với những đứa trẻ, mỗi tháng được chu cấp hơn 400 nghìn đồng gửi vào sổ lưu ký để có thể đổi lấy bỉm, lấy cháo hoặc sữa trong căng tin, ngoài ra còn được các cán bộ thường xuyên mua sắm quần áo đầy đủ.

Nhớ lại quãng thời gian sinh con, Phương rơm rớm nước mắt. Cô tâm sự rất buồn và tủi thân vì trong những thời khắc như thế lại thiếu đi vòng tay yêu thương của gia đình. Khi được hỏi về cậu con trai kháu khỉnh, Phương òa khóc vì thương con, vì thấu hiểu sự thiệt thòi của con.

“Giá như em là một người mẹ tốt, thì con em đã có một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ hơn. Ở trong này, em không có nhiều điều kiện chăm con. Mới hơn 5 tháng tuổi, con em đã phải ăn cháo gói chứ không có điều kiện uống sữa ngoài hay ăn bột dinh dưỡng như những đứa trẻ cùng trang lứa. Dù trong này, các giám thị rất mực quan tâm, yêu thương đến hai mẹ con, nhưng cũng không tránh khỏi những lúc nhìn con mà ứa nước mắt”, Phương nghẹn ngào.

Kể từ khi vào đây, gia đình thi thoảng vẫn lên thăm hai mẹ con nên có lẽ nỗi mặc cảm và dằn vặt trong Phương cũng đã dần vơi bớt theo thời gian.

Phạm nhân Nguyễn Thị Thanh (SN 1976, quê Yên Bái) khi được hỏi về tương lai của cô con gái 22 tháng tuổi cũng không khỏi nghẹn ngào. Thanh phải chịu hơn 17 năm tù giam vì mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài đứa con gái 22 tháng tuổi đang ở cùng trong trại giam, Thanh còn có một cô con gái 18 tuổi ở ngoài, vì mẹ vướng vào vòng lao lý, nên cô con gái lớn cũng đành nghỉ học để đi làm nuôi thân.

Nhớ lại năm đầu tiên ăn Tết cùng con gái nhỏ trong trại giam, Thanh bất chợt rơi nước mắt: “Năm ấy, vào thời khắc Giao thừa, ôm đứa con gái bé bỏng trong lòng mà tôi thấy nhớ da diết cuộc sống bên ngoài, nhớ gia đình, nhớ con gái lớn. Chỉ vì những suy nghĩ nông cạn, chỉ vì hám lợi mà tôi làm ảnh hưởng đến tương lai của các con. Giờ muốn cho con gái nhỏ ra ngoài, nhưng không ai chăm con, vì bố cháu cũng đang thụ án ở trại”, Thanh không giấu được nước mắt.

Các cán bộ tại Phân trại số 2 kể lại, khi vào trại, Thanh có tư tưởng không ổn định, có biểu hiện tự sát. Thấy Thanh hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nên lãnh đạo trại giam cũng đã trực tiếp gặp gỡ, động viên. Tuy nhiên, vào cuối năm 2012, trong buồng giam, Thanh đã xé màn, kết thành dây buộc lên quạt trần treo cổ tự tử, do kịp thời đưa đi cấp cứu nên Thanh đã qua khỏi. Sau đó, dù công tác quản lý, giám sát đã được tăng cường hơn nhưng Thanh vẫn không hề từ bỏ ý định tự tử, đến khi con gái nhỏ chào đời, Thanh mới nguôi ngoai và quên dần sự bất mãn.

“Mẹ trong tù, bố say rượu cả ngày, gửi con về ai chăm”

Phạm nhân Giàng Thị Chảo (42 tuổi, quê Lào Cai) là người dân tộc nói tiếng Kinh còn bập bẹ phải chịu án 15 năm vì tội buôn bán trái phép chất ma túy. Chảo vừa chuyển đến Trại giam Quyết Tiến thì sinh con. Thụ án tại đây được hơn hai năm, con trai của Chảo cũng được tròn 2 tuổi.

Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, Giàng Thị Chảo nói chậm rãi từng câu bằng tiếng Kinh: “Nhà tôi nghèo lắm, chỉ làm ruộng thôi, nên tôi đi buôn ma túy để kiếm tiền. Giờ có con rồi, tôi hối hận lắm. Nhiều lần nghĩ rất thương con. Ở trong này mãi với mẹ thì không được, vì án của tôi còn rất dài, mà gửi con ra ngoài thì không biết ai sẽ chăm con, vì ông bà vừa già và ốm yếu, lại vừa ở xa, còn bố cháu thì say rượu suốt cả ngày. Nếu gửi con về chắc chỉ có đứa anh trai 10 tuổi trông thôi”.

Tương tự, phạm nhân Hoàng Thị Liễu (41 tuổi, ở Hà Giang) cũng cho biết, điều kiện gia đình rất khó khăn, có gửi con về cũng không thể nuôi được. “Mỗi lần Tết đến chúng tôi đều buồn, đều tủi, nhưng có con rồi thì cũng nguôi ngoai đi phần nào. Giờ cũng không còn cách nào khác là cố gắng cải tạo để được ân xá, có cơ hội làm lại cuộc đời và cũng là cho con một cuộc sống tốt hơn”, Liễu tâm sự. Cô con gái Hoàng Lê Khánh của Liễu mới được hơn 5 tháng tuổi nhưng trông khá cứng cáp, sáng sủa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.