Chuyện dọc đường

Đầu tư cao tốc, những gì địa phương làm tốt nên giao

Chủ trương giao cả nguồn vốn cho địa phương thực hiện đầu tư các dự án cao tốc theo hình thức PPP là giải pháp rất mạnh mẽ của Chính phủ.

img

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,2km, tổng vốn đầu tư trên 13.815 tỷ đồng, trong đó tỉnh Quảng Ninh bỏ tiền làm 16,7km đoạn Vân Đồn - Tiên Yên và GPMB, còn lại do nhà đầu tư là Công ty phát triển hạ tầng Vân Đồn thực hiện

Việc phân cấp cho các tỉnh làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại các dự án cao tốc đi qua địa bàn theo hình thức PPP là chủ trương lớn và rất đúng đắn của Chính phủ.

Tuy nhiên, để thực hiện được, Chính phủ, Bộ GTVT cần rà soát, đánh giá hiệu quả của các dự án cao tốc theo hình thức PPP do địa phương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong thời gian qua. Cái gì địa phương làm tốt, cái gì chưa tốt phải chỉ rõ.

Chẳng hạn, công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án giao thông, rõ ràng giao cho địa phương thực hiện rất hiệu quả và nhanh chóng. Thực tế, thời gian qua, các địa phương với vai trò là chủ đầu tư đã làm tốt và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông rất nhanh.

Có thể nói, chủ trương giao cả nguồn vốn cho địa phương thực hiện đầu tư các dự án cao tốc theo hình thức PPP là giải pháp rất mạnh mẽ của Chính phủ.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, ngoài công tác giải phóng mặt bằng được địa phương làm tốt, nhiều người sẽ quan ngại về các khâu tổ chức tiếp theo trong quá trình thực hiện dự án như: Công tác khảo sát thiết kế, lựa chọn tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu, quản lý dự án, khai thác vận hành… đòi hỏi tính chuyên ngành, kỹ thuật rất cao.

Do vậy, để thực hiện chủ trương giao quyền cho địa phương thực hiện đầu tư đường cao tốc, Chính phủ cần phải tăng cường trách nhiệm, hiệu lực quản lý Nhà nước của cơ quan chuyên ngành là Bộ GTVT theo các quy định của pháp luật. Đồng thời, Bộ GTVT cần phải chủ động nghiên cứu, đánh giá để giao cho các địa phương nào, những gì có thể giao được, những gì không, giao nhưng điều kiện quản lý kèm theo là gì…

Phải thẳng thắn nhìn nhận, trong thời gian qua, khi được giao làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, một số địa phương thực hiện hiệu quả, nhưng cũng còn không ít hạn chế.

Điển hình là dự án BT đường trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở do Hà Nội giữ vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, với những gì diễn ra trong thực tế thì không thể đánh giá là thực hiện tốt được.

Tiếp đến, khi thực hiện dự án cao tốc theo hình thức PPP do địa phương làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, việc quản lý, vận hành khai thác sẽ tổ chức thực hiện ra sao?

Nếu giao nhà đầu tư quản lý, vận hành thì có phải sửa quy định pháp luật gì không, khi hiện nay vai trò này đang được Tổng cục Đường bộ VN đảm nhiệm?

Những việc này, Bộ GTVT cần phải rà soát, đánh giá trước khi tham mưu Chính phủ đưa ra giải pháp phù hợp để thực hiện chủ trương phân quyền cho các địa phương đầu tư đường cao tốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.