Làm báo cùng Giao thông

Những hiệp hội "ăn mày" doanh nghiệp

18/05/2018, 06:24

Một số hiệp hội gây phiền nhiễu, tốn kém cho doanh nghiệp, đồng thời tiếp tay cho gian thương lừa bịp người tiêu dùng.

Những bệnh nhân ung thư nghèo vùng đất Thanh Hóa u

Bà Mai Thị Nhẫn (xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) vẫn bị lừa mua sản phẩm Vinaca sau khi lãnh đạo công ty này đã bị bắt

LTS: Dù Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần TNHH Vinaca - sản xuất thực phẩm chức năng chữa ung thư giả bằng bột than tre bị bắt, vẫn có không ít nạn nhân tiếp tục bị lừa mua sản phẩm. Báo Giao thông ngày 16/5 có bài viết “Bệnh nhân ung thư tiếp tục sập bẫy Vinaca” phản ánh nội dung này.

Sau khi bài viết đăng tải, Báo Giao thông đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc, lên án hành vi táng tận lương tâm của Vinaca cũng như các đại lý chân rết. Vì lợi nhuận, những đối tượng này sẵn sàng tước đi chút niềm tin chấp chới còn lại của những bệnh nhân ung thư nghèo, đang phải chống chọi với bệnh tật. 

Một số bạn đọc tiếp tục đặt vấn đề xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân đã tiếp tay cho Vinaca chỉ trong một thời gian ngắn đã đưa hệ thống phân phối khắp các tỉnh thành trong cả nước. 

Để rộng đường dư luận, Báo Giao thông giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc một công ty in ấn tại TP.HCM liên quan đến vấn đề này. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả:

Một sản phẩm chỉ là bột than tre, song làm thế nào có thể “vươn vòi bạch tuộc” phân phối hàng khắp các tỉnh thành trong cả nước với công dụng “thần thánh” là điều trị ung thư? Thậm chí, vẫn có thể lừa đảo người mua ngay cả khi lãnh đạo doanh nghiệp đã bị bắt cả tháng trời?

Ngoài mô hình kinh doanh đa cấp với chiêu thức đánh vào lòng tham của những đại lý phân phối, 

có thể nói, “bảo bối” để doanh nghiệp này chiêu dụ khách hàng chính là chứng nhận Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam và gương mặt doanh nhân tiêu biểu Việt Nam được cấp bởi Viện khoa học chống hàng giả, thuộc Hiệp hội chống hàng giả & bảo vệ thương hiệu (VATAP).

Viện khoa học chống hàng giả, thuộc Hiệp hội chống hàng giả & bảo vệ thương hiệu (VATAP) đã làm một việc “tày đình” khi cấp chứng nhận top 10 thương hiệu Việt cho Vinaca, một công ty được cho là lừa đảo khách hàng, tuyên truyền sai sự thật về sản phẩm, nhập nhèm trong vấn đề pháp nhân và đã bị công an Hải Phòng khởi tố.

Vinaca-O

Vinaca được vinh danh "TOP 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017"

Theo công văn mới đây trả lời Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) được ký bởi ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội VATAP thì hiệp hội không hay biết gì về việc làm của Viện Công nghệ chống hàng giả?! Dù rằng, viện này thuộc VATAP và người ký chứng nhận là bà Trần Mai Khanh, Viện trưởng kiêm Phó chủ tịch hiệp hội. Thêm nữa, chứng nhận top 10 lại được cấp theo quyết định 12/2017-QĐ CTHH của chính Hiệp hội này.

Như vậy, nội dung trả lời trong công văn của ông Lê Thế Bảo hoàn toàn không thuyết phục và có biểu hiện gian lận, trốn tránh trách nhiệm. Vinh danh một thương hiệu không thể tuỳ tiện như các tiêu chí trong công văn của ông Lê Thế Bảo đã trả lời Cục Quản lý thị trường. Lại càng không thể dùng bộ tiêu chí sơ sài ấy để đánh giá các thương hiệu Việt trong khi họ không có số liệu thống kê thị trường, đánh giá chất lượng sản phẩm, sự phản hồi từ người tiêu dùng…

thuocvinaca

Các sản phẩm Vinaca - bằng bột than tre - song đã được vinh danh "Top 10 thương hiệu  Việt"

Muốn đánh giá đúng về thương hiệu, phải có một bộ tiêu chí quy chuẩn thật khoa học và tất cả các chỉ số ấy phải được khảo sát một cách độc lập và hoàn toàn khách quan. Nhất định tiêu chí ấy phải được xây dựng từ nền tảng là chất lượng sản phẩm. Đây là điều sơ đẳng, nhưng họ không có gì chứng minh đã làm việc này. Những tiêu chí để vinh danh doanh nghiệp trong công văn mà ông Lê Thế Bảo trả lời Cục Quản lý thị trường hoàn toàn phi khoa học, vô cùng sơ sài và cảm tính.

Hiệp hội VATAP chỉ là một trong số nhiều hiệp hội, viện có các hoạt động quảng bá, vinh danh các thương hiệu Việt vừa qua. Hoạt động này thật có, giả có mọc lên như nấm sau mưa khiến người tiêu dùng quờ quạng trong vấn đề nhận định một thương hiệu hay sản phẩm chất lượng.

Không những hoạt động của họ gây ra rất nhiều phiền nhiễu và tốn kém đối với các doanh nghiệp mà họ còn làm cho người tiêu dùng mất phương hướng và đánh giá sai sản phẩm.

Tệ hại hơn nữa, họ nhân danh các hội đoàn được Nhà nước chứng nhận hoạt động hợp pháp để tiếp tay cho gian thương lừa bịp người tiêu dùng. Vì những lợi nhuận thu được, họ sẵn sàng trao giải Thậm chí, đẩy người tiêu dùng vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà vụ vinh danh Vinaca là một ví dụ điển hình. 

bà Hoan

Một nạn nhân khác tại Thanh Hóa cũng bị lừa mua sản phẩm Vinaca ngay cả khi lãnh đạo công ty đã bị bắt 

Thiết nghĩ, Chính phủ nên có những chế tài đặc biệt đối với những hiệp hội như trên nhằm đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp, sự đánh giá chính xác thương hiệu và sản phẩm đối với người dân để có một thị trường trong sạch, lành mạnh.

Trong quá trình hội nhập và phát triển, sự trung thực trong kinh doanh của doanh nghiệp và công bằng của các cơ quan quản lý là điều tiên quyết. Không có được yếu tố này, doanh nghiệp Việt không thể vươn lên lớn mạnh và sản phẩm Việt sẽ chẳng bao giờ có được trong tâm trí người dân chứ đừng nói tới có được hình ảnh đẹp trong con mắt của bạn bè quốc tế.

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.