70 năm truyền thống ngành GTVT

Những kỷ niệm với Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ

10/09/2014, 13:33

Đọc cuốn sách: "Phan Trọng Tuệ - Vị tướng - Bộ trưởng đức độ, tài năng" của nhiều tác giả trong và ngoài ngành GTVT, tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động hồi tưởng lại những kỷ niệm...

Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ (người đi giữa) đi kiểm tra cầu đường sắt qua sông Trà Khúc (năm 1977)
Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ (người đi giữa) đi kiểm tra cầu đường sắt qua sông Trà Khúc (năm 1977)


Những ai từng được sống và làm việc ở ngành GTVT vào thời kỳ do Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ lãnh đạo, dù ở vào hoàn cảnh và công việc khác nhau chắc hẳn đều có những kỷ niệm đẹp về vị Bộ trưởng mẫu mực, đức độ, tài năng như một người anh rất gần gũi và thân thiết.


Tôi là một chuyên viên đối ngoại của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GTVT được phân công làm công việc khánh tiết chuyên soạn thảo công hàm, điện để gửi cho các Bộ trưởng GTVT các nước trong khối xã hội chủ nghĩa và các nước khác vào những ngày lễ, Tết, 1/5, Quốc khánh. Nhờ công việc đó, cho nên tôi rất gần Bộ trưởng. Sau đây là mấy mẩu chuyện nho nhỏ mà tôi được trực tiếp biết về anh Bảy Tuệ trong những năm tháng gần anh.

Cho tớ thêm một chữ 


Tôi nhớ, có một lần sắp đến ngày Quốc khánh Campuchia, tôi thảo một công hàm của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ để gửi Tướng Dương Sam On, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện Campuchia kịp vào ngày Quốc khánh của bạn. Thảo xong, tôi đánh máy ngay ngắn, trình bày gọn gàng ở trên giấy có in hình Quốc huy, cho vào bìa trình ký, đi xe đạp xuống nhà anh ở 12 Phạm Đình Hổ (Hà Nội). Bấm chuông, người giúp việc ra mở cửa cho tôi vào. Vào đến sân, tôi thấy anh đang chơi với cháu ngoại ở hành lang. Tôi đi đến chào và báo cáo:


“Dạ thưa anh, sắp đến ngày Quốc khánh Campuchia, em soạn thảo Công hàm gửi chúc mừng Tướng Dương Sam On. Xin trình anh duyệt cho”.


Anh cầm tờ trình ký và bảo tôi: “Cậu vào bàn lấy giúp mình cái kính và bút”. Rồi anh đeo kính đọc, còn tôi thì tim cứ đập liên hồi lo sợ có gì anh không đồng ý. Đọc xong, anh bảo tôi: “Nội dung tớ không thêm bớt, cậu có đồng ý cho tớ thêm một chữ không?”.


Tôi bàng hoàng và cảm thấy ngạc nhiên trước câu hỏi của anh. “Dạ thưa anh, xin anh cứ sửa cho, em sẽ đem về đánh máy lại rồi trình anh ký sau”.


“Cho mình mượn cái bút”, anh bảo tôi.


Tôi mở nắp bút đưa cho anh, anh viết thêm vào một chữ “Tướng” trước chữ Phan Trọng Tuệ mà tôi đánh ở cuối Công hàm.

Viết xong chữ “Tướng”, Anh đưa cho tôi và hỏi: “Có được không cậu?”.


Người tôi run bắn lên, tôi hiểu ra, anh thêm một chữ: “Tướng” trước chữ: Phan Trọng Tuệ vì anh là cấp tướng bên Công an nhân dân vũ trang. Đứng trước anh, tôi cảm động thưa: “Dạ thưa anh, đây là thiếu sót của em, cũng là một bài học em đã được anh dạy bảo”. 


Anh vỗ vai tôi cười. Tôi có cảm giác đây là một người anh nhân từ và độ lượng, hoàn toàn không có sự ngăn cách giữa thủ trưởng với nhân viên.

Xe đạp cậu có đèo được không?


Mùa hè năm 1977, anh bị mệt, vào nằm điều trị ở Bệnh viện Việt - Xô. Một hôm, Vụ tôi có việc phải báo cáo, xin chỉ thị của anh. Anh Nguyễn Xuân Chương - Vụ trưởng bảo tôi vào Bệnh viện báo cáo xin chỉ thị của Bộ trưởng. Tôi đi chiếc xe đạp tòng tọc, đến cổng viện, gửi xe ở ngoài rồi đi bộ vào. 


Vào đến phòng thấy anh đang ngủ, tôi nhẹ nhàng ngồi xuống ghế không dám đánh động sợ anh thức giấc. Chưa đầy 5 phút sau, anh ngồi dậy. Tôi đứng lên, lễ phép chào anh. Anh khôi hài hỏi tôi: “Chắc có việc gì quan trọng nên Chương béo phái cậu vào phải không?”. 


“Báo cáo anh, có ạ”, tôi nói.

"Sống gần gũi và đầy tình cảm với người lao động nên Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã dành được sự cảm mến và kính trọng của tất cả những ai biết về ông dù chỉ một lần”.

 

Nhà văn Trần Thanh Tịnh


“Chờ tớ rửa mặt cái đã”, anh nói và vào phòng rửa mặt rồi ra ngồi nghe tôi báo cáo. Sau khi đã cho chỉ thị, anh bảo tôi: “Tớ muốn về qua nhà một lúc”.

Tôi thưa với anh: “Dạ, anh chờ một chút để em đi gọi điện về Bộ bảo anh Ca đánh xe vào đón anh”.


Anh bảo: “Nhà gần, tớ với cậu đi bộ cho khỏe chân, gọi xe làm gì”.


Ra đến ngoài cổng viện, tôi nói: “Anh chờ em một chút, em lấy xe đạp gửi ở đây”. Rồi tôi chạy ra chỗ gửi xe, trả tiền, phiếu, lấy vội xe, dắt bộ theo anh, đi được một đoạn anh hỏi: “Xe đạp cậu có đèo được không?”.


Dừng lại, tôi mời anh ngồi lên xe. Anh ngồi ở tư thế hai chân bỏ hai bên. Người anh cao mà tôi thì thấp, hai tay anh bám chặt lấy hai vai của tôi làm tay lái của tôi hơi run, tôi phải thưa với anh: “Anh bỏ hai tay ra em mới lái được”. Anh cười, rút hai tay ở vai nhưng lại nắm chặt hai tay vào thắt lưng của tôi, may mà nhà anh gần bệnh viện. Tôi lái chầm chậm, rất thận trọng đưa anh về đến nhà an toàn. Anh xuống xe đi vào nhà. Tôi thở phào nhẹ nhõm, sung sướng vì được làm cái công việc “lái xe” phục vụ anh một đoạn đường. 


Cái bàn thái sắn


Một lần theo chỉ thị của anh, tôi đến nhà anh trước giờ hẹn để đưa anh đi công tác. Vào đến sân, tôi thấy anh đang đứng chờ. Tôi sợ quá, nhìn đồng hồ xem mình có đến muộn không. Như đoán được ý nghĩ của tôi, anh cười, bảo: “Mình không phải chờ cậu mà đang chờ xe của cậu Ca, bà ấy bảo đi một tý sao lâu thế?”.


Vừa dứt câu nói thì xe anh Ca về, ngồi trên xe là chị Xuân, phu nhân của anh. Xe lùi vào sân, chị Xuân xuống xe còn anh Ca tắt máy, mở cốp sau lấy ra một cái máy. Gọi là máy chứ có mấy thanh sắt ngắn hàn lại, bên cạnh có một cái tay quay. Tôi chạy lại giúp anh Ca đem máy vào nhà sau, nhẹ không, một mình tôi xách nổi. Tôi tò mò hỏi anh Ca: “Anh Ca, cái này để làm gì?”.


Anh Ca bảo: “Cái bàn thái sắn như kiểu bàn thái khoai lang ấy mà. Thái sắn, phơi khô làm thức ăn nuôi lợn. Tớ vừa đưa bà chị đến nhà máy Ngô Gia Tự nhờ các anh hàn giúp”.


Quay ra, tôi thấy anh và chị Xuân đang nói chuyện, nét mặt anh không được vui: “Bà làm thế ảnh hưởng đến tôi…”.


Chị Xuân cười, phân bua: “Trời ơi, có gì đâu mà ông rầy la tôi ( chị Xuân nói giọng Cần Thơ - PV), tôi chỉ phiền các chú ở nhà máy hàn giúp mấy mối hàn còn sắt tôi mua ngoài”.


Gần hai mươi năm anh làm Bộ trưởng, chị Xuân vợ anh phải nuôi thêm lợn để cải thiện cuộc sống. Đúng là một vị Bộ trưởng liêm khiết mà tất cả những người ở ngành GTVT vào thời kỳ đó vừa tôn kính, vừa tự hào, khâm phục.


Quà của Bộ trưởng


Cứ mỗi lần Bộ trưởng đi công tác ở nước ngoài về, anh chị em trong khối cơ quan Bộ đều được quà, cho dù chỉ một gói kẹo, một bao thuốc lá chia nhau cũng cảm thấy ấm áp, vinh dự vì sự quan tâm chu đáo của anh đối với cấp dưới.


Có lần đoàn đại biểu Bộ Giao thông Thái Lan sang thăm, mang theo quà để tặng Bộ trưởng. Đó là gạo Thái, mười hạt như một, không hề có tấm và thóc. Đúng là gạo quý. Số gạo này được chuyển về Văn phòng Bộ bảo quản. Sau khi đoàn Thái Lan về nước, theo chỉ thị của anh, Văn phòng đem chia theo đầu người cho các Cục, Vụ, Viện trong khối cơ quan Bộ. Lần đó, tôi được chia 3 cân đem về và đi khoe khắp xóm, ai cũng phải khen loại gạo quý, khi nấu lên hạt cơm thơm, ăn ngon tuyệt.


Nguyễn Hữu Sinh

(Nguyên Chuyên viên Đối ngoại Vụ Hợp tác Quốc tế,
Bộ GTVT từ năm 1965-1992)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.