Vận tải

Những lời chúc Xuân đặc biệt qua sóng radar

27/01/2020, 07:00

Những ngày Tết Nguyên đán, khi vào không phận Việt Nam, rất nhiều phi công thường chủ động nói "Happy New Year" với kiểm soát viên không lưu.

img
Phòng Kiểm soát tại sân, Trung tâm kiểm soát không lưu Nội Bài

Thấy pháo hoa, nghe lời chúc từ phi công mới biết đã giao thừa

Những ngày này, khi người dân cả nước đang trong kỳ nghỉ lễ lớn nhất năm - nghỉ Tết Nguyên đán thì tại Trung tâm kiểm soát tiếp cận sân bay Nội Bài như thường lệ vẫn luôn “sáng đèn”.

Có mặt tại tháp không lưu đang giữ kỷ lục cao nhất Đông Nam Á này, PV Báo Giao thông tận mắt chứng kiến các kiểm soát viên không lưu (KSVKL) không ngừng trao đổi với phi công các chuyến bay.

Trong căn phòng được thiết kế hình tròn trên đỉnh tháp, các KSVKL trong ca trực đều tập trung cao độ. Sự tập trung của họ khiến bất kỳ một người nào khác có mặt tại đây cũng tự có ý thức về giữ yên lặng, tránh làm phiền.

Theo quan sát của PV, các kiểm soát viên liên tục phát đi các huấn lệnh điều hành bay bằng tiếng Anh và tập trung cao độ để tính toán phân cách giữa các máy bay nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn, đồng thời hướng dẫn phi công về độ cao, hướng bay, cung cấp cho tổ lái các thông tin về thời tiết, hoạt động tại sân bay và hỗ trợ phi công xử lý các tình huống phát sinh.

Trên hệ thống điều hành không lưu, radar liên tục quét tìm, định vị vị trí của các máy bay đang hoạt động trong sân bay cũng như trong vùng trời khu vực trách nhiệm.

Máy bay di chuyển tới đâu thì các thông số liên quan như tọa độ vị trí, hướng bay, độ cao bay sẽ ngay lập tức cập nhật và hiển thị trên màn hình máy tính của kiểm soát viên không lưu. Ngày Tết cũng như ngày thường, ngày cũng như đêm, các căn phòng trên tháp không lưu luôn sáng đèn.

img
Các kiểm soát viên không lưu phải tập trung hết sức cao độ trong mỗi ca trực đảm bảo phát đi những câu huấn lệnh chính xác 100% hoàn toàn bằng tiếng Anh

“Đã làm là phải nghiêm túc, đã làm là phải tập trung 100% cho công việc, không phân biệt ngày đêm, không phân biệt lễ, Tết”, chị Thái Thị Thu Trang, một KSVKL kỳ cựu của Trung tâm tâm sự.

Chia sẻ thêm, chị Trang nói: Năm nào phải trực đêm 30, chị lại gửi con cho ông bà rồi lên xe đến trung tâm cách nhà hơn 20 km để bắt đầu ca làm việc 9h tối.

Các kiểm soát viên không lưu sử dụng là giờ quốc tế (GMT), lại phải tập trung tuyệt đối vào công việc nên khi thấy pháo hoa bừng sáng trên trời, chúng tôi mới biết giao thừa đã đến. Trong thời khắc này, sân bay Nội Bài thường có 5 đến 6 máy bay sắp hạ cánh và hơn 10 máy bay khởi hành.

Phi công trên các chuyến bay ở các nước đón Tết âm lịch khi vào không phận Việt Nam thường chủ động nói chúc mừng năm mới với KSVKL. Nhiều phi công nước ngoài thậm chí còn nói lời chúc bằng tiếng Việt. Trên sóng radar, KSVKL cũng nói "Chúc mừng năm mới" hoặc "Happy New Year" rồi tập trung hô huấn lệnh hướng dẫn bay”, chị Trang kể lại.

img
Kíp phó không lưu Đỗ Thanh Thuỷ miệt mài trong ca trực

Chị Đỗ Thanh Thủy - một Kíp phó không lưu nhiều năm kinh nghiệm cũng chia sẻ luôn cảm thấy vô cùng xúc động khi được điều hành những chuyến bay đầu tiên của năm mới. “Nhiều người hỏi tôi tại sao không đổi ngày trực để được ở với gia đình đêm giao thừa. Tuy nhiên, không chỉ tôi mà các KSVKL ở Hà Nội đều ưu tiên cho các anh chị em xa quê, xung phong đảm nhiệm việc trực Tết, đặc biệt là đêm 30 và ngày mùng 1.

Kiểm soát chặt hoạt động bay trong bán kính 70km

“Tại tháp không lưu cao 88m này, chúng tôi đang đảm nhiệm việc kiểm soát máy bay cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài với bán kính 10 km, điều hành hoạt động bay trên vùng trời từ sân bay với bán kính 70 km”, ông Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Trung tâm Kiểm soát không lưu Nội Bài nói và cho biết thêm: Trung tâm kiểm soát tiếp cận sân bay Nội Bài gồm 2 phòng điều hành bay chính: Phòng Kiểm soát tại sân và phòng Kiểm soát tiếp cận, có nhiệm vụ kiểm soát, điều hành hoạt động bay trong vòng bán kính 75 km từ sân bay Nội Bài.

img
Phòng Kiểm soát tại sân (còn gọi là Đài chỉ huy) được thiết kế hình tròn với những vách kính trong suốt bao quanh đảm bảo cho các KSVKL có thể nhìn bao quát về phía sân bay

Nằm trên đỉnh Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài là phòng Kiểm soát tại sân (còn gọi là Đài chỉ huy) được thiết kế hình tròn với những vách kính trong suốt bao quanh đảm bảo cho các KSVKL có thể nhìn bao quát về phía sân bay. Phòng này chịu trách nhiệm về hoạt động điều hành bay trong vòng bán kính hơn 10 km, kiểm soát máy bay cất hạ cánh và các phương tiện khác trong sân bay, điều hòa máy bay đi và đến, chiếc nào hạ cánh, chiếc nào dừng chờ...

Trái ngược với phòng Kiểm soát tại sân, phòng Kiểm soát tiếp cận được bố trí trong một căn phòng kín hình vuông với ánh sáng vừa phải, có nhiệm vụ kiểm soát các chuyến bay tiếp cận về hạ cánh và những chuyến bay khởi hành từ Sân bay Nội Bài trong bán kính từ 10 km đến 75 km từ sân bay.

img
Trái ngược với căn phòng hình tròn có thể bao quát toàn bộ sân bay trên đỉnh Đài kiểm soát không lưu, trong Phòng kiểm soát tiếp cận, chỉ có ánh sáng phát ra từ những màn hình radar. Việc bố trí ánh sáng như vậy được giải thích là để nhân viên không bị lóa, có thể nhìn rõ các mục tiêu trên màn hình

“Mọi KSVKL trong ca trực phải tập trung 100% cho công việc, tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động, không được làm việc riêng bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể dẫn tới sự cố khôn lường”, ông Quang nói và thông tin thêm: Những năm gần đây, tần suất bay đêm tăng lên, các KSVKL vì thế cũng làm việc đêm nhiều hơn. 80 kiểm soát viên của Trung tâm làm việc theo ca, mỗi ca 10-12 người từ 9h sáng đến 9h tối, ca đêm tiếp tục đến 9h sáng. Cứ sau 2 giờ làm việc họ được nghỉ 30 phút, sau làm việc 2 ngày thì họ được nghỉ ngơi 2 ngày.

Anh Mai Đình Cương - Kíp phó Tiếp cận tại sân cho biết: Đài kiểm soát tại sân được chia làm 3 bộ phận: Cấp phát huấn lệnh cho tổ lái trong quá trình điều hành máy bay trên đường dài; kiểm soát mặt đất; kiểm soát tại sân. Ba bộ phận này được kết nối, đồng bộ chặt chẽ, đảm bảo cho máy bay từ khi nổ máy, lăn ra đường băng và cất cánh. Sau khi máy bay cất cánh thì việc điều hành được chuyển cho cơ quan kiểm soát tiếp cận.

Theo anh Cương, quy trình điều hành 1 chuyến bay bao gồm 4 giai đoạn: Chuẩn bị, cất cánh, bay bằng và tiếp cận hạ cánh. Trên suốt hành trình, máy bay luôn được kiểm soát chặt chẽ. Trước mỗi chuyến bay, tổ lái sẽ nhận các thông tin cần thiết cho chuyến bay như đường cất - hạ cánh, điều kiện thời tiết. Sau khi tiếp nhận đầy đủ thông tin, tổ lái sẽ điều khiển máy bay từ vị trí đỗ ra đường cất-hạ cánh và thực hiện cất cánh theo sự điều hành của KSVKL tại sân.

img
Mọi kiểm soát viên không lưu trong ca trực phải tập trung 100% cho công việc, tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động

Sau khi cất cánh, máy bay sẽ chịu sự điều hành của cơ sở kiểm soát tiếp cận, khi máy bay đạt được độ cao thích hợp (khoảng 3.000m) thì cơ sở kiểm soát tiếp cận sẽ chuyển giao việc kiểm soát máy bay cho Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài.

Đặc thù của hàng không là trong bất kỳ tình huống nào thì máy bay vẫn phải duy trì hoạt động, máy bay không thể dừng lại như các phương tiện dưới mặt đất để tránh trú hoặc xử lý ngay lập tức. Do đó, KSVKL giữ vai trò là đầu mối điều hành phải bình tĩnh điều hành phân cách máy bay và nhanh chóng đưa ra các phương án kịp thời nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến bay.

“Nhiệm vụ chính của kiểm soát viên không lưu ở Đài kiểm soát tại sân là dẫn dắt máy bay từ nhiều hướng khác nhau di chuyển tuần tự theo cự ly tối thiểu, đưa máy bay vào khu vực tiếp cận và hạ cánh. Các KSVKL cũng dẫn dắt các máy bay khởi hành nhanh chóng lấy được độ cao hoặc bay theo vệt bay mong muốn trước khi bước vào giai đoạn bay đường dài” - anh Cương cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.