Giáo dục

Những lưu ý cho thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH 2020

27/04/2020, 16:46

Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã giải đáp cụ thể cho thí sinh liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH 2020 sắp tới...

img
Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay, hầu hết các trường đều vẫn căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Hầu hết các trường đều vẫn căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh

Tại buổi tư vấn trực tuyến về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học do báo Tuổi Trẻ tổ chức hôm nay (27/4), PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã có những giải đáp cụ thể dành cho những thí sinh liên quan đến kỳ thi sắp tới.

Theo đó, bà Nguyễn Thu Thuỷ cho biết, với 5 đầu điểm là các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, 1 môn tự chọn KHTN hoặc KHXH, đa phần các trường ĐH hiện nay vẫn xác định có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH, đồng thời kết hợp với các phương thức tuyển sinh đa dạng khác mà các trường sẽ đưa ra trong đề án tuyển sinh của mình.

Đề thi năm nay sẽ vẫn có độ phân hóa nhưng mức độ thấp hơn, từ đó phân loại được các em học sinh đạt chuẩn (chuẩn đầu ra của giáo dục THPT), trên chuẩn… để trên cơ sở đó, rất nhiều trường ĐH vẫn có thể sử dụng để xét tuyển.

"Theo khảo sát của Vụ Giáo dục đại học và qua báo cáo của các trường gửi về, hầu hết các trường đều vẫn căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, dù tỉ trọng thí sinh trúng tuyển qua hình thức này có thể giảm đi so với năm trước. Nếu năm ngoái có 62% thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, thì năm nay tỉ lệ này dự báo sẽ khoảng 50%. Bộ GD&ĐT cũng sẽ sớm công bố đề thi minh họa phục vụ cho kỳ thi này để các học sinh và nhà trường có thể tham khảo", bà Thuỷ thông tin.

Cũng theo bà Thuỷ, trong 3 năm tuyển sinh gần đây đã cho thấy, sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia không phải cách duy nhất để tuyển sinh. Các trường ĐH cũng đã kết hợp nhiều phương thức khác để lựa chọn nguồn tuyển cho mình như: Kiểm tra đánh giá năng lực, xét kết quả học bạ THPT; Sử dụng điểm các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; Kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia; Thi văn hóa, năng khiếu; Hồ sơ năng lực, hồ sơ dự tuyển, qua phỏng vấn… hoặc kết hợp nhiều hình thức đó với nhau. Do vậy, từ lâu nay, sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia không phải là cách duy nhất để tuyển sinh, cũng không phải con đường duy nhất để vào đại học.

Những trường ĐH chưa sẵn sàng cho việc tự tổ chức các bài kiểm tra hoặc kỳ thi tuyển sinh riêng hoàn toàn có thể sử dụng kết hợp các phương thức khác nhau, lựa chọn cách xét tuyển phù hợp với lĩnh vực ngành nghề đào tạo của mình.

Thí sinh tự do năm nay xét tuyển ra sao?

Tại buổi tư vấn, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết thêm, với trường hợp các thí sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo THPT mà chưa tốt nghiệp hoặc chưa thi tốt nghiệp vẫn tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 bình thường để có bằng tốt nghiệp, sau đó sử dụng kết quả thi theo mong muốn, nguyện vọng cá nhân.

Với các thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT từ những năm trước thì có thể tham gia xét tuyển đại học với nhiều hình thức khác nhau (do trường ĐH tự chủ, tự xác định và công bố), trong đó có: Xét kết quả học bạ THPT; Tham gia kiểm tra đánh giá năng lực nếu các trường có tổ chức để đáp ứng thêm 1 số yêu cầu mà các trường cần; Sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, kỳ thi chuẩn hóa quốc tế; Tham gia các phương thức xét khác như hồ sơ dự tuyển của thí sinh, phỏng vấn... mà trường quy định; Phối hợp nhiều phương thức trên.

Dự thảo quy chế tuyển sinh cũng khuyến khích các trường ĐH tự chủ, tự nguyện, có dành 1 phần chỉ tiêu tuyển sinh để xét điểm thi THPT quốc gia các năm trước. Do vậy, các học sinh sẽ liên hệ và xem trên website các trường ĐH mà mình yêu thích để tìm hiểu rõ nhất đề án, phương thức tuyển sinh của họ.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh và lọc ảo đợt 1 năm 2020 như năm 2019. Do đó nếu thí sinh có sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển, sẽ đăng ký xét tuyển tại trường THPT, cùng thời điểm đăng ký dự thi THPT. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường tuy nhiên các nguyện vọng phải xếp theo thứ tự ưu tiên (khâu này không có thay đổi so với 2019).

Thí sinh đăng ký vào trường có sơ tuyển (các trường Công an, Quân đội) hoặc xét tuyển vào các ngành có tổ hợp môn năng khiếu thì cần phải thực hiện theo các quy định của trường (tham dự sơ tuyển, tham dự các kỳ thi do năng khiếu do trường tổ chức).

Đối với các trường tổ chức thi hoặc xét tuyển theo phương thức khác, thí sinh sẽ phải thực hiện theo quy định riêng của từng trường, có thể đăng ký xét tuyển online, nộp hồ sơ xét tuyển qua bưu điện hoặc nộp tại trường ĐH. Thí sinh cần theo dõi đề án tuyển sinh của trường để nắm được các quy định về thời gian và phương thức tuyển sinh.

"Như vậy, với việc Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ về cơ sở dữ liệu và quy trình xét lọc ảo, điều này giúp các thí sinh và các nhà trường giảm chi phí, thời gian, công sức, đi lại đăng ký, tiếp nhận các hồ sơ nguyện vọng… Một thí sinh có nhiều nguyện vọng chỉ cần làm 1 bộ hồ sơ nộp đăng ký 1 nơi, thống nhất một kiểu mẫu hồ sơ đăng ký xét tuyển, kinh phí, điều kiện nộp HS xét tuyển. Thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng… từ đó góp phần ổn định cả xã hội", bà Thuỷ chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.