Y tế

Những lưu ý phòng tránh tăng huyết áp, đột quỵ ngày nắng nóng

30/07/2019, 07:24

Diễn biến của thời tiết thất thường, nhất là nắng nóng tác động khiến bệnh nhân huyết áp tăng cao và dễ dẫn đến đột quỵ.

img
Một ca đột quỵ nhập viện Bạch Mai, Hà Nội điều trị trong đợt nắng nóng

Nắng nóng có thể làm huyết áp tăng, giảm khó kiểm soát

Suốt những ngày hè nắng nóng, bà Nguyễn Minh P. (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) ít rời khỏi nhà, trừ mỗi buổi sớm bà túc tắc ra chợ ăn sáng. Vốn mắc cùng lúc nhiều bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, nên việc thường lệ mỗi sáng trước khi ra khỏi nhà là bà P. uống thuốc điều trị duy trì huyết áp và tiểu đường. Tuy nhiên, cách đây ít ngày, đúng đợt nắng nóng cao điểm, đang giữa chợ, bà P. lăn ra ngất xỉu rồi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, bà P. được chẩn đoán huyết áp giảm, nhờ kịp thời cấp cứu, điều trị nên bà nhanh chóng hồi phục. “Cũng không rõ vì sao hôm đó huyết áp lại giảm nhanh, vì tôi vốn luôn trong tình trạng huyết áp cao. Khi ấy, chỉ thấy cơ thể vã mồ hôi, tôi cứ nghĩ do nắng nóng quá nhưng sau đó thì chân tay bủn rủn rồi xỉu luôn giữa chợ”, bà P. cho hay.

Theo chia sẻ của PGS. BS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội, thời tiết nắng nóng gây tác hại đến tất cả mọi người. Riêng bệnh nhân cao huyết áp, nắng nóng có thể làm huyết áp tăng - giảm khó kiểm soát hơn. Cụ thể, nhiệt độ cao khiến thân nhiệt tăng, kích thích làm tim đập nhanh, gây tăng huyết áp. Nhưng nắng nóng cũng khiến cơ thể phản ứng bằng cách giãn mạch, tăng xuất tiết mồ hôi để làm giảm thân nhiệt. Điều này lại làm cơ thể mất nước, giảm thể tích tuần hoàn, nếu không kịp thời uống bù đủ nước có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm hơn như trụy mạch, tụt huyết áp. Mặt khác, khi thể tích tuần hoàn giảm, huyết áp giảm theo, lượng máu nuôi mô tế bào giảm, có thể dễ dẫn đến đột quỵ thể nhồi máu não.

Theo lời khuyên của BS. Tuấn, điều cần lưu ý hàng đầu là tránh gây ra thay đổi thân nhiệt đột ngột, ví dụ như liên tục ra vào giữa phòng máy lạnh có nhiệt độ quá thấp và không gian ngoài trời có nhiệt độ cao; đừng vừa đi ngoài trời nóng về đã vội vàng vào phòng thật lạnh hoặc dội ngay nước lạnh lên người để tắm. Khi phải ra ngoài, nhất là vào thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao trong ngày nên mặc áo chống nắng, đội mũ, kính mát và mang theo nước để uống thường xuyên, bù đắp cho lượng nước liên tục mất do đổ mồ hôi.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc. Người bệnh không nên tùy tiện mua thuốc điều trị tăng huyết áp tại các hiệu thuốc về sử dụng. Điều này sẽ không có lợi, vì mỗi một người bệnh tăng huyết áp có cách điều trị khác nhau.

Thống kê của Hội Tim mạch Việt Nam cho thấy tăng huyết áp chiếm khoảng 30-37% người dân ở tùy từng địa phương. Tăng huyết áp mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng, bởi hầu hết các bệnh nhân không hề có triệu chứng gì và khi có triệu chứng trên lâm sàng thì là biến chứng, ví dụ như khó thở do suy tim, đau ngực do suy vành hoặc tê bại nửa người do tai biến. Đây là biến chứng trầm trọng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ, kinh tế gia đình mà rộng hơn ảnh hưởng đến cả kinh tế - xã hội.

Đột quỵ ngày nắng dễ xảy ra nếu chủ quan

PGS. TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ mà nó chỉ là yếu tố thuận lợi khiến những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia…

Bên cạnh đó, nắng nóng quá cũng gây căng thẳng cho người bệnh, thậm chí quên uống thuốc, ngại đi khám... điều này càng làm các bệnh lý của người bệnh tăng lên. Đó chính là lý do đột quỵ, cũng như các bệnh mãn tính khác gia tăng trong thời tiết nắng nóng.

Theo BS. Chi, nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để hạn chế đột quỵ xảy ra thì đó là dự phòng cấp 1. Ví như, những người mắc tăng huyết áp hoặc có bệnh nền cần tuân thủ điều trị thuốc, có chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thể dục hàng ngày. Đặc biệt, bệnh nhân tăng huyết áp có những yếu tố nguy cơ cao khi giao mùa, bác sĩ phải kiểm soát chặt người bệnh, người nhà phải phối hợp trong chăm sóc bệnh nhân. Nếu không kiểm soát tốt thì mùa hè cũng nguy cơ như mùa đông, tức là trong môi trường vượt quá nhiệt độ cơ thể chịu đựng thì có thể xảy ra nhiều biến cố.

Còn khi đã bị đột quỵ được xuất viện thì phải dự phòng cấp 2, nghĩa là bệnh nhân cần sử dụng thuốc và các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ đều đặn. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều bệnh nhân đã không theo chỉ định của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc và đã bị đột quỵ lần 2 với mức độ tăng nặng lên. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ lần 2 đến với Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai trong tình trạng nặng và khó có cơ hội phục hồi hoàn toàn.

BS. Chi cũng cho hay, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 6 giờ đầu. Vì vậy, việc điều trị đột quỵ thành công hay không phụ thuộc vào thời gian người bệnh đến cơ sở y tế sớm hay muộn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.