Cuộc sống an toàn

Những mô hình hay giúp đồng bào Khmer vươn lên làm giàu

29/12/2021, 09:10

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng màu, nuôi bò sữa, bò thịt… đến nay nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng đã làm giàu.

Những năm qua, đồng bào dân tộc Khmer ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã và đang mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, vận dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật trong sản xuất trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu.

Ngay sau khi tiếp cận được nguồn hỗ trợ vốn vay ngân hàng, anh Thạch Hoàng Kha (người dân tộc Khmer, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) chọn mô hình trồng màu để cải thiện cuộc sống.

img

Mô hình chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập ổn định, giúp đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng vươn lên làm giàu.

Theo lời anh Kha, sau khi được hỗ trợ căn nhà tình thương và vay số tiền khoảng 30 triệu đồng, vợ chồng anh bắt tay vào đầu tư trồng rau, màu (bắp cải, khổ qua, cải bông…). Nhờ vậy mà hàng tháng vợ chồng anh Kha đều có thu nhập ổn định.

"Hiện nay, cuộc sống khá lên, tôi cất lại nhà tường khang trang, thuê được 3.500m2 đất trồng lúa và 11.000m2 đất để trồng màu", anh Kha phấn khởi.

Được dự án tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, vào áp hiệu quả, anh Sơn Hang (người dân tộc Khmer, ngụ ấp Trà Bết, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Theo anh Hang, nuôi bò sữa rất cực, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và trồng rau màu. Nhất phải biết cách phòng bệnh lở mồm, long móng trên con bò để đàn bò phát triển tốt.

“Trong nuôi bò sữa phải nắm tốt kỹ thuật chăm sóc, theo dõi sức khỏe và tỷ lệ cho sữa của con bò. Ngoài ra, thức ăn của bò phải đảm bảo đủ dinh dưỡng để có hàm lượng sữa cao, chất lượng. Đặc biệt, giống bò cũng rất quan trọng, nên phải mạnh dạn giống bò mới (bởi giống bò F1 là chất lượng nhất) để nuôi tiếp, từ đó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao”, anh Hang chia sẻ thêm.

Nhờ chăm chỉ và biết cách chăm sóc, nên từ 3 con bò ban đầu, đến nay, gia đình anh Sơn Hang đã có 18 con bò sữa, trong đó, có 6 con đang vắt sữa, bình quân đạt khoảng 100kg sữa/ngày, sau khi trừ hết chi phí mỗi tuần anh Hang còn lời khoảng 5 - 6 triệu đồng.

img

Lộ bê tông hóa thẳng tắp mở ra hướng phát triển mới cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng.

“Không chỉ gia đình của anh, mà nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Trà Bết cũng vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn từ mô hình chăn nuôi bò sữa cho thu nhập cao”, anh Hang phấn khởi nói.

Không đầu tư trồng màu hay chăn nuôi bò sữa, ông Trà Chươl (ngụ xã Trường Khánh, huyện Long Phú) quyết định chọn mô hình nuôi bò thịt để làm giàu.

“Ban đầu gia đình tôi chỉ nuôi có 2 con bò thịt thôi, đến nay bình quân mỗi năm gia đình tôi bán khoảng 2 - 3 con bò, với giá từ 10 - 20 triệu đồng/con. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình tôi có khá giả hơn, xây dựng được căn nhà tường khang trang hơn trước lắm rồi”, ông Chươl chia sẻ thêm.

Hiện nay, gia đình ông Chươl còn nuôi bò Pháp với đặc tính mau lớn, được thương lái mua với giá cao hơn, giúp tăng thu nhập của gia đình.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh có trên 30% dân tộc Khmer, nên được đầu tư nhiều chính sách đặc thù, hiệu quả nhất là chính sách đầu tư vốn vay ưu đãi, giống vật nuôi, cây trồng phát triển sản xuất.

“Bên cạnh việc trồng các loại lúa giống chất lượng cao, đặc biệt, các mô hình: nuôi bò sữa; bò thịt; nuôi gà; trồng màu… được xem là hiệu quả nhất, giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu”, một lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.