Hồ sơ tài liệu

Những ngày cuối cùng của người Mỹ tại Việt Nam (phần 1)

28/04/2015, 05:25

Tại cuộc họp của các quan chức Mỹ, các ý kiến đều có sự bất đồng đến mức biến thành tranh cãi.

img
Bộ Tư lệnh chủ lực Miền tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy Cảnh sát ngụy ở Phước Long. (ảnh tư liệu)

Sáng 31/12/1974, thị xã Phước Long bị Quân Giải phóng tiến công. Nằm cách Sài Gòn 120 km về phía Bắc, chiếm vị trí quan trọng trong tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn, đồng thời là điểm án ngữ, ngăn chặn hành lang vận chuyển của ta từ Tây Nguyên xuống, Phước Long là một trong số 11 tỉnh bao quanh Sài Gòn, thuộc quân khu 3 và do quân đoàn 3 nguỵ chiếm giữ. Nằm trong thế bị bao vây và không được ứng cứu, đến ngày 6/1/1975, căn cứ này bị tiêu diệt.

Tin dữ bay về “thủ đô”. Để ổn định tinh thần tướng sĩ dưới quyền, Nguyễn Văn Thiệu đích thân lên đài phát thanh kêu gọi “toàn quốc dành 3 ngày truy điệu, cầu nguyện cho Phước Long” và “kiên quyết lấy lại Phước Long”.

Tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố: “Tổng thống Ford đã và đang theo dõi cuộc chiến ở Việt Nam cộng hoà, nhưng không có ý vi phạm việc cấm sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kì tại Việt Nam”. Còn người phát ngôn Lầu Năm góc “vẫn tin vào sự đánh giá tình hình địch cách đây một tháng mặc dù có những chuyển biến mới, theo đó các nhà phân tích của Lầu Năm góc đã không trù liệu một cuộc tổng tiến công của cộng sản trên toàn cộng hoà Việt Nam”. Có vẻ như lực đã bất tòng tâm, tuy nhiên Mỹ vẫn giở giọng đe doạ: “Một lực lượng đặc biệt gồm tàu sân bay nguyên tử Interpride, tàu tuần dương Longbeach, hai tàu khu trục và một số tàu chở dầu đã rời cảng Subic, có thể đang hành quân về phía biển Nam Hải” và “Sư đoàn 3 hải quân đánh bộ đã được báo động, đang chuẩn bị di chuyển”.

Mọi động tác mang tính tâm lí đó không thay đổi được quyết tâm sắt đá của quân ta mà chỉ chứng tỏ Mỹ đã không còn đủ sức lực để ra tay cứu giúp chư hầu của mình. Từ đây, như một cỗ xe tuột dốc không phanh, quân đội nguỵ Sài Gòn rút lui hết trận này đến trận khác: Ngày 11/3, mất Buôn Mê Thuột dẫn đến cuộc tháo chạy đại chiến lược khỏi Tây Nguyên và để lọt khu vực quan trọng này vào tay Quân Giải phóng (25/3). Ngày 26/3, ta giải phóng Huế. Tiếp đó, ngày 29/3, Đà Nẵng thành phố lớn thứ hai ở miền Nam Việt Nam thất thủ. Quân nguỵ tháo chạy về Phan Rang. Chính quyền Sài Gòn chỉ còn lại quân khu 3 và 4; họ quyết tâm lập vành đai “tử thủ” ở đây để chờ cơ hội giành lại phần lãnh thổ đã mất, tạo thế mạnh để tiến hành đàm phán hòng duy trì cái chính thể đã mục nát.

Còn bản thân người Mỹ, dù cảm nhận rằng mọi sự đã kết thúc, song vẫn hi vọng tìm thấy một phép màu nào đó khả dĩ kéo dài thời gian giãy chết cho bọn tay sai hòng đạt được một giải pháp chính trị có lợi cho Mỹ và giữ thể diện cho Mỹ.      

Ngày 28/3/1975, theo lệnh Tổng thống Ford, một phái đoàn quan trọng của Mỹ do tướng Wayen, tham mưu trưởng lục quân đứng đầu đã đến Sài Gòn để “xem xét, đánh giá thật khách quan tình hình hiện tại”, tìm biện pháp bảo vệ phần đất còn lại để duy trì chế độ Sài Gòn, nghiên cứu khả năng sử dụng lại lực lượng không quân, nhất là máy bay B-52 để cứu vãn tình thế.

Tại cuộc họp của các quan chức chủ chốt Mỹ tại Sài Gòn, các ý kiến đều có sự bất đồng đến mức biến thành cuộc tranh cãi gay gắt. Giới quân sự, đứng đầu là tướng Smith (chỉ huy cơ quan DAO) cho rằng tình hình là rất nghiêm trọng, Sài Gòn đang có nguy cơ bị uy hiếp nghiêm trọng nên đề nghị cho di tản ngay người Mỹ.

Đại sứ Martin phản đối. Ông ta cho rằng tình hình chiến trường có nguy hiểm thật song vẫn còn kiểm soát được nên đề nghị tăng gấp viện trợ cho Thiệu, duy trì ủng hộ Thiệu. Martin chỉ trích gay gắt chủ trương thay Thiệu, cho đó là hành động chỉ gây thêm rắc rối, hỗn loạn, “có thể còn kinh khủng hơn thời kì lật đổ Diệm-Nhu”. Marin cho rằng cùng lắm chỉ cần cải tổ chính phủ, đưa một số nhân vật mới vào nội các là đủ để tiến hành mặc cả, thương lượng với “phía bên kia”.

Ngược hẳn với Martin, trùm CIA tại Sài Gòn Paul Gah cho rằng để cứu vãn được tình thế cần loại bỏ ngay Thiệu, “kẻ từng đưa ra lập trường 4 không trong đàm phán trước đây và do đó không được lòng ngay cả các phe phái quốc gia”; tiếp đó đi vào thương lượng để kết hợp với biện pháp quân sự giữ phần đất còn lại.

Phó đại sứ Loman phản đối mọi ý kiến đánh giá tình hình Nam Việt Nam quá đen tối, cho những ý kiến đó là “tư tưởng thất bại”. Loman chủ trương chỉ cần tăng trang thiết bị cho nguỵ quyền Sài Gòn là Nam Việt nam có thể đứng vững hoặc ít ra đủ sức giữ như hiện nay để mặc cả được “một giải pháp công bằng”.

Các ý kiến khác nhau đã làm cho Wayen rối mù. Trước đó, tại Washington, trong cuộc họp chuẩn bị cho chuyến đi của Wayen sang Việt Nam do Tổng thống Ford triệu tập, ông ta cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi các cố vấn chủ chốt của Ford đã không giống nhau trong nhận định và đưa ra một giải pháp thống nhất cho vấn đề. Cực chẳng đã, Wayen đưa ra giải pháp trung hoà là kết luận cuối cùng sẽ được thông qua sau khi hội kiến với Thiệu và các quan chức chính quyền Sài Gòn.

Ngày 3/4, phái đoàn Wayen cùng Martin nghe Thiệu báo cáo. Wayen tán thành với phương án phòng thủ từ xa của Thiệu và hứa sẽ xin Washington tăng viện trợ cho “quân lực cộng hoà” để tăng cường khả năng chống đỡ. Nhưng ông ta bác bỏ đề nghị sử dụng sức mạnh không lực Hoa Kì, đặc biệt là máy bay B-52, để hỗ trợ cho quân nguỵ.

Những người chứng kiến cuộc họp kể lại rằng Wayen đã trách cứ Thiệu bằng những lời lẽ gay gắt, miệt thị: “Sự sụp đổ của quân đội Sài Gòn đã gây cho người Mỹ ấn tượng kinh ngạc về sự thất bại và hèn nhát”. 

Ngày 4/4/1975, Wayen bay thẳng đến Pam Spring (California) để báo cáo với Tổng thống Ford đang có mặt ở đây về kết quả chuyến khảo sát và đưa ra các đánh giá, kết luận:

1. Quân Bắc Việt Nam cơ động rất nhanh; tình hình quân sự (của nguỵ Sài Gòn) rất nghiêm trọng;

2. Bắc Việt có thể trực tiếp tiến công Sài Gòn, giành thắng lợi hoàn toàn bằng quân sự, hoặc tạo áp lực cho một giải pháp thương lượng để giành thắng lợi lớn hơn. Tuy nhiên, Hà Nội chưa có đủ thời gian để giải quyết những vấn đề phát triển quá nhanh trong những ngày qua;

3. Vì vậy, cần khẩn trương cung cấp khoản viện trợ 722 triệu USD để đáp ứng nhu cầu quân sự cơ bản của Nam Việt Nam nhằm tạo cơ hội sống còn cho Sài Gòn;

4. Nếu không thực hiện được yêu cầu viện trợ trên thì chỉ còn cách tiến hành cuộc di tản ồ ạt cho 6.000 người Mỹ, hàng vạn người Việt Nam và những người thuộc nước thứ ba mà Mỹ có nghĩa vụ đưa đi.

Ford và Kissinger đồng ý với báo cáo của Wayen và gửi đề nghị viện trợ khẩn cấp lên Quốc hội Mỹ, yêu cầu Quốc hội thông qua đề nghị này chậm nhất là trước ngày 19/4/1975.

Wayen chấp nhận ý kiến của Thiệu; đến lượt mình, tổng thống Ford chấp nhận ý kiến của Wayen một mặt thể hiện tình cảnh đen tối của nguỵ Sài Gòn; mặt khác, cũng cho thấy cả thầy lẫn tớ đều chủ quan cho rằng đối phương gặp nhiều khó khăn về điều động lực lượng, về tiếp tế hậu cần nên sẽ không kịp giải quyết mọi việc trước khi Mỹ-nguỵ tổ chức ngăn chặn, giữ vững vùng chiến lược Nam Bộ và phản kích chiếm lại những vùng đã mất.

(Còn tiếp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.