Vận tải

Những “người dẫn đường” thầm lặng trên các tuyến luồng hàng hải

03/02/2019, 07:00

Khi bắt đầu điều động tàu, hoa tiêu Nguyễn Văn Trung liên tục đưa ra những khẩu lệnh góc lái cho thủy thủ lái...

img
Hoa tiêu ngoại hạng Nguyễn Văn Trung chỉ huy dẫn tàu Pacific Grace

Trước khi đi cùng những hoa tiêu lên dẫn tàu vào cảng, tôi vẫn nghĩ rằng công việc đơn giản chỉ là ngồi trên một chiếc ca nô đi trước để các tàu theo họ ra, vào vùng nước cảng biển. Tuy vậy, thực tế công việc của họ vất vả hơn nhiều.

Nắm vững luồng hàng hải “trong lòng bàn tay”

Sáng sớm một ngày cuối tháng 12/2018, tại cảng Nam Hải (luồng sông Cấm - Hải Phòng) tàu Pacific Grace mang quốc tịch Panama đang cập cầu chở 402 container sẵn sàng rời cảng để hành trình xuyên Đông Á. Tuy vậy, thủy thủ đoàn phải chờ một người đặc biệt lên tàu: Hoa tiêu hàng hải ngoại hạng Nguyễn Văn Trung (Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực II - Pilots II). Nhiệm vụ của anh Trung là cố vấn cho thuyền trưởng chỉ huy con tàu rời cảng an toàn, hành hải tới khu vực đón trả hoa tiêu ở vùng cửa biển Hải Phòng.

Việc đầu tiên của anh Trung trước khi lên tàu là quan sát tổng thể mọi chướng ngại vật quanh tàu, khoảng cách hai đầu phía mũi và lái tàu tới các tàu lân cận, tình trạng các dây buộc tàu, điều kiện gió và dòng chảy liên quan đến quá trình điều động tàu an toàn. Sau đó, hoa tiêu lên tàu trao đổi, bàn bạc với thuyền trưởng phương án điều động tàu rời cầu và hành trình ra khu vực đón trả hoa tiêu Hải Phòng. Thuyền trưởng cung cấp cho hoa tiêu những thông số kỹ thuật, đặc tính điều động của con tàu như mớn nước, đặc điểm của hệ thống máy chính, máy lái, tốc độ… Ngược lại, hoa tiêu phải thông báo cho thuyền trưởng các thông tin về hướng, cường độ của dòng chảy, độ sâu dự phòng tối thiểu dưới ky tàu, mật độ giao thông, quy trình báo cáo...

Sau khi tàu tiến hành mọi công tác chuẩn bị cũng như thống nhất phương án điều động tàu, thuyền trưởng và hoa tiêu Nguyễn Văn Trung ra lệnh cho tàu rời cảng. Trước khi tiến hành tháo dây buộc tàu, hoa tiêu Trung yêu cầu 2 chiếc tàu lai: Bạch Đằng 02 và Silco Sky tiếp cận mũi và lái tàu để chuẩn bị hỗ trợ tàu rời cảng theo quy định.

Khi bắt đầu điều động tàu, hoa tiêu Nguyễn Văn Trung liên tục đưa ra những khẩu lệnh góc lái cho thủy thủ lái, khẩu lệnh yêu cầu sử dụng máy cho sĩ quan trực ca trên buồng lái và qua máy VHF cầm tay, anh Trung liên lạc với các tàu lai hỗ trợ và trực ban trên bến cảng đồng thời phải liên lạc với các tàu đang hành trình trong khu vực. Khi tàu Pacific Grace chuẩn bị quay ngang luồng thì xảy ra tình huống đột xuất: Từ phía xa, 3 phương tiện thủy nội địa bất chấp những cảnh báo vẫn lầm lũi tiến về phía trước, buộc hoa tiêu Nguyễn Văn Trung phải điều động tàu Pacific Grace và yêu cầu 2 tàu lai hỗ trợ tạm dừng máy để chờ những phương tiện thủy nội địa đi qua. “Đặc thù tuyến luồng hàng hải Hải Phòng là lượng phương tiện lưu thông rất lớn, trên cùng tuyến sông có cả tàu biển và phương tiện thủy nội địa cùng hoạt động. Các phương tiện thủy nội địa đa số không có phương tiện thông tin liên lạc, những hoa tiêu bắt buộc phải nắm được tập quán điều khiển phương tiện của họ, từ đó sớm đưa ra các quyết định điều khiển tàu bảo đảm an toàn”, hoa tiêu Nguyễn Văn Trung chia sẻ.

Theo khẩu lệnh điều khiển của hoa tiêu, các tàu lai hỗ trợ phối hợp với việc sử dụng máy, góc lái trên tàu, tàu Pacific Grace quay mũi tàu hướng ra phía biển. Tàu Pacific Grace có chiều dài toàn bộ 145m trong khi chiều rộng luồng hàng hải là 80m, khu vực quay trở ngang cảng Nam Hải chỉ có 190m nên khi tàu quay ngang luồng đã gần kín mặt sông nhưng cuối cùng tàu đã quay trở an toàn hướng mũi tàu ra phía biển. Sau đó, tàu Pacific Grace lần lượt hành trình qua đoạn luồng sông Cấm, Bạch Đằng, kênh Hà Nam ra luồng Lạch Huyện để tới vùng đón trả hoa tiêu phía ngoài cửa biển. Sau hơn 3 giờ điều khiển tàu Pacific Grace tới vùng đón trả hoa tiêu ngoài cửa biển, hoa tiêu Nguyễn Văn Trung tạm biệt thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, xuống tàu hoa tiêu trở về đất liền kết thúc một chuyến dẫn tàu an toàn.

Hơn 300 hoa tiêu, mỗi năm đưa 90 nghìn tàu ra, vào cảng an toàn

Trong những ngày đi cùng hoa tiêu hàng hải để ghi nhận công việc của họ, chúng tôi nhận thấy họ đều giao tiếp với những người làm việc trên buồng lái bằng tiếng Anh. Ông Bùi Đức Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực II cho biết: “Tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc của ngành hoa tiêu bởi theo thống kê tại khu vực Hải Phòng có đến 90% số tàu mà lực lượng hoa tiêu dẫn vào, ra các tuyến luồng hàng hải là tàu nước ngoài. Đối với hoa tiêu, hàng hải, ngoài Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải còn phải có Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải. Ví dụ, hoa tiêu thuộc Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực II phải nắm rõ “như trong lòng bàn tay” các tuyến luồng hàng hải mà công ty đảm nhận ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định”.

Với hệ thống cảng biển nước sâu được đầu tư đồng bộ, Việt Nam ngày càng đón nhận những tàu siêu trường, siêu trọng cập những cảng nước sâu. Gần đây nhất, cảng container quốc tế Hải Phòng (Cảng HICT) đi vào hoạt động. Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực II vinh dự được Bộ GTVT giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu vào, ra bến cảng HICT. Con tàu đầu tiên cập cảng HICT là tàu WANHAI 517 có tổng dung tích là 47.250GT, chiều dài toàn bộ (LOA) là 259m, mớn nước là 12m. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, công ty đã chuẩn bị nhân lực là các hoa tiêu hàng hải ngoại hạng đi đào tạo thực tế trên mô phỏng, thực tập tại cảng Rotterdam - Hà Lan để nắm chắc các yếu tố về điều động đối với tàu siêu trường, siêu trọng cập, rời cảng an toàn. Vào ngày khai trương Cảng HICT, công ty đã cử 2 hoa tiêu hàng hải ngoại hạng là ông Nguyễn Minh Châu, Phó giám đốc và ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng Hoa tiêu hàng hải, dẫn tàu WANHAI cập cảng HICT bảo đảm an toàn tuyệt đối mở đầu cho việc đón hàng loạt tàu siêu trường, siêu trọng ra, vào cảng Lạch Huyện an toàn.

Với gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề hoa tiêu, ông Bùi Đức Hiệp, ông Nguyễn Văn Trung được xếp hạng là hoa tiêu hàng hải ngoại hạng (Cả Việt Nam hiện nay mới chỉ có khoảng 130 hoa tiêu ngoại hạng). Các hoa tiêu hàng hải bắt buộc phải tốt nghiệp đại học hàng hải chuyên ngành điều khiển tàu biển. Họ phải trải qua quá trình học nghề trong 3 năm để được thi sát hạch trở thành hoa tiêu hàng hải hạng 3 (điều khiển một số loại tàu theo quy định). Để tiếp tục được thi, nâng hạng hoa tiêu cao hơn đòi hỏi phải trải qua những năm tháng làm việc liên tục, luôn học hỏi, cập nhật kiến thức trong nước cũng như ở nước ngoài để từng bước nâng hạng lên trình độ hoa tiêu hàng hải hạng 2, hạng nhất và cuối cùng là hoa tiêu hàng hải ngoại hạng. Thời gian để một hoa tiêu từ học nghề tới trình độ hoa tiêu hàng hải ngoại hạng mất khoảng 12 năm làm việc liên tục, nếu không xảy ra bất kỳ sự cố nào.

Đối với hoa tiêu hàng hải ngoại hạng như anh Nguyễn Văn Trung, yêu cầu bắt buộc phải dẫn mọi loại tàu biển ra, vào các tuyến dẫn tàu mà công ty được giao dù đó là loại tàu chở container, chở hàng rời, hóa chất thậm chí cả tàu quân sự… “Mỗi con tàu có đặc tính, thông số kỹ thuật khác nhau, nhiệm vụ của chúng tôi là phải chỉ huy điều khiển được tất cả các loại tàu ra, vào vùng nước cảng biển mà mình phụ trách trong điều kiện luồng lạch chật hẹp, điều kiện thời tiết phức tạp. Có những trường hợp chúng tôi phải chỉ huy điều khiển một con tàu trong điều kiện sương mù dày đặc, tầm nhìn gần như bằng 0. Đặc biệt trong điều kiện mưa lớn, màn hình ra đa gần như phủ đầy tín hiệu nhiễu do mưa gây ra trong khi thực tế trên luồng các phương tiện thủy nội địa, tàu cá của ngư dân đang hành trình xuôi ngược tiềm ẩn nhiều nguy cơ va chạm với tàu biển đang hành trình ra vào cảng. Trong những điều kiện làm việc như vậy, thực sự là một khoảng thời gian làm việc hết sức tập trung và căng thẳng đối với hoa tiêu hàng hải. Tuy vậy, nhiều năm qua lực lượng hoa tiêu của chúng tôi luôn bảo đảm an toàn cho các chuyến tàu ra, vào các tuyến luồng hàng hải mà công ty được giao tuyệt đối an toàn”, ông Bùi Đức Hiệp chia sẻ.

Một ngành nghề đặc thù, chỉ với hơn 300 hoa tiêu nhưng mỗi năm họ đã chỉ huy dẫn khoảng 90 nghìn lượt tàu ra, vào các cảng biển. Ông Lê Ngọc Vinh, thuyền trưởng tàu Pacific Grace chia sẻ: “Chúng tôi điều khiển tàu đi qua rất nhiều cảng trên thế giới, tới cảng nào cũng bắt buộc phải có hoa tiêu dẫn tàu. Hoa tiêu hàng hải chính là những người hiểu nhất về vùng nước cảng biển nơi họ làm việc, họ là những người dẫn đường giúp cho các tàu ra vào cảng an toàn”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.