Những người "gác đèn" thầm lặng giữa biển Đông

04/07/2014, 09:58

Chúng tôi đến với những người giữ đèn biển trên quần đảo Trường Sa giữa cái nóng gay gắt của tháng 5/2014. Nắng gió, điều kiện sống khắc nghiệt khiến ai cũng dạn dày hơn so với tuổi của mình.

Anh Hoàng Đăng Tuyến miệt mài vệ sinh cho đèn biển hàng ngày
Anh Hoàng Đăng Tuyến miệt mài vệ sinh cho đèn biển hàng ngày


Nghề nào cũng có hy sinh


Quần đảo Trường Sa có 9 ngọn hải đăng, không chỉ làm nhiệm vụ dẫn lối, chỉ đường cho tàu thuyền qua lại an toàn mà mỗi ngọn hải đăng chẳng khác nào một cột mốc ghi dấu chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam. Những người gác đèn giữa biển Đông ấy, ngày ngày họ làm công việc thầm lặng mà lớn lao.


Điểm đặt chân đầu tiên của chúng tôi là Trạm Hải đăng đảo An Bang là một trong 9 trạm hải đăng hiện có ở quần đảo Trường Sa, thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam. Trạm cao 25m, sử dụng loại đèn cấp II, có chu kỳ xoay và chớp sáng 6 lần/phút. Tàu thuyền cách xa 18 hải lý vẫn có thể thấy được ánh đèn hải đăng. Hải đăng An Bang chủ yếu đảm bảo cho tàu thuyền trong nước hoạt động vào ban đêm. Cũng bởi vậy, những người gác đèn thường phải thức trắng để canh đèn. 


Anh Hoàng Đăng Tuyến, quê An Dương, Hải Phòng, sinh năm 1984 nhưng nắng gió Trường Sa đã khiến anh phong sương, dạn dày hơn cái tuổi 30 của mình. Anh Tuyến đã có thâm niên 7 năm công tác trong lĩnh vực gác đèn biển và đây là năm thứ 4 anh đón Tết Nguyên đán trên đảo Trường Sa. Trước đó, anh đã kinh qua nhiều  trạm hải đăng trên các đảo Sinh Tồn, Sơn Ca, Đá Lát và Song Tử Tây. 


Anh Tuyến kể, Trạm Hải đăng An Bang hiện có 5 người. Vì sống trong điều kiện xa gia đình, xa đất liền nên 5 anh em  gắn bó như người một nhà. “Điều kiện ở đảo xa thiếu thốn, không được như đất liền. Rau xanh cũng trồng được nhưng phải tiết kiệm, ăn dè mỗi bữa chỉ có vài cọng… cho có rau xanh để anh em đỡ nhớ, đỡ thèm. Nhưng khổ nhất vẫn là thiếu nước ngọt. Vào những tháng ít mưa, anh em phải tắm bằng nước biển, sau đó mới dám dùng vài chén nước ngọt để tráng. Nước tắm tráng cũng phải tiết kiệm triệt để bằng cách quay vòng, có khi lên đến 2-3 lần và cuối cùng dùng nước này để tưới rau xanh. Điện sinh hoạt cũng là vấn đề rất nan giải. Dù ở đây đã có điện từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió và máy phát, nhưng vẫn thiếu điện trầm trọng. Vì thế, điện cũng phải triệt để tiết kiệm, quạt chẳng dám dùng, chỉ dám thắp đèn sáng, những hôm trời không gió, oi bức đến mất ngủ” - anh Tuyến kể. 


Điều kiện sống khắc nghiệt là vậy, nhưng khi tôi hỏi anh, sao lại chọn nghề “gác đèn” giữa biển Đông, xa nhà và gia đình, anh Tuyến cười: “Nghề nào cũng phải có những hy sinh, công tác ở đâu cũng là công việc. Xa gia đình, nhưng ở đây có các anh em chia sẻ. Mỗi năm cũng được về nhà nghỉ phép một lần. Các anh em đều thấy bình thường”. 

Tết trên đảo chẳng khác đất liền


Thông thường, hai tháng một lần sẽ có tàu chở lương thực, các nhu yếu phẩm ra trạm hải đăng một lần. Ai ở trạm cần mua gì, thức ăn như thế nào thì gọi điện về báo đặt hàng, hai tháng sau sẽ có tàu chở ra. Hàng hóa mua sẽ trừ vào lương của các nhân viên. Bởi vậy, với đồng lương không mấy dư dả, hầu hết các anh đều phải tính toán chi ly, sao cho còn có tiền gửi về quê cho gia đình, con cái ăn học.
 

"Đã theo nghiệp này thì công tác ở đâu cũng vậy, chúng tôi sẵn sàng nhận lệnh lên đường chỉ sau hai ngày”. Thậm chí, những ngày tháng 5, biển Đông đang căng thẳng vì Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trong vùng biển chủ quyền Việt Nam, nhưng những người thợ gác đèn trên đảo An Bang chẳng lấy đó làm bận tâm. Họ vẫn lẳng lặng làm những công việc, ngày ngày gắn bó với ngọn đèn, làm sao đảm bảo điều độ, an toàn cho tàu thuyền qua lại và ngư dân đánh bắt cá trong vùng”.

 

Anh Hưng bộc bạch

 

* "Tôi theo anh Tuyến lên đỉnh trạm hải đăng để làm công tác vệ sinh đèn. Cầu thang xoáy chôn ốc, cao 25m, leo được một nửa đã thở không ra, tôi đùa: “Một ngày anh chỉ cần lên xuống 4 lần cầu thang này là không phải tập thể dục nữa rồi”. Anh cười đáp lại: “4 lần ăn nhằm gì nhà báo ơi. Một ngày lên xuống cả chục lần ấy chứ”. 

Trạm trưởng Trạm Hải đăng An Bang Bùi Ngọc Hưng có thâm niên công tác trên quần đảo Trường Sa gần 20 năm. Anh cho biết, đã bắt đầu nhận nhiệm vụ gác hải đăng ở Trường Sa từ tháng 9/1996. Từ đó đến nay, anh đã lần lượt qua 9 trạm hải đăng trên quần đảo Trường Sa và có đến 10 năm ăn Tết ở đảo. Kể về những cái Tết ở trạm hải đăng, anh Hưng chỉ cười và bảo, chẳng khác mấy Tết ở đất liền, cũng có bánh chưng và cùng chung vui với đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo, bởi vậy, không khí cũng rất vui. 

Gần 18 năm gác đèn trên quần đảo Trường Sa, anh Hưng nhớ nhất là 3 năm công tác trên đảo Đá Lát, một hòn đảo chìm, điều kiện sinh hoạt, ăn ở của anh em trạm hải đăng ở đây rất vất vả. Không gian sống, sinh hoạt chỉ vỏn vẹn trên trạm hải đăng như cái chòi giữa biển. “Những trạm hải đăng trên đảo nổi như An Bang điều kiện sống còn tốt hơn so với anh em phải công tác trên trạm hải đăng nơi đảo chìm. Anh em không có không gian sinh hoạt, cả ngày lẫn đêm ở trên trạm”. 


Trong suốt câu chuyện, chia sẻ về công việc trong một môi trường sống không mấy thuận lợi, cả anh Hưng, anh Tuyến đều có thái độ nhẹ nhàng, chẳng ai coi đây là sự khác biệt. Anh Hưng chỉ mong sao Tổng công ty đảm bảo được chế độ tiền lương thích đáng với công sức, sự gian khó của các anh nơi đây. “Chúng tôi ở đây làm nhiệm vụ, gian khổ, khó đến mấy anh em cũng động viên nhau vượt qua, hoàn thành công việc. Nhưng anh em chỉ mong sao, thu nhập ổn định, chứ như năm nay bị cắt giảm nhiều quá. Mức lương trạm trưởng của tôi hiện chỉ còn được 9,7 triệu đồng/tháng, anh em nhân viên còn thấp hơn” - anh Hưng nói. 

Giữ cho những con “mắt biển” luôn sáng ở Trường Sa 


Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là Trạm Hải đăng Trường Sa lớn. Dáng nhỏ, gầy, với làn da đen sạm màu nắng biển, trưởng trạm Vũ Sỹ Lưu, quê Hải Phòng chia sẻ với chúng tôi về nghiệp “gác đèn” gắn với anh đã 21 năm. 


Năm 1993, anh Lưu là một trong những lính nhà đèn đầu tiên ra công tác ở quần đảo Trường Sa. Ngày đó, tất cả hệ thống hải đăng trên quần đảo đều được thắp sáng bằng ắc quy nên ánh sáng có lúc lập lòe như tàn lửa thuốc lá. Cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu nên công việc của những người như anh là vừa làm, vừa xây và vừa tự mò mẫm. Thế nhưng tất cả những khó khăn ban đầu đó vẫn không ngăn được anh và các đồng nghiệp trong trạm gắn bó với những ngọn hải đăng.


Dù công việc của anh Lưu và các đồng nghiệp bây giờ đã đỡ vất vả hơn do hải đăng đã được trang bị hiện đại với hệ thống đèn, thiết bị chiếu sáng sử dụng điện, nhưng tôi biết môi trường của các anh vẫn vô cùng khắc nghiệt do thường xuyên tiếp xúc với ắc quy, axít, thiết bị máy móc, những vật dẫn điện. Dù nắng, mưa, mùa biển lặng hay bão tố, các nhân viên nhà đèn đều phải đảm bảo cho ngọn hải đăng không bao giờ tắt.


Chẳng ai trong các anh nghĩ rằng công việc mình đang làm là to lớn. Và cũng chẳng ai nghĩ mình đã liều lĩnh chọn công việc này, đơn giản, chỉ là những người gác đèn biển, một công việc như bao công việc khác. Với họ, những chuyến công tác kéo dài cả năm ngoài Trường Sa chỉ đơn giản như bao chuyến công tác. Tuy vậy, chính sự hy sinh thầm lặng cùng tinh thần lạc quan của các “thần đèn” giữ cho những con “mắt biển” luôn sáng ở Trường Sa như các anh đã giúp hàng triệu ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc an toàn hơn trong những chuyến ra khơi. 


Chia tay các anh, trong tôi vẫn in đậm hình ảnh, giữa bầu trời xanh ngăn ngắt, một người thợ gác đèn miệt mài lau, vệ sinh đèn trạm, cheo leo trên ngọn hải đăng cao 25m hiên ngang giữa biển khơi.


Hải Thanh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.