Giao thông

Những người giữ biển không quân hàm

03/09/2016, 13:30

Sự hiện diện của những công nhân và công trình hàng hải trên biển là minh chứng rõ nhất cho thế trận quốc phòng...

14

Hải đăng Sơn Ca là một trong 9 ngọn hải đăng ở quần đảo Trường Sa

Khẳng định chủ quyền thiêng liêng

Tại Đại hội Thi đua yêu nước và kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành GTVT năm 2015, ông Vũ Sỹ Lưu, Trạm trưởng Trạm Hải đăng An Bang vinh dự được là một trong những gương điển hình tiên tiến của ngành lên báo công trước Đại hội. Ông đã gắn bó hơn nửa cuộc đời với nghiệp canh đèn biển, trong đó có gần 20 năm ở Trường Sa.

Ông Lưu cho biết, đã có mặt tại 9/9 trạm hải đăng trên quần đảo Trường Sa và là người đầu tiên tiếp quản các trạm hải đăng tại Trường Sa. “Tôi thấy mình rất may mắn và vinh dự khi được đảm bảo an toàn cho những con tàu lưu thông trong khu vực thuộc ngọn hải đăng An Bang. Ngọn hải đăng luôn phải hoạt động 24/24h trong mọi điều kiện thời tiết dù khắc nghiệt nhất, để các con tàu lưu thông trong khu vực này nhìn thấy và dẫn đường, tránh va vào những bãi đá ngầm. Hơn hết, đó chính là khẳng định chủ quyền vùng biển của Tổ quốc”, ông Lưu chia sẻ.

Theo thống kê từ đầu năm 2015, Hệ thống Đài TTDH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 717 sự kiện thông tin cấp cứu - khẩn cấp và an toàn - an ninh, trợ giúp 1967 thuyền viên tàu vận tải và ngư dân Việt Nam. Trong đó, có 52 trường hợp kết nối để trợ giúp y tế cho thuyền viên và ngư dân ngay trên biển.

Trạm Hải đăng An Bang là một trong 9 hải đăng thuộc quần đảo Trường Sa do Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo, Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam (Bộ GTVT) quản lý. Các đèn biển trên khu vực quần đảo Trường Sa nằm cách bờ biển Vũng Tàu trên 300 hải lý. Nhìn từ xa, đèn biển sừng sững, hiên ngang khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Khu vực đảo Trường Sa có 9 cây đèn biển bố trí dọc trên các đảo như: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, An Bang, Sơn Ca, Đá Lát, Đá Tây, Tiên Nữ, Nam Yết, Sinh Tồn và bốn ngọn hải đăng trên các nhà giàn DK1.

Năm 2011, Bộ Tư lệnh Hải quân đã thành lập Hải đội tự vệ biển của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo, với lực lượng nòng cốt là các công nhân đèn biển. Như vậy, người công nhân không chỉ làm nhiệm vụ quản lý, vận hành đèn biển đơn thuần mà còn là những chiến sĩ tự vệ, được huấn luyện, trang bị vũ khí, phối hợp với bộ đội chủ lực trên đảo sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo chống xâm lược, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Thu An, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam cho biết, hiện nay, trong khu vực vùng biển chủ quyền của Tổ quốc có 94 ngọn hải đăng. Trong đó, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam quản lý 52 ngọn trong khu vực từ Quảng Ngãi tới tỉnh Kiên Giang, khu vực biển Đông và quần đảo Trường Sa. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế và an ninh, quốc phòng của nước ta. Số hải đăng còn lại do Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc quản lý.

Bên cạnh quản lý, vận hành các ngọn hải đăng, hai công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam còn thực hiện dịch vụ hoa tiêu hàng hải, nạo vét duy tu luồng hàng hải, sửa chữa tàu, ca nô... đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải cũng như tiếp tế.

13

Đài Thông tin duyên hải Hải Phòng (trực thuộc Vishipell) trực 24/7 sẵn sàng tiếp nhận, xử lý thông tin, trợ giúp tàu thuyền hoạt động trên biển - Ảnh: Khánh Linh

Sức mạnh của thông tin

Trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, không thể không nhắc đến vai trò tối quan trọng của sự liền mạch thông tin từ đất liền đến các tàu thuyền hoạt động trên biển. Trong đó, Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam đang là đơn vị chủ đạo cung cấp, xử lý thông tin để thông báo cứu nạn khẩn nguy kịp thời các sự cố trên biển.

Với sứ mệnh bảo đảm thông tin và truyền thông thông suốt 24/7, phục vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, an toàn an ninh, bảo vệ môi trường trên biển, thông qua 33 Đài Thông tin duyên hải (TTDH) từ Móng Cái đến Hà Tiên, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn GMDSS quốc tế; đơn vị này đang giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển Quốc gia về thông tin và truyền thông trên biển.

Ông Phan Ngọc Quang, Tổng giám đốc Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam cho biết, trong chiến lược phát triển của mình, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ thông tin điện tử hàng hải cốt lõi, phục vụ đa ngành như: Hàng hải, Thủy sản, Khai thác dầu khí… Công ty cũng sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo về cung cấp, duy trì thông tin trên biển trong các lĩnh vực hoạt động tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống thiên tai, an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường biển; Góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích, chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Hiện nay, hệ thống thông tin cứu nạn của đơn vị đã được hiện đại hóa với hai hệ thống AIS và LRIT. Hệ thống AIS có trách nhiệm thông tin hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn cận bờ, trong khoảng 40 hải lý. Còn hệ thống LRIT có thể theo dõi, quản lý được tàu thuyền Việt Nam ở bất cứ đâu trên biển và các tầu quốc tế hoạt động trong vùng LRIT của Việt Nam (bán kính 1.000 hải lý tính từ đường cơ sở) thông qua hệ thống thông tin vệ tinh.

Theo ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN, đơn vị này đang đề nghị Bộ GTVT phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và bố trí vốn cho các dự án chuẩn bị đầu tư; Trong đó có, dự án thiết lập đài TTDH tại khu vực quần đảo Trường Sa; Dự án thiết lập Đài vệ tinh Cospas Sarsat thế hệ mới MEOLUT... Các dự án này hoàn thành sẽ hỗ trợ đắc lực cho các tàu thuyền trong khu vực, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.