Xã hội

Những người không có Tết giữa mùa dịch

Y, bác sĩ nơi tâm dịch, những tiếp viên hàng không, đường sắt đón Tết năm nay đáng nhớ hơn khi họ phải đi làm trong điều kiện dịch bệnh.

img

Cuộc gặp gỡ của gia đình BS Tĩnh - Phượng cùng con gái qua máy tính

“Nhịn nhớ”, “nhịn thương” giữa tâm dịch

Được điều động vào viện ứng trực khi ca bệnh đầu tiên của Quảng Ninh được phát hiện, cả hai vợ chồng BS. Đỗ Bích Phượng và BS. Lê Thanh Tĩnh (BV Sản Nhi Quảng Ninh) lên đường ngay trong đêm 27 Tết.

Tuy nhiên, mỗi người được điều đi trực một nơi, BS. Phượng ở BV Sản Nhi Quảng Ninh, BS. Tĩnh ứng trực ở BV Dã chiến số 2 Quảng Ninh cách đó 25km. Còn cô con gái mới lên 5 tuổi được gửi bà ngoại chăm sóc. Trước khi dịch bệnh ập đến, anh Tĩnh có hứa đưa vợ con về quê nội ở Thanh Hóa ăn Tết, nhưng cuối cùng đành lỗi hẹn

“Những “cuộc gặp gỡ gia đình” vẫn diễn ra nhưng qua mạng, thời gian đầu, lần nào trò chuyện cô con gái cũng khóc, đòi bố, mẹ về với con. Sau 3 tuần xa mẹ, xa bố giờ thì đỡ hơn nhưng vẫn thường trực câu hỏi bao giờ bố, mẹ về với con? Thương mẹ, thương con nhưng công việc cần đến mình thì vẫn phải lên đường”, BS. Phượng bùi ngùi.

Nhắc đến công việc của mình, chị Phượng cho hay, trong những ngày đầu việc tiếp nhận, sàng lọc các F1, F2 đôi lúc quá tải khiến đội ngũ nhân viên y tế ở đây stress.

“Nhiều lúc nhìn các F1, F2 xếp hàng dọc kín hành lang chờ đợi được khám mà chảy nước mắt vì thương. Cứ từ 7 rưỡi sáng đến chiều tối là chúng tôi khoác lên mình bộ bảo hộ và chỉ cởi ra chớp nhoáng giờ nghỉ trưa”, chị Phượng chia sẻ.

“Nếu dịch được kiểm soát tốt, tôi cũng có thể được về gia đình vào cuối tuần sau. Nhưng với tình hình dịch còn nhiều diễn biến phức tạp, chúng tôi sẵn sàng ở lại”, BS. Phượng cho hay.

Còn giữa tâm dịch Chí Linh, Hải Dương, cặp vợ chồng BS. Vũ Quy Bắc (Khoa Khám bệnh) và KTV Nguyễn Thị Ánh (Khoa Xét nghiệm) cũng cùng nhau đón Tết rất đặc biệt tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh. Ngày nhận nhiệm vụ, anh chị chỉ kịp gọi về cho ông bà để dặn dò và gửi gắm con nhỏ.

Những ngày làm nhiệm vụ, điều khiến anh chị lo lắng nhất chính là hai con nhỏ ở nhà. Cháu lớn học lớp 7, cháu nhỏ học lớp 3 đều là F2 nên phải tự cách ly ở nhà với bà. Gọi là đồng đội cùng chung chiến hào, nhưng 20 ngày qua họ lại không được gặp mặt trực tiếp.

“Hai vợ chồng phải “nhịn nhớ”, “nhịn thương”, tất cả đều gửi gắm qua Zalo. Dù chồng có mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít đi nữa thì tôi cũng nhận ra. Nhiều lúc, phải quay vào trong thật nhanh để không chạy ào tới ôm chồng”, chị Ánh chia sẻ.

Tết vẫn ấm dù không đoàn viên bên gia đình

Đây là lần thứ 2 Ths. BS. Vương Xuân Toàn (Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai) được điều động chi viện cho điểm nóng dịch Covid-19, trước đó là Đà Nẵng với nhiệm vụ “giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19”.

Ngay từ những ngày đầu manh nha thông tin dịch bệnh ở Hải Dương, anh Toàn đã luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường tới bất kỳ địa phương nào cần hỗ trợ. “Dù là Đà Nẵng hay Hải Dương, tôi vẫn luôn xác định những y, bác sĩ như chúng tôi chính là người lính trên chiến trường”, anh Toàn chia sẻ.

Liên tiếp dấn thân vào tâm dịch, với BS. Toàn, đây là năm đầu tiên anh ăn Tết xa nhà, và cũng nhiều tháng qua anh chưa về quê thăm bố mẹ. “Nhà tôi cách đây chỉ 15km, chỉ biết nói với bố mẹ rằng cứ an tâm, hết dịch con sẽ lại về”, BS. Toàn nói.

“Với các y bác sĩ, Tết xa nhà thì cũng bình thường thôi nhưng với các bệnh nhân, với các F1 buộc phải cách ly trong những ngày Tết thì thật thiệt thòi. Chính vì vậy, chúng tôi cố gắng hết sức chuẩn bị chu đáo cho anh em trong khu cách ly được đón Tết ấm cúng nhất có thể”, BS. Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc BV Sản Nhi Quảng Ninh cho biết.

Chính vì vậy, vào thời khắc Giao thừa, những lời chúc Tết, lì xì của lãnh đạo bệnh viện vẫn được gửi tới đội ngũ y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ ở khu cách ly. Chỉ có một điều đặc biệt là họ đứng xa nhau giữa hai đầu hành lang, đủ khoảng cách phòng dịch, chúc nhau một năm mới vững vàng hơn để đương đầu với dịch bệnh, mọi quà tặng và lì xì năm mới được gửi lại nơi đầu hành lang ấy.

Còn trong Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh, dù cách ly nhưng các nhân viên y tế, bệnh nhân, người cách ly vẫn đầy đủ hương vị Tết.

Không quá chộn rộn như ở gia đình nhưng vẫn có cành đào, cây quất. Mâm cỗ cúng Giao thừa dù đơn sơ nhưng vẫn được bệnh viện chu đáo chuẩn bị cho các bệnh nhân F0 hay các nhân viên y tế xa nhà được thắp nén nhang vái vọng theo đúng phong tục truyền thống.

Đón Giao thừa ở... trên giời

Thêm một năm xa gia đình đi bay xuyên Tết, anh Nguyễn Đức Dũng, giáo viên, cơ trưởng Trưởng Đội bay A321 của Vietnam Airlines chia sẻ, năm nay, anh tranh thủ ngày nghỉ giữa những ngày làm nhiệm vụ để cùng những người thân trong gia đình chuẩn bị Tết. Do đặc thù công việc có thời gian làm việc không cố định nên Tết với gia đình anh thường đến sớm hơn một chút so mọi nhà.

“Tết là đoàn viên nhưng với nghề bay, điều đó là hơi xa xỉ. Tôi luôn cảm ơn gia đình vì sự thông cảm mỗi khi tôi làm nhiệm vụ. Với tôi đó là trách nhiệm với công việc được giao nhưng với gia đình đó là sự hy sinh”, anh Dũng tâm sự.

Cũng như cơ trưởng Dũng, 9 năm gắn bó với những “văn phòng trên không”, cơ trưởng Bùi Đức Hải (Vietnam Airlines) có 9 năm “ăn Tết trên giời”. “Có lẽ do đã quen với những hành trình bay trong dịp Tết nên tôi và đồng nghiệp không còn lạ lẫm, hụt hẫng như những cái Tết đầu tiên xa gia đình”, anh Hải nói và chia sẻ thêm, niềm vui của anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác là chính là được phục vụ hành khách trong dịp đặc biệt này.

Tương tự, tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Hiếu (Vietjet) chia sẻ, chuyến bay đầu tiên mở màn năm Tân Sửu của Vietjet là chuyến bay từ TP HCM đi Hải Phòng vào lúc 5h sáng mùng 1 Tết (ngày 12/2). Trước đó, chị chỉ kịp đón thời khắc Giao thừa vội vàng cùng gia đình rồi lên đường ra sân bay.

Cũng nói về bay Tết, tiếp viên trưởng Trần Thị Phương Ly (Vietnam Airlines) tỏ ra khá hào hứng: “Đón Tết cùng đồng nghiệp trên những tầng mây hay vùng đất xa xôi nào đó chẳng phải cũng rất đặc biệt hay sao?! Chúng tôi chưa bao giờ thấy chạnh lòng khi phải lên đường làm nhiệm vụ vào những ngày Tết. Ba mẹ rất hiểu và ủng hộ niềm đam mê công việc của tôi”.

Xác định rằng Tết năm nay sẽ rất khác biệt so những năm trước do ảnh hưởng của đại dịch, Phương Ly tâm sự: “Những chuyến đưa khách hoặc chở hàng đi hoặc về từ nước ngoài sẽ phải cách ly 21 ngày. Bởi vậy, mỗi thành viên đều xác định sẵn sàng đón Tết ngay trong khu cách ly”.

Mời hành khách cùng đón Tết

img

Nhân viên phục vụ trên tàu SE1 Phạm Đức Huy trang trí toa hàng ăn, chuẩn bị các thực phẩm cho bữa cơm Tất niên, đón Giao thừa trên tàu

Tại ga Hà Nội tối ngày 9/2/2021, tức ngày 28 tháng Chạp năm Canh Tý, Trưởng tàu SE1 Lê Ngọc Huấn (Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội) cùng các nhân viên trên tàu tất bật chuẩn bị các trang thiết bị và các thực phẩm cần thiết phục vụ hành khách cho chuyến tàu cuối năm từ Hà Nội vào TP HCM.

Chuyến tàu Tết năm nay thật đặc biệt. Dịch Covid-19 đang bùng phát, nhân viên đi tàu không tránh khỏi tâm lý lo lắng vì hàng ngày phải tiếp xúc, phục vụ hàng trăm lượt hành khách. Để bảo vệ bản thân và cả hành khách, anh em nhắc nhở nhau cố gắng, thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch. Giao thừa, chúng tôi cũng bày biện mâm cúng và thắp hương, cầu chúc chuyến tàu đi đến nơi về đến chốn, suôn sẻ. Riêng năm nay, cầu mong dịch Covid-19 mau qua đi, để hành khách lại đi tàu, ngành Đường sắt bớt khó khăn.
Trưởng tàu SE1 Lê Ngọc Huấn


Anh Huấn cho biết, chuyến này đi, sáng 30 Tết tàu vào đến TP HCM, nghỉ ngơi vài giờ lại đón khách theo tàu quay ra Bắc, về đến Hà Nội vào sáng mùng 2 Tết. Thế có nghĩa là lại thêm một cái Tết đón Giao thừa trên tàu.

“20 năm công tác trên tàu thì cũng từng đó năm tôi phải phục vụ trên tàu vào dịp Tết, trong đó hơn 10 năm đón Giao thừa dọc đường”, anh Huấn chia sẻ.

Anh Phạm Đức Huy, nhân viên phục vụ ăn uống tàu SE1 (Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội) cũng tâm sự, 15 năm công tác trên tàu, anh không nhớ mình đã có bao nhiêu cái Tết xa nhà, ăn Tết dọc đường. Xa nhà ngày Tết, dẫu buồn nhưng theo anh Huy, những chuyến đi tàu vào dịp Tết như vậy để lại nhiều kỷ niệm.

Như vào thời điểm Giao thừa, tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới, anh em trên tàu cũng tổ chức đón Giao thừa với mâm cỗ đầy đủ những món ăn cổ truyền dân tộc như bánh chưng, giò, hành muối… rồi bánh mứt, cành đào, bình hoa. Tổ tàu mời cả những hành khách đến toa hàng ăn để chung vui.

“Hành khách, cả người nước ngoài và người Việt khi đến chung vui với anh em nhân viên trên tàu đều rất vui, cảm động vì bất ngờ được hưởng không khí đón Giao thừa ấm cúng, gần gũi như ở gia đình. Hành khách vui, cảm thấy ấm lòng, thì đó cũng là niềm vui, niềm động viên với nhân viên trên tàu chúng tôi khi phải ăn Tết xa nhà, phục vụ trên tàu như vậy”, anh Huy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.