Xã hội

Những người thầm lặng ở Trà Leng: Bới nhẹ tay, đồng bào nằm ở dưới!

“Tất cả phải làm nhẹ nhàng, vì ở dưới lớp đất ấy là đồng bào mình không may nằm lại", Trung tá Diêu nhắc anh em khi đốc thúc công tác tìm kiếm.

img
Việc tìm kiếm nạn nhân được các chiến sĩ bộ đội thực hiện bằng tay, bởi họ biết dưới lớp đất đá là những đồng bào không may nằm xuống. Ảnh: Vĩnh Nhân

Trong vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam), đến nay vẫn còn nhiều nạn nhân mất tích chưa tìm thấy. Ngay từ khi xảy ra và cho đến thời điểm này, hàng trăm con người vẫn đang thầm lặng làm những công việc gian nan, vất vả, chỉ với một mong muốn duy nhất: Tìm được người mất tích sớm ngày nào hay ngày đó.

Bới nhẹ tay, có thể đồng bào đang ở dưới!

Mưa lất phất, những cánh rừng Nam Trà My nhuốm màu ảm đạm. Làng ông Đề (Trà Leng) - hiện trường xảy ra sạt lở rền vang tiếng máy múc đào, tiếng bộ đội, dân quân… cật lực tìm kiếm những người mất tích.

Ngày 5/11, lực lượng tìm kiếm những nạn nhân mất tích tạm dừng, nghỉ tránh bão số 10 và mưa, hết bão sẽ tiếp tục tìm tiếp.
Trước đó, lực lượng tìm kiếm đã rút khỏi hiện trường vụ sạt lở, chỉ duy trì một nửa quân số và thuyền, ca nô tìm kiếm trên sông Leng, sông Tranh. Vào lúc 13h ngày 4/11, lực lượng cứu hộ đã phát hiện 1 thi thể nạn nhân trong vụ sạt đất tại thôn 1, xã Trà Leng. Nạn nhân được tìm thấy bên bờ sông Leng cách hiện trường nóc ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng, nơi xảy ra vụ sạt lở đất khoảng 3km. Nạn nhân được xác nhận là cháu Hồ Thị Lan Ân (nữ, 9 tuổi) con của nạn nhân Hồ Văn Công và Hồ Thị Thắm, hai người này vẫn còn mất tích.

“Anh em khẩn trương, lại đây. Có thi thể!”, Trung tá Hà Ra Diêu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My ngẩng đầu, gọi lớn thông báo. Đồng hồ điểm gần 10h30 ngày 30/10, tổ tìm kiếm của Trung tá Diêu phát hiện dấu vết chiếc áo mưa rách trộn lẫn bùn đất dưới đống gỗ xà nhà đổ sập.

Ngay tức khắp gần chục cán bộ, chiến sĩ vây lại vòng tròn. Người dùng tay bới bùn, người khiêng từng khối gỗ lớn, nhấc khỏi đống sạt lở. Đất đá lởm chởm, nhiều miếng sắc nhọn nhưng hầu như chẳng ai đeo bao tay, dùng đến cuốc xẻng. “Tất cả đều phải làm nhẹ nhàng, vì ở dưới lớp đất ấy là người dân, là đồng bào mình không may nằm lại. Họ chịu đau khổ rồi, không để phải xây xước gì nữa”, Trung tá Diêu lý giải.

Bên cạnh, chiến sĩ Trần Minh Hiếu (21 tuổi, quê huyện Núi Thành, công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam) cầm chiếc gáo múc từng gáo bùn loãng, đôi tay anh run run bới một cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.

Một thi thể đàn ông thứ 8 (sau được xác định là nạn nhân Hồ Văn Hùng) lộ ra dưới đống đổ nát. Các chiến sĩ nhẹ nhàng đưa nạn nhân lên, đặt vào băng ca. Vòi nước sạch hiếm hoi tại hiện trường được sử dụng để trước khi đưa nạn nhân về với gia đình, họ phải thật sạch sẽ. Cách đó không xa, chiếc lều bạt dựng tạm, người cha già 77 tuổi nhận thi thể con trong tiếng khóc ai oán, lạc thẳm vào giữa đại ngàn.

Trẻ tuổi, khuôn mặt vấy vết bùn non, nhưng giọng chiến sĩ Hiếu luôn rắn rỏi: “Cứ có dấu vết là tìm thật nhanh. Mỗi lần nhìn thấy một thi thể đau buồn lắm, có khi run tay vì thi thể bị đè nặng, biến dạng… Nhưng chúng tôi luôn phải kìm nén cảm xúc của mình”.

Quá trưa, một tốp chiến sĩ tạm ngưng công việc tìm kiếm, chạy vào lán trại đặt trong Điểm trường nóc Ông Lục. Đây là nơi đội hậu cần sử dụng để nấu ăn cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ và người dân khu vực.

Chiến sĩ Nguyễn Thanh Tân (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam) cầm trên tay chén đũa vào bàn ăn. Cũng như bao đồng đội khác, anh ăn thật nhanh để còn tranh thủ từng phút quay lại hiện trường cứu nạn.

“Nhiều người chẳng ăn nổi, nước mắt cứ chực trào. Anh em động viên nhau ráng ăn mới có sức tìm kiếm. Các tốp chia nhau nghỉ ăn trưa, để việc tìm kiếm không bị gián đoạn, chậm trễ dù chỉ phút giây. Có hôm chúng tôi làm quên ăn, đến giờ chỉ huy gọi từng nhóm đi ăn”, anh Tân kể.

Tranh thủ giờ nghỉ tạm, Trung tá Võ Chí Bắc, Phó chủ nhiệm hậu cần (Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Nam) tất bật mang bánh chưng, phần ăn ra mời người dân đang đứng xung quanh hiện trường tìm kiếm. Bao năm binh nghiệp, tinh thần cương nghị, rắn rỏi của vị trung tá vẫn nhiều lần bị ám ảnh bởi những ánh mắt thất thần, ngóng vọng của thân nhân nạn nhân mất tích.

Trực tiếp chỉ đạo cứu nạn tại hiện trường Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu V cho biết, lúc cao điểm, có hơn 500 nhân lực được huy động tìm kiếm người mất tích. Thời tiết ở hiện trường nhiều thời điểm có mưa, lực lượng vừa tìm kiếm người mất tích vừa phải đảm bảo an toàn cho chính mình.

Quay mặt, nén khóc trước tang thương

Dáng người thấp nhỏ, ông Nguyễn Bá Dương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dương Tiến (đơn vị duy tu bảo dưỡng xuyên tuyến DH1 lên Trà Leng, Trà Vân) đi lại liên hồi dưới lớp bùn non, đất đá lởm chởm để chỉ đạo đội hình máy múc đào, xúc lật vừa thông tuyến, vừa tham gia cứu nạn.

img
Các chiến sĩ ăn vội bữa cơm trưa để gấp rút quay lại hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích

9h sáng 30/10, hơn 24 giờ sau khi nhận nhiệm vụ, 2 mũi xử lý sạt lở, cắt đường của ông Dương hoàn thành mở đường cứu nạn lên làng ông Đề. Ngay lập tức, 2 máy đào, 1 máy xúc lật được tăng cường đến hiện trường sạt lở, tham gia tìm kiếm.

Ông Dương kể, lúc này, đội hình bộ đội dùng máy quét, chó nghiệp vụ, tìm kiếm thủ công đi trước, thiết bị chuyên dụng của ông theo sau. Nhiều điểm sạt lở đất đá, bùn non dày đến 2,5m, nhưng mọi người cố đào tới tận nền.

Đến ngày 1/11, sau 2 lần tổng tìm kiếm, tại hiện trường không phát hiện thêm dấu tích 14 nạn nhân còn mất tích nào. “Anh em dấy lên hy vọng, biết đâu họ còn sống sót!”, ông Dương bày tỏ.

Thế nhưng, chiều 4/11, khi lực lượng chức năng mở rộng phạm vi tìm kiếm, ông Dương điều xe ra sửa chữa đường, cầu qua sông Leng (cách cầu trên tuyến DH1 chừng 700m) để đảm bảo lưu thông qua lại, bất ngờ nhận tin báo phát hiện thi thể thứ 9 nằm bên kia sông.

“Lúc này, anh Nguyễn Ngọc Đức (thôn 1, Trà Leng) và Đoàn Minh Hiệp (thôn 4, Trà Mai, Nam Trà My) khi đang đi tìm kiếm người thân bị mất tích trong vụ sạt lở Trà Leng đã phát hiện thi thể một bé gái nên báo cho tôi. Tôi liền điện thoại cho anh Mẫn (Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - NV) cùng các đơn vị chức năng lên hiện trường. Vị trí phát hiện thi thể nằm bên kia sông Leng nên máy móc không thể tiếp cận. Tình cảnh rất thương tâm, các lực lượng chức năng gắng gượng để lấy thi thể bé gái ra từ khe đá, bị những khúc cây lấp vào. Chẳng ai dám nhìn trực tiếp, bản thân tôi quay mặt đi, nén khóc”, ông Dương kể.

Hơn tuần nay, ông Dương trực tiếp ở lại hiện trường, cùng chục đầu xe máy thiết bị nỗ lực khơi thông sạt lở trên tuyến DH1 lên Trà Leng, Trà Vân 2, đảm bảo giao thông bước 1 và tham gia cứu hộ cứu nạn.

“Nhiều anh em lái máy vốn sợ đi xử lý sạt trượt vì hay gặp nguy hiểm, lật xe, thậm chí bị đất đá vùi lấp. Nhưng lần này trước mắt chúng tôi là đồng bào đang gặp nguy hiểm, nên ai cũng dốc lòng. May mắn chúng tôi được sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Nam và Cục QLĐB III... điều đó đã tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm cho chúng tôi”, ông Dương chia sẻ.

Những thước phim đẫm nước mắt

Những ngày qua, hình ảnh nhà báo Đoàn Hữu Trung (Cơ quan TTXVN tại Quảng Nam) đóng máy quay, ngoảnh mặt khóc nghẹn khi chứng kiến thi thể nạn nhân Trà Leng được tìm thấy đã gây nhiều xúc động. Hơn 25 năm gắn bó với nghề báo, xông pha nhiều hiện trường bão lũ, tai nạn… nhưng giây phút chứng kiến thi thể bé gái 2 tuổi được tìm thấy dưới lớp bùn đất sau hơn 1m vào sáng 30/10 đã khiến anh nhiều đêm không ngủ.

“Tôi phải đóng máy quay, không thể tác nghiệp, nước mắt cứ trào chảy. Dưới lớp bùn đất sâu hơn 1m, lực lượng chức năng cẩn thận đưa thi thể cháu bé lên. Bé gái mới chỉ tầm 2 tuổi thôi, nhỏ xíu như búp bê, toàn thân chỉ có một màu bùn... Không riêng tôi, từ những vị tướng lĩnh chỉ huy từng xông pha trận mạc, hay cán bộ, chiến sĩ trẻ tuổi, ai cũng nghẹn ngào”, anh Trung kể.

Sáng 29/10, để có thể tiếp cận hiện trường nhanh nhất, PV Đại Thắng của Báo Giao thông đã phải nhờ lực lượng công nhân Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam đang xử lý sạt lở “tăng bo” xe máy qua bên kia đường, rồi tiếp tục trực chỉ Trà Leng.

Tuy nhiên, đến DH1, nhiều vị trí sạt lở khiến phương tiện không thể lưu thông. Mọi liên lạc đều bị gián đoạn, điện thoại mất sóng, anh Thắng quyết định để lại xe máy bên vệ đường, lội qua lớp bùn non, đất đá lởm chởm, ven theo sườn đồi vào hiện trường. Mất gần 6 tiếng cuốc bộ, băng rừng, cuối cùng PV Thắng là một trong số ít nhà báo có mặt sớm nhất tại đây.

“Trước đó tôi đã hình dung ra khung cảnh hoang tàn, đổ nát. Nhưng vào đến nơi, cảnh tượng còn khủng khiếp hơn những gì mình nghĩ. Cả quả đồi sạt lở, 15 ngôi nhà bị xóa sổ hoàn toàn, chỉ còn vết tích ngổn ngang. Đất đá bừa bộn, cao đến vài ba mét”, anh Thắng kể.

Lúc đó, lực lượng tại chỗ đã tìm được nạn nhân thứ 6. Thi thể nạn nhân là Hồ Văn Thanh được tìm thấy dưới lớp đất đá, bùn đất sâu gần 2m. Để đưa thi thể nạn nhân ra khỏi lớp bùn đất, đá, cả chục chiến sĩ, dân quân dùng tay không di chuyển từng hòn đá sắc lẹm, nhành cây gai gốc, bốc từng lớp bùn đất. Máu ứa đầy ngón tay, trộn vào bùn đất. Đứng trên sườn đồi, những ánh mắt người thân dõi theo từng thao tác tìm kiếm, tất cả cùng im lặng đến nghẹt thở…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.