Thế giới

Những nhà báo "đả hổ diệt ruồi"

19/06/2015, 13:26

Với tố chất nhạy cảm, gan dạ, lòng yêu nghề, nhà báo hoàn toàn có thể biến cây bút thành “vũ khí sắc bén”...

quan tham
Một quan tham lộ ảnh với bồ nhí (ảnh minh họa)

 Với tố chất nhạy cảm, gan dạ và lòng yêu nghề, nhà báo hoàn toàn có thể biến cây bút thành “vũ khí sắc bén” đánh bại cả một đường dây tham nhũng từ cấp địa phương tới cấp Trung ương, như trường hợp của nhà báo Luo Changping, công tác tại Tạp chí Tài chính Caijing (Trung Quốc).

Vài năm trở lại đây, báo chí Trung Quốc gần như không ngày nào thiếu tin liên quan tới bê bối tham nhũng của quan chức. Trong đó không tha những “mãnh hổ” thuộc Bộ Chính trị như: Cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai…; Tướng lĩnh hàng đầu quân đội như: Cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu; Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần quân đội Trung Quốc…

242

Nhà báo Luo Changping nói rằng, Trung Quốc đang thiếu những nhà báo điều tra

Thành tích phi thường

Góp phần vào thành tích đó, không thể thiếu các cây bút điều tra như Luo Changping, 35 tuổi - người từng được Tổ chức minh bạch thế giới trao giải thưởng Liêm chính vì sự nghiệp chống tham nhũng. Chỉ trong vòng 10 năm bước chân vào nghề, Luo Changping đã khẳng định được vị trí là một trong những nhà báo đáng được tôn trọng nhất Trung Quốc, với nỗ lực phơi bày bê bối tham nhũng của hơn 100 quan chức cấp cao.

"Bắc Kinh đang đối mặt với tình trạng sương mù dày đặc gây khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt thường ngày. Nhưng còn làn sương khác nguy hiểm hơn, đó chính là “sương mù” chính trị. Nó che mắt người dân Trung Quốc, khiến họ không biết tiền đóng thuế của mình đã đi đâu. Báo chí chính là một trong những công cụ đắc lực để vén màn sương đó”.

Nhà báo Luo Changping

Nhắc đến Luo, người ta nhớ ngay tới đại án lật đổ quan tham cấp cao trong ngành Kinh tế Lưu Thiết Nam, Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Quốc gia; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - cơ quan hoạch định kinh tế của Trung Quốc.

Tháng 12/2012, tờ Caijing, nơi Luo làm Phó Tổng biên tập đăng tải bài báo đầu tiên cáo buộc vợ, con trai “một quan chức cấp cao Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia” kinh doanh bất hợp pháp. Luo không chỉ đích danh tên ông Lưu trong bài báo đầu tiên nhưng đề cập trực diện trên mạng xã hội Weibo. Chỉ cần vậy, người dân Trung Quốc đủ hiểu “quan chức cấp cao” đó là ai.

Tới trung tuần tháng 5/2013, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu vào cuộc. Lưu Thiết Nam bị khai trừ khỏi Đảng, bị bãi chức và lĩnh án tù chung thân. Sau đó, truyền thông địa phương Trung Quốc đồng loạt đưa tin về cuộc điều tra. Tờ Caijing của Luo cũng đăng lại bài điều tra đầu tiên lên tài khoản Weibo chính thức. Từ đây, báo chí khui ra không ít bí mật đen tối của ông Lưu như: Dối trá bằng cấp; dọa giết người tình Nhật Bản vì cung cấp thông tin cho báo chí; nhiều lần nhận hối lộ lên tới hàng trăm triệu nhân dân tệ...

243
Báo chí góp phần không nhỏ trong việc khui ra đống tài sản kếch xù mà Bạc Hy Lai tham nhũng

Mãnh hổ đầu tiên bị hạ gục

Sở dĩ nói vụ Lưu Thiết Nam là đại án lật đổ quan tham, bởi đây là lần đầu tiên một “mãnh hổ” (cấp cao nhất tính tới thời điểm đó của Trung Quốc) “ngã ngựa” vì ngòi bút của nhà báo. Đây cũng là tiền đề để hàng loạt tham quan lớn hơn nữa như: Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai… ra hầu tòa.

Dù sớm thành công trong làng báo, thời điểm bài báo trên ra đời (2013), Luo Changping mới 32 tuổi và đã là Phó Tổng biên tập của Tạp chí Tài chính Caijing, nhưng Luo luôn khiêm tốn. Kể về thành công của mình, Luo thường dùng từ “may mắn”. Bởi theo anh, lúc đó có nhiều sự kiện trùng hợp xảy ra, khiến câu chuyện của anh dễ dàng lan tỏa ra cộng đồng. Tuy nhiên, ít người biết rằng, để có được bài điều tra, Luo đã phải đấu tranh tới mức gần như kiệt sức cả về “tinh thần và thể xác” trong một năm trời thu thập thông tin. Ban đầu, cuộc điều tra khá khó khăn. Bởi lẽ, không phải báo nào cũng dám “vuốt râu hùm” và anh chấp nhận “đơn thương độc mã”. Quan tham Lưu từng điều tra lý lịch cả gia đình Luo và đe dọa sẽ không để cho người thân của anh yên nếu còn tiếp tục điều tra. Luo cho biết: “Tôi không sợ chết. Ở Trung Quốc, những người làm báo như chúng tôi có thể không bị giết nhưng phải đối mặt với nhiều mối đe dọa còn đáng sợ hơn. Điều tôi lo chính là an toàn của gia đình mình”.

Trả lời câu hỏi vì sao lại bất chấp nguy hiểm, đi đến cùng cuộc chiến chống đại quan tham Lưu Thiết Nam, Luo chia sẻ, ngay từ nhỏ, anh ảnh hưởng từ cha - một người nổi tiếng trung thực, thanh liêm tại quê nhà (tỉnh Hồ Nam). Cha anh răn dạy: “Nói sự thật!”. “Ban đầu ước mơ của tôi là trở thành nhà văn. Nhưng càng lớn, tôi càng nhận ra, báo chí có tầm ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với Chính phủ”, Luo nói thêm. Khi còn ngồi ghế nhà trường, Luo đã chịu trách nhiệm tổ chức xuất bản tờ báo và đài phát thanh của trường. Lúc bắt đầu sự nghiệp báo chí, Luo luôn tập trung đánh mạnh mảng tham nhũng và hy vọng những kết quả anh đạt được sẽ truyền lửa cho những nhà báo khác dám tham gia vào sự nghiệp này. Anh bộc bạch: “Trung Quốc đang thiếu những người sẵn sàng và đam mê thể loại phóng sự điều tra. Tôi hy vọng có thể tạo nguồn cảm hứng để ngày càng có nhiều người tham gia vào thể loại báo chí này”.

Khi tra cứu thông tin của Luo trên internet thì gần như không thấy tên anh xuất hiện trong vòng một năm trở lại đây. Có thông tin cho rằng, anh đã được điều khỏi vị trí Phó Tổng biên tập Caijing sang một Viện nghiên cứu cũng thuộc Tạp chí này, làm công việc khảo sát và nghiên cứu, chứ không trực tiếp đi điều tra như trước.

Ngay sau thành công của Luo, cùng năm 2013, rất nhiều nhà báo mạnh dạn phơi bày những vụ tham nhũng ra ánh sáng. Nổi bật là vụ phóng viên Wang Wenzhi đến từ tờ Thông tin Kinh tế hàng ngày (thuộc Tân Hoa Xã) cáo buộc Song Lin, Chủ tịch Tập đoàn nhà nước Resources Holdings Co. Ltd, (Công ty mẹ của một nhóm các doanh nghiệp chuyên kinh doanh năng lượng, bất động sản ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông) giao dịch tài chính bất hợp pháp. Wang và một số phóng viên khác cũng cáo buộc Công ty China Resources Power Holdings Co. Ltd thuộc Tập đoàn trên cố tình trả giá quá cao cho một số mỏ than; dẫn đến việc một nhóm cổ đông kiện các giám đốc điều hành. Chỉ vài tháng sau đó, ông Song bị cách chức và điều tra vì “vi phạm kỷ luật”. Theo sau sự sụp đổ của Song, hàng loạt tỷ phú có liên quan như “chị hai ngành Đường sắt” Ding Yuxin; Zhang Xinming, Chủ tịch Tập đoàn Than Jinye, người từng tự xưng là giàu nhất ngành Than tỉnh Sơn Tây… bị điều tra xét xử. Cũng từ đây, báo chí khui ra không biết bao “góc tối” trong mối quan hệ thông đồng giữa doanh nghiệp và quan chức Chính phủ; những mối quan hệ tiền - quyền, gái mại dâm... 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.