Đời sống

Chuyện nữ chiến binh áo trắng trong tâm dịch Covid-19

08/03/2020, 06:29

Những nữ chiến binh áo trắng dù ở vị trí nào vẫn luôn mạnh mẽ vượt qua khó khăn để tham gia trận chiến phòng chống dịch Covid-19.

img
BS. Trương Anh Thư là một trong những cán bộ y tế rút sau cùng khi xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) được công bố hết dịch

“Đêm giao thừa thứ 2” ở tâm dịch

Là một trong những cán bộ y tế rút sau cùng khi Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) được công bố hết dịch, trở về với cuộc sống thường nhật, BS.Trương Anh Thư, Phó trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “0h ngày 4/3, khi Sơn Lôi chính thức gỡ bỏ phong tỏa, chúng tôi và tất cả người dân như được đón giao thừa lần thứ hai. Mọi người lại được quay về cuộc sống bình yên”.

Có mặt tại Sơn Lôi khi nơi đây chính thức phong tỏa, xác định là tâm dịch Covid-19 với 5 bệnh nhân nhiễm bệnh được điều trị ngay tại địa phương, BS. Thư cho hay: “Ngay khi có thông tin dịch bệnh, tôi đã nhận nhiệm vụ vào tổ công tác cơ động, chỉ sau một cuộc điện thoại là nhấc ba lô lên đường. Với riêng tôi, đây là chuyến công tác đặc biệt nhất, bởi lên đường công tác rồi ngày hôm sau mới có quyết định và không biết ngày nào mới kết thúc”.

Với trách nhiệm kiểm soát truyền nhiễm, BS. Thư cho hay, dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 (Covid-19) không có thuốc điều trị đặc hiệu nên công tác kiểm soát nhiễm khuẩn không lây nhiễm bệnh viện là rất quan trọng.

Chị cùng đồng đội thực hiện rà soát, đánh giá lại toàn bộ các điều kiện nhân lực, trang thiết bị cho công tác phòng và kiểm soát Covid-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn (bao gồm Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, Trung tâm Y tế các xã Sơn Lôi, Thiện Kế, Quất Lưu, Gia Khánh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Yên); đồng thời tập huấn về phòng và kiểm soát bệnh dịch cho các nhân viên y tế nơi đây… với mục tiêu lớn nhất là phòng tránh lây lan bệnh dịch trong cơ sở y tế.

Theo BS. Thư, những ngày đầu tiên khi về đây, cơ sở, trang thiết bị y tế còn nhiều thiếu thốn, kiến thức y tế của nhân viên y tế còn nhiều khoảng trống, trong khi đây là bệnh dịch mới có tính chất lây lan nhanh, nguy hiểm. Đây là cơ sở y tế vừa điều trị bệnh nhân dương tính Covid-19 (có cách ly) nhưng cũng là nơi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ nhiễm khác hàng ngày với số lượng không ít.

“Thời gian đầu, khi số bệnh nhân nghi nhiễm khá nhiều, công việc dù có đêm hôm, sớm tối nhưng áp lực lớn nhất với chúng tôi không phải công tác chuyên môn mà là những giây phút nín thở chờ kết quả xét nghiệm của các ca nghi nhiễm. Mỗi kết quả âm tính được trả về là một lần thở phào nhẹ nhõm”, BS. Thư chia sẻ.

Khi được hỏi, nhận lệnh vào tâm dịch, chị có lo lắng hay không, nữ BS mỉm cười: “Với chúng tôi, việc đối mặt với dịch bệnh là điều rất bình thường, chỉ có điều do đây là dịch bệnh rất mới, kiến thức và thông tin về nó còn rất ít ỏi nên phải chuẩn bị kỹ hơn, liên tục cập nhật để chuyển giao cho y tế cơ sở được thực hành nhiều nhất”.

20 ngày cùng đồng đội gắn bó với vùng dịch Sơn Lôi, kết quả cả 5 ca nhiễm Covid-19 đều được điều trị khỏi bệnh, không phát hiện bất kỳ ca nhiễm nào khác là niềm hạnh phúc của chị cùng các đồng nghiệp của mình.

img
Chị Mai Phương nhận bằng khen của Bộ Y tế khi cùng các đồng nghiệp thực hiện thành công việc nuôi cấy và phân lập virus SARS-CoV-2

“Mất ăn mất ngủ” vì… virus

Dịp 8/3 năm nay, tập thể nữ cán bộ tại Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư thêm rộn ràng, phấn khởi hơn bởi thông tin nhận giải thưởng Kovalevskaia, ghi nhận sự đóng góp không mệt mỏi trong quá trình nghiên cứu khoa học.

Cách đây chưa đầy một tháng, mọi người vẫn ghi nhớ sự kiện đánh dấu bước tiến trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, khi tập thể Khoa Virus, trong đó có các chị đã thực hiện thành công việc nuôi cấy và phân lập virus SARS-CoV-2.

Nhắc đến thành công đó, TS.BS. Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng khoa Virus chia sẻ: “Đến giờ, cảm xúc vỡ òa hạnh phúc khi nhóm nghiên cứu “tóm sống” con virus sau nhiều ngày nuôi cấy vẫn vẹn nguyên. Bởi, kết quả này mang ý nghĩa quan trọng phục vụ cho công tác điều trị, nghiên cứu phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vaccine sau này…”.

Suốt từ đầu mùa dịch Covid-19 đến giờ, chị Phương cũng như nhiều nữ cán bộ nhân viên ở đây dường như chưa có ngày nghỉ trọn vẹn. Bên cạnh những ngày “mất ăn, mất ngủ” để nghiên cứu, còn có những ngày cao điểm với hàng trăm mẫu bệnh phẩm từ nhiều nơi gửi về, áp lực về thời gian, về độ chính xác của kết quả xét nghiệm luôn đè nặng lên đôi vai của cán bộ phòng thí nghiệm tại Khoa Virus này.

Khác với việc đối mặt với các mẫu bệnh phẩm của các cán bộ tại Viện Vệ sinh dịch tễ, các cán bộ tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư lại hàng ngày tiếp nhận, điều trị cho nhiều người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19.

Thở phào nhẹ nhõm sau kết quả xét nghiệm của cả đoàn 30 người trở về từ Vũ Hán (tâm dịch Covid-19 ở Trung Quốc) đều âm tính và có sức khỏe ổn định, BS. Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư chia sẻ, đây là đoàn điều trị rất đặc biệt vì có cả trẻ nhỏ và thai phụ.

“Rất căng thẳng khi tiếp nhận đoàn này, bởi vấn đề không nằm ở chuyên môn mà chủ yếu do tâm lý của bệnh nhân. Thậm chí, có bệnh nhân vừa gặp bác sĩ đã khóc tu tu vì…. buồn, nhớ nhà. Điểm khác biệt lớn so với điều trị thông thường khác là chúng tôi điều trị tâm lý, buổi khám nào cũng giải thích động viên để yên tâm, cộng tác cách ly…”.

Chị Ninh cho hay khi đã lựa chọn nghề y là đã chấp nhận khó khăn: “Liên miên những ngày dài lấy viện làm nhà, con cái phần lớn giao phó cho gia đình. Hiếm hoi những giờ phút được ở nhà. Mình vẫn gặp con suốt đấy nhưng mà qua Facetime…”.

Cũng ít ai biết rằng, sự lựa chọn nghề của chị được tiếp nối từ mẹ chị - người có mặt trong trận chiến chống dịch SARS từ 17 năm trước. Cũng trong 15 năm công tác, chị Ninh đã trải qua nhiều trận dịch như H5N1 năm 2005, H1N1 2009, dịch sởi và sốt xuất huyết các năm tiếp theo, nhiễm giun sán Bắc Ninh năm 2018, hay vi khuẩn ăn thịt người whitmore năm 2019... và giờ lại là trận chiến với Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.