Hàng không

Những nữ lãnh đạo hiếm hoi trong ngành hàng không

19/10/2020, 19:05

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chỉ một số ít nữ giới là lãnh đạo trong ngành hàng không và họ đều là những người tài năng.

img
Tỉ lệ phụ nữ giữ vai trò tổng giám đốc, giám đốc điều hành trong ngành hàng không chỉ ở mức 3%

Chỉ 3% lãnh đạo hàng không là nữ

Một báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết tỉ lệ phụ nữ giữ vai trò tổng giám đốc, giám đốc điều hành trong ngành hàng không chỉ ở mức 3%, so với 12% ở các ngành khác. Còn theo thống kê của Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), chỉ 6% nhân viên nữ tại các hãng hàng không thế giới được bổ nhiệm lên vị trí điều hành.

Sở dĩ không có nhiều nữ giới là lãnh đạo trong ngành hàng không bởi đây được xem là ngành đặc thù xoay quanh các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Điều này đòi hỏi người lãnh đạo hàng không phải có kiến thức về cả mảng thương mại và kỹ thuật để có thể điều hành kinh doanh. Do đó, với phụ nữ, hàng không được coi là môi trường làm việc vô cùng khắc nghiệt.

img
Bà Anne Rigail, Tổng giám đốc Air France (Pháp) là một trong những nữ lãnh đạo tài năng của hàng không thế giới

Năm ngoái, tại Hội nghị thượng đỉnh Vận tải hàng không thế giới, ông Christopher Luxon, cựu Giám đốc điều hành Hãng Hàng không Air New Zealand, đã “thách” các hãng hàng không đưa thêm nhiều phụ nữ vào ngành. Tại hội nghị này, lãnh đạo 30 hãng hàng không đã ký cam kết bổ nhiệm nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí chủ chốt tại hãng của mình.

Mặc dù tỉ lệ nữ lãnh đạo trong ngành hàng không thấp nhưng vẫn có những phụ nữ tài năng thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong ngành. Đó là bà Anne Rigail, Tổng giám đốc Air France (Pháp); bà Linda Jojo, Phó tổng giám đốc công nghệ và giám đốc kỹ thuật số của United Airlines (Mỹ); bà Tammy Romo, Giám đốc tài chính Southwest Airlines (Mỹ); bà Joanna Geraghty, Chủ tịch và Giám đốc điều hành JetBlue (Mỹ); bà Tracy Lawlor, Giám đốc chiến lược và phát triển kinh doanh JetBlue.

“Madame” của hàng không Việt

img
Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà

Tại Việt Nam, sự thành công của Vietjet gắn liền với hai người phụ nữ nổi tiếng là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Hà và Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo. Nhiều người ưu ái gọi họ là các “quý bà” của hàng không Việt: madame Hà, madame Thảo.

Bà Nguyễn Thanh Hà là một trong những thành viên sáng lập và được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vietjet vào năm 2007. Bà Thanh Hà sinh ra trong một gia đình truyền thống. Bà là chuyên gia, nhà quản lý dày dặn kinh nghiệm trong ngành hàng không. Trước khi tham gia Vietjet, bà Hà là Cục phó Cục hàng không Việt Nam.

Bà Thanh Hà hiểu hơn ai hết về sự cần thiết của một thị trường hàng không cạnh tranh lành mạnh tại Việt Nam, trong đó có sự tham gia của hàng không tư nhân. Khi trở thành Chủ tịch HĐQT Vietjet, bà Hà đã cùng đội ngũ Vietjet thực hiện điều đó. “Chúng tôi tự hào là nhân tố thúc đẩy những đổi mới tích cực của hàng không Việt Nam từ luật pháp chính sách, tới phương thức quản lý và kế hoạch liên tục mở rộng, nâng cấp xây mới các sân bay, phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ hàng không. Vietjet có ước vọng xây dựng Việt Nam thành một trung tâm dịch vụ hàng không của khu vực”, bà Hà nói.

Hãng Vietjet do Chủ tịch Thanh Hà góp phần sáng lập thuộc nhóm dẫn đầu các hãng hàng không về các chỉ số an toàn, chất lượng, độ tin cậy khai thác, kỹ thuật. Hãng cũng cho ra đời Học viện hàng không Vietjet với trang thiết bị hiện đại bậc nhất hiện nay.

Hiện nay, bà Thanh Hà cùng các thành viên HĐQT Vietjet thể hiện tích cực vai trò quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển của hãng. Bà Hà đi lại như con thoi giữa Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh, thành để xây dựng và củng cố các mối quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh các hoạt động xã hội của Vietjet.

img
Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo

Khác với vị chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo không xuất thân từ ngành hàng không nhưng lại có tầm nhìn rất xa về tương lai của ngành vận tải công nghệ cao, hiện đại với phạm vi hoạt động mang tính quốc tế, vừa đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, vừa góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bà Phương Thảo đã từng cùng những người đồng sáng lập xây dựng đề án thành lập hãng hàng không 5 sao. Tuy nhiên, trong lần đi từ thiện ở vùng cao, nghe một bà mẹ hỏi bao nhiêu tấn thóc mới mua được chiếc vé máy bay để bà có thể bước lên máy bay một lần trước khi nhắm mắt, bà Thảo đã bị câu hỏi đó đeo đẳng để rồi quyết định chuyển từ đề án hàng không 5 sao sang mô hình hàng không đại chúng, giá rẻ với mong muốn đem lại cơ hội bay cho tất cả mọi người.

Cũng chính vì mục tiêu hiện thực hóa giấc mơ bay của hàng triệu người dân mà trong tất cả kế hoạch kinh doanh của Vietjet, câu hỏi luôn được nữ CEO đặt ra cho các bộ phận xây dựng kế hoạch không phải là lợi nhuận cho hãng thế nào mà là lợi ích cho khách hàng ra sao; bao nhiêu người được bay, trong đó bao nhiêu người lần đầu tiên đi máy bay. Khẩu hiệu trong nhân viên của hãng hàng không này là An toàn, vui vẻ, giá rẻ, đúng giờ.

Nhắc đến nữ tổng giám đốc Vietjet, người ta biết đến bà là 1 trong 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới; 1 trong 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu 2018; 1 trong 100 nhân vật làm thay đổi kinh tế châu Á… cùng nhiều danh hiệu khác do các tổ chức quốc tế vinh danh. Tuy nhiên, bà Thảo cho biết bà thích được mọi người gọi là “chị Thảo của Vietjet” hơn.

Hai “phó tướng” tài năng

img
Phó tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Thúy Bình

Nhắc đến các “nữ tướng” của Vietjet, không thể không nhắc đến hai người phụ nữ tài năng, có nhiều đóng góp vào sự thành công của Vietjet là Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Thúy Bình và Phó tổng giám đốc Hồ Ngọc Yến Phương.

Bà Thúy Bình không chỉ đảm nhiệm chức Phó tổng giám đốc Vietjet mà còn là Chủ tịch Thai Vietjet - hãng hàng không do Vietjet liên danh thành lập tại Thái Lan. Một mình đảm nhiệm hai vai trong một ngành luôn bận rộn, có lẽ chỉ những người phụ nữ đầy nghị lực mới “gánh” được.

Bà Thúy Bình là một trong những người truyền cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ Vietjet và Thai Vietjet. Bà Bình xem đại dịch Covid-19 là thách thức đổi mới của doanh nghiệp. “Chúng tôi coi như đây là môi trường sống mới mà chúng tôi tự phải thay đổi hành vi của mình cùng toàn xã hội, thích nghi với các điều kiện mới một cách tốt nhất”, bà Bình nói.

img
Phó tổng giám đốc Vietjet Hồ Ngọc Yến Phương

“Gánh” trách nhiệm nặng nề ở Vietjet, Phó tổng giám đốc Hồ Ngọc Yến Phương phụ trách tài chính kế toán của hãng hàng không với tài sản hàng tỉ USD, đội máy bay hàng trăm chiếc và nhiều giao dịch khủng. Tuy nhiên, bà Yến Phương có tới 20 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, từng giữ vị trí lãnh đạo cấp cao ở những tập đoàn danh tiếng trong lĩnh vực dầu khí, viễn thông, sản xuất công nghiệp... đặc biệt là kinh nghiệm trong điều tiết và quản trị nguồn vốn.

Đợt dịch vừa qua, bà Yến Phương đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo dòng tiền hoạt động cho hãng; tham gia đàm phán để thỏa thuận cắt giảm giá, phí dịch vụ, gia hạn thời hạn thanh toán với các nhà cung cấp trọng yếu, các định chế tài chính tàu bay quốc tế, các ngân hàng trong và ngoài nước; tham gia triển khai chương trình bảo hiểm rủi ro nhiên liệu nhằm ổn định chi phí xăng dầu, mảng chi phí trọng yếu chiếm trên 40% tổng chi phí vận hành khai thác.

Dưới sự điều hành uyển chuyển của bà Yến Phương, năng lực tài chính của Vietjet được đánh giá cao. Vietjet nằm trong số ít các hãng hàng không trên thế giới có kết quả tài chính tích cực và duy trì dự trữ tiền mặt lớn, đảm bảo cho hoạt động vận tải hàng không.

“Bộ tứ” nữ lãnh đạo Vietjet được xem là “của hiếm” tài năng trong ngành hàng không. Đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong trong một ngành là “bệ phóng” của các ngành kinh tế khác, thường xuyên phải làm việc với cường độ cao nhưng như bà Phương Thảo khẳng định: “Những lãnh đạo nữ của Vietjet luôn ý thức tinh thần gương mẫu đi đầu của người lãnh đạo, chia sẻ trong cán bộ công nhân viên. Họ đều xác định làm lãnh đạo doanh nghiệp lớn là dấn thân, là hy sinh, gánh vác vì sự nghiệp chung của hàng không nước nhà”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.