Xã hội

Những “nữ tướng Trường Sa” chưa từng ra trận

04/02/2019, 09:40

Những người vợ lính Trường Sa thường được ví là “nữ tướng” ở lại hậu phương, là chỗ dựa tinh thần cho những người lính...

img
Ảnh cưới của Đảo phó Bùi Đức Hường và vợ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những người vợ lính Trường Sa thường được ví là “nữ tướng” ở lại hậu phương, là chỗ dựa tinh thần cho những người lính chắc tay súng nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

20 năm và 2 tháng bên nhau…

Cưới nhau từ năm 1970 khi chiến tranh chống Mỹ đi vào những ngày khắc nghiệt nhất, bà Lưu Thị Mị đã quen với cảnh một mình nuôi con để chồng đi đánh trận. Hòa bình lập lại tưởng chừng gia đình sẽ đoàn tụ, chồng bà - ông Phạm Công Phán tiếp tục nhận nhiệm vụ ra Trường Sa bảo vệ chủ quyền.

Nếu phải chọn thời khắc cô đơn nhất của người phụ nữ, đó có lẽ là việc sinh con mà không có chồng bên cạnh. Nhưng với bà Mị không chỉ một lần mà ba lần đều vắng bóng chồng. Năm 1978, khi bà sinh người con thứ ba, chồng bà - khi đó là Trung đoàn phó Trung đoàn 146 (sau này thành lữ đoàn) hãy còn ở nơi mịt mù sóng nước. Nghe tin con gái chào đời trong những ngày đang hừng hực khí thế đóng giữ và bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa, Thiếu tá Phán bèn dặn vợ đặt tên con là “Sa” để nhắc nhớ về một thời hoa lửa giữa ngàn khơi.

Mỗi đợt Thiếu tá Phạm Công Phán vác balô lên đường làm nhiệm vụ phải đến khoảng 2 năm sau mới có dịp nghỉ phép về nhà. Cuộc sống riêng tư vợ chồng chủ yếu được truyền lửa qua những lá thư tay gửi theo tàu đi làm nhiệm vụ, ước chừng mỗi năm được đôi ba lá. Khi đi con chưa chào đời, khi về con đã biết nói và còn không nhận ra cha.

Ẩn sâu bên trong con người nhỏ bé của bà Mị là một sức chiến đấu mạnh mẽ. Vừa là mẹ của ba người con nhỏ, vừa là Phó chủ nhiệm Hợp tác xã, bà vẫn ngày ngày nuôi con, chăm sóc gia đình, phụng dưỡng ba mẹ và hoàn thành tốt việc nước, quá nhiều việc để bà không còn thời gian nghĩ tới sự cô đơn.

Tháng 3/1988, Trung Quốc nổ súng tấn công những người lính công binh đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa, hàng xóm nghe tin từ đài bèn kháo nhau có lẽ ông Phạm Công Phán đã bị bắt. Bà Mị nghe tin lặng đi một lúc rồi cũng trấn tĩnh dặn dò mọi người đừng cho cha mẹ chồng biết để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Người phụ nữ có tinh thần thép ấy vẫn bình tĩnh nấu bữa cháo sáng cho cha mẹ, đưa con tới trường rồi tìm cách liên lạc với đơn vị để xác nhận thông tin chắc chắn chồng mình vẫn an toàn.

Khi ấy, Thiếu tá Phạm Công Phán đã là Đại tá, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, nhưng không phải vì là lãnh đạo mà thời gian đi biển của ông ít hơn. Trong chiến dịch CQ88, ông đích thân chỉ huy nhiều đoàn làm nhiệm vụ đi xây dựng và bảo vệ chủ quyền, hoàn thành cấp tốc hàng loạt nhà cao cẳng rồi mới bàn giao lại cho đồng đội tiếp quản. Thời gian dành cho gia đình gần như không có.

Tới năm 1991, ông chính thức nghỉ hưu vì mất sức do chấn thương. Vậy là suốt 20 năm đầu sau cưới, thời gian ông chung sống cùng vợ chỉ đếm trên đầu ngón tay, tính số ngày chưa được 2 tháng. Cũng là 20 năm tuổi xuân của bà vò võ một mình trông con, đợi chồng, từ kháng chiến chống Mỹ cho tới cắm mốc Trường Sa xây dựng chủ quyền.

img
Bà Lưu Thị Mị rưng rưng khi kể về những chuỗi ngày xưa cũ

Tết đầu tiên xa chồng của người vợ lính biển

Khi mới bước vào đời, cô Phạm Thị Vân là một công nhân may của Công ty CP Thương binh 27/7. Sống trong môi trường của những người lính, cô hiểu và thông cảm cho những hi sinh và vất vả mà bộ đội phải trải qua, nhưng ít ai ngờ, mối duyên của cô với bộ đội không chỉ dừng lại ở công việc.

Tình cờ quen Thượng úy Bùi Đức Hường trong kỳ nghỉ phép, trước khi quyết định đi tới hôn nhân, cô đã nghĩ tới những viễn cảnh của người vợ lính Trường Sa quanh năm vò võ một mình, với những khó khăn vất vả của một người phụ nữ không có chồng bên cạnh, nhưng rồi cô chấp nhận.

Tháng 10/1989, cô chính thức trở thành vợ của người lính biển - Thượng úy Bùi Đức Hường, khi đó là Phó chỉ huy đảo Đá Nam. Kết hôn chưa được bao lâu thì chồng lại lên đường làm nhiệm vụ.

Ngày cô sinh con đầu lòng, chỉ có cha mẹ ở bên, cũng không có điện thoại để dễ dàng liên lạc như bây giờ. Nhận được tin con chào đời từ bức thư của bố vợ nhưng phải đến năm tháng sau vị Đảo phó mới được về thăm con.

Cái Tết đầu tiên của hai mẹ con không trọn vẹn vì thiếu vắng người đàn ông của gia đình. Bánh chưng bớt đi một cặp, mâm cơm bớt đi một bát… Cách xa trăm hải lý cũng không thể gửi quà gì cho chồng, mình chỉ biết dồn hết tình cảm cho con, lấy việc chăm con làm niềm vui để khỏa lấp sự trống vắng.

img
Đời thủy thủ gắn liền với con tàu và những cơn sóng dữ

Và khi có “vé thăm nhà” thường xuyên

Kể từ khi sóng điện thoại vươn tới Trường Sa, việc liên lạc với đất liền không phải trông chờ vào những lá thư tay gửi theo tàu nữa. Những người thủy thủ như anh Nguyễn Sỹ Hà, Trưởng ngành tổng hợp tàu HQ-571, đều coi sóng điện thoại là sợi dây kết nối với đất liền, là một tấm vé thăm gia đình.

Là một người lính hải quân trên con tàu nhận nhiệm vụ tiếp tế lương thực và đưa khách tới thăm, làm việc tại Trường Sa, thời gian của anh Hà hầu như gắn bó với tàu, lênh đênh trên biển. Mỗi chuyến đi của anh kéo dài từ 7 - 20 ngày, có chuyến kéo dài cả tháng, cập bến rồi lại nhận nhiệm vụ lên đường.

Trong một nhiệm vụ cách đây chừng 4 - 5 năm, khi còn cách đất liền nửa ngày đi biển, anh Hà gọi điện gấp cho tôi để nhờ đặt một chuyến bay sớm nhất về quê. Đó cũng là khi chị Võ Thị Thảo, vợ anh đang mang thai tháng thứ 6 nhưng không thành phải đưa vào viện mổ cấp cứu. Ngay khi tỉnh lại, chị vẫn luôn miệng nhắc gia đình giấu tin để anh Hà yên tâm công tác… Làm vợ của người lính Trường Sa là thế, trước khi nghĩ cho mình, luôn phải nghĩ cho đơn vị, cho nhiệm vụ. Dẫu có mất mát đau đớn cũng sẵn sàng chống chọi một mình.

Hiện nay, gia đình anh Hà đã có thêm một bé trai thông minh, lém lỉnh. Chị Thảo luôn muốn con được gần gũi cha nên ngày nào cũng tranh thủ gọi điện để hai bố con nói chuyện. Từ khi Trường Sa được nâng cấp mạng 3G, những cuộc điện thoại bằng video cũng phổ biến hơn. Đó không chỉ là cuộc điện thoại mà còn là chiếc cầu xóa nhòa sự lạ lùng giữa đứa trẻ và người bố đi xa.

Mỗi kỳ nghỉ phép, anh Hà luôn cố gắng dành trọn thời gian cho con nhưng sau mỗi kỳ nghỉ vẫn lại là nỗi buồn một cuộc chia ly. Mỗi lần đi anh lại dặn con:

“Con yêu ơi... nín đi con đừng khóc
Bố muốn hôn con trước lúc lên đường!
Hãy thay bố lau nước mắt mẹ rơi,
Để bố vững lòng, đạp sóng ra khơi...”.

Cuộc sống của những người lính hải quân bây giờ so với thế hệ của Đại tá Phạm Công Phán hay Đảo phó Bùi Đức Hường đã tốt hơn rất nhiều. Nhưng nỗi khổ của những người vợ lính hải quân vẫn như thế. Vẫn là những ngày vò võ chờ chồng, những bữa cơm thiếu người đàn ông, vẫn là những lúc ốm đau tự chăm mình trước hết hay những khi sinh con không có chồng bên cạnh. Họ chưa từng ra trận, nhưng họ là những nữ tướng giữ sự bình yên ở quê nhà, cho tiền tuyến chắc tay súng bảo vệ Trường Sa.

Với ba người phụ nữ, tôi đều hỏi, khổ như vậy, buồn tủi như vậy, nếu chọn lại thì có chọn lấy lính Trường Sa không? Nghe vậy, bà Mị chỉ cười rồi đọc cho tôi nghe đoạn thơ:

“Em chẳng lấy chồng bộ đội đâu
Lấy chồng bộ đội chán như ngâu
Một năm về phép gặp nhau mười ngày
Thế rồi bấm đốt ngón tay
Bao giờ lại đến tháng rầy sang năm
Trời càng rét càng nằm càng nhớ
Có ai thấu cho cảnh chị em…”.

Bà Mị khẳng định nếu thời gian quay ngược trở lại vẫn một lòng yêu thương và tự hào với những gì chồng mình đã chiến đấu và cống hiến. Và cô Vân hay chị Thảo cũng chỉ là hai trong số rất nhiều “nữ tướng Trường Sa” trên đất nước này. Họ hầu hết đều là những phụ nữ dịu dàng nhưng rất đỗi mạnh mẽ, chấp nhận và hy sinh để nơi khơi xa không vang tiếng súng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.