Thể thao

Những ông bầu thể thao và văn hóa… tháo chạy

13/01/2016, 14:24

Đừng hỏi tại sao với thể thao Việt Nam, các ông bầu cứ đến rồi đi như chưa hề có cuộc kết duyên nào.

bau-thuy-hinh-anh
Khi cảm thấy bóng đá hết giá trị lợi dụng, bầu Thụy nhanh chóng phủi tay và không còn xuất hiện trong đời sống bóng đá nước nhà

Dạo gần đây, làng bóng chuyền được phen rúng động bởi ngay trước thềm mùa giải 2016, hàng loạt đội bóng đã và đang ngấp nghé giải thể. Trong số đó, bất ngờ lớn nhất là Đức Long Gia Lai - CLB vốn được đánh giá giàu tiềm lực tài chính. Cách đây 7 năm, ông bầu Bùi Pháp, Chủ tịch Tập đoàn Đức Long Gia Lai từng tuyên bố sẽ gắn bó lâu dài với bóng chuyền nhưng giờ cũng chính ông vứt bỏ “đứa con” tinh thần của mình.

Lý do mà ông Pháp đưa ra là vì những “chuyện tế nhị” chứ không phải chuyện tiền bạc. Chẳng biết ông Pháp và cộng sự có gì khó nói đến mức phải giải thể đội bóng. Tuy nhiên, trước mắt có thể nhìn thấy cả mấy chục con người từ cầu thủ, BHL, nhân viên vẫn chưa biết đi về đâu.

Thực ra, thể thao Việt Nam chẳng hiếm chuyện một doanh nhân nổi hứng đầu tư rồi nhanh chóng rút lui bất ngờ không kém cách họ đến. Tiêu biểu như bầu Thụy - người từng làm mưa làm gió ở V-League với đội bóng XMXT Sài Gòn được mua lại từ một bầu khác là bầu Thọ. Trước khi biến XMXT Sài Gòn trở thành một trọc phú, ít người biết đến danh tiếng của bầu Thụy cũng như Tập đoàn Xuân Thành. Nhờ bóng đá, bầu Thụy đã được quá nhiều thứ, đáng kể nhất là độ phủ sóng của doanh nghiệp do ông làm chủ.

Thấy bảo trước khi lập nghiệp ở Sài Gòn, bầu Thụy từng thất bại khi đầu tư vào bóng đá Hà Tĩnh, ấy vậy mà doanh nhân quê Ninh Bình vẫn được Hà Tĩnh tạo điều kiện thâu tóm hàng loạt dự án béo bở ven biển địa phương này. Khi cảm thấy bóng đá hết giá trị lợi dụng, bầu Thụy nhanh chóng phủi tay và không còn xuất hiện trong đời sống bóng đá nước nhà.

Tất nhiên, bầu Long, bầu Thụy không thể đại diện cho toàn bộ những doanh nhân đầu tư vào thể thao Việt Nam. Vẫn còn rất nhiều có tâm, thực sự muốn góp sức cho thể thao Việt Nam. Bầu Đức, bầu Hiển nằm trong số này. Ấy thế nhưng chẳng ai dám khẳng định bầu Đức hay bầu Hiển đơn thuần chỉ vì tình yêu bóng đá. HAGL từ một doanh nghiệp địa phương vươn mình trở thành một tập đoàn có danh tiếng bao trùm ba nước Đông Dương. Ngân hàng SHB hay Tập đoàn T&T cũng phát triển chóng mặt nhờ thành tích của Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng trên sân bóng.

Xét đến cùng sự việc, các doanh nhân khi bỏ tiền làm thể thao đều ít nhiều tính đến lợi ích kinh tế họ thu được. Chẳng ai chịu ném ra cả vài chục tỷ một mùa chỉ để thỏa mãn đam mê. Khác nhau là ở chỗ cách làm của mỗi người có đem lại thành công hay không. Nếu thất bại về mặt chuyên môn, trên thương trường những doanh nhân cũng méo mặt.

Vì thế, nên đừng hỏi tại sao với thể thao Việt Nam, các ông bầu cứ đến rồi đi như chưa hề có bất cứ cuộc kết duyên nào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.