Showbiz

Những “ông hoàng”, “bà chúa” nhặt ve chai, phụ hồ mưu sinh

20/01/2023, 07:00

Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ với những vai ông hoàng, bà chúa, người nghệ sĩ cũng có những nỗi niềm riêng.

Nhiều người phải đi nhặt ve chai, đan mũ, phụ hồ để mưu sinh qua ngày.

Kiếp tằm vẫn mãi vương tơ

img

Nghệ sĩ Tiến Phước khi trên sân khấu và hình ảnh khi nhặt ve chai mưu sinh

Gương mặt gầy hốc hác, vóc dáng mảnh khảnh, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng kể, cuộc đời bà rơi vào những nốt trầm khi tuổi cao, giọng hát không còn khỏe như hồi còn trẻ.

Nhưng giống như con tằm phải nhả tơ, làm nghệ sĩ không thể rời xa ánh đèn sân khấu, bà vẫn tìm cách tiếp tục tồn tại với nghề.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mẹ tôi mất vì nhiễm bệnh, các con ở xa, tôi sống một mình ở TP.HCM. Mấy tháng nay, bệnh tiểu đường trở nặng, tôi phải điều trị ở viện nhưng xin bác sĩ về nhà. Không làm ra tiền, tôi cũng không tiêu gì cả, khám bệnh có bảo hiểm y tế. Hàng ngày có hàng xóm, người dân yêu quý họ mang đồ ăn tới nhà cho, anh em nghệ sĩ cũng thương nên đỡ đần. Tôi vừa phải vay tiền một người bạn để đóng học cho cháu. Sắp tới phải đóng đợt nữa, chưa biết làm sao để xoay được. Tôi chỉ mong sức khỏe ổn hơn, có thể đi làm để trả nợ và lo cho con cháu.

Nghệ sĩ Diệp Tuyết Anh

Ở tuổi 75, nữ nghệ sĩ vốn được mệnh danh là “quái kiệt sân khấu” cải lương một thời nay phải lo toan cơm áo gạo tiền nhờ nghề gia công mũ mão, trâm cài tóc.

Vất vả là thế, vậy mà bà không nghĩ mình già rồi, vẫn là “em bé Bo Bo” ngày nào.

“Nhiều đồng nghiệp khác như chị Hồng Sáp thì làm đồ hội, chị Xuân Yến vẫn đi lãnh chầu làm bầu, chị Thanh Loan thì dạy cho các con cháu diễn xuất… tất cả đều là những niềm vui, sự lạc quan của tuổi già nghệ sĩ”, bạn diễn ăn ý một thời của cố NSND Thanh Tòng tâm sự.

Những ngày cuối năm, căn nhà chưa đầy 20m2 của nghệ sĩ Bo Bo Hoàng lúc nào cũng la liệt đồ nghề, phụ kiện và nghệ sĩ ra vào thử đồ tấp nập, cười nói, hát hò rôm rả cả con ngõ nhỏ ở TP.HCM.

“Thu nhập của nghề này tuy không cao và ổn định nhưng cũng đủ giúp tôi trang trải cuộc sống. Ban đầu, tôi tự làm mũ mão để diễn, đồng nghiệp nhìn thấy những phụ kiện đẹp quá nên nài nỉ làm cho họ dùng. Trời thương, tôi ngồi suốt ngày để thêm thắt từng hạt kim tuyến, bẻ từng sợi kẽm nhưng không thấy đau nhức, mệt mỏi, hiện tại tôi vẫn khỏe khoắn”, nữ nghệ sĩ tâm sự.

Không được may mắn như nghệ sĩ Bo Bo Hoàng, ở tuổi ngoài lục tuần, nghệ sĩ hát bội nổi danh Tiến Phước dù vất vả cỡ nào vẫn sống chết với nghề hát.

Một mình sống trong căn phòng trọ nhỏ ở TP.HCM, ban ngày ông đi bán ve chai, làm thêm nghề thợ hồ để kiếm cơm qua ngày. Tối đến ông lại thăng hoa khi khoác lên mình bộ cánh ông hoàng, dũng tướng uy nghi lẫm liệt trên sân khấu.

Cuối năm là dịp ông đi diễn nhiều nơi, có đợt kéo dài cả nửa tháng, công việc ve chai đành phải gác lại. Dù cuộc sống muôn vàn vất vả, mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn, nặng gánh tiền thuê nhà nhưng nghệ sĩ gạo cội cho biết, ông hạnh phúc vì không phải ngửa tay xin tiền cộng đồng.

“Tuổi tôi đã cao lại mắc bệnh thận khiến đôi chân bị sưng, làm việc nhanh mệt, nhưng nếu không làm thì sống thế nào đây. Đói thì đầu gối phải bò thôi. Cũng có khán giả gặp tôi cũng ngỡ ngàng vì không ngờ người nghệ sĩ họ thấy tối hôm qua trên sân khấu lại là anh thợ hồ lam lũ. Ánh mắt thương hại của họ có làm tôi trằn trọc. Nhưng tôi hiểu rằng, mình đang làm một công việc lương thiện và công việc ấy nuôi dưỡng được đam mê nghệ thuật trong tôi. Tôi chấp nhận và trân trọng nó”, nghệ sĩ vừa trò chuyện vừa sửa soạn đạo cụ, phục trang cho chuyến đi diễn kéo dài 10 ngày.

Nhọc nhằn mưu sinh

img

Nữ nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh kiếm cả cây vàng mỗi đêm giờ sống nghèo khó, cô đơn lúc tuổi già

Một đời đi hát lên xe xuống ngựa, vây quanh không biết bao nhiêu lời chúc tụng lên tới mây xanh. Thế giới màn nhung đã cho nhiều nghệ sĩ tài danh những phút giây thăng hoa và hưng phấn làm nghề. Nhưng bước ra khỏi thế giới đó, những ông hoàng, bà chúa ấy lại chịu cảnh đời hẩm hiu đơn độc tuổi về chiều.

Nằm một mình trong căn nhà nhỏ, bên cạnh là chai nước biển đang nhỏ giọt xuống cánh tay gầy gò, nghệ sĩ Diệp Tuyết Anh (vợ cũ của NSƯT Thanh Sang) nghẹn ngào: “Tôi nhớ sân khấu, nhớ đồng nghiệp vô cùng. Nhưng hoàn cảnh như giờ, tôi cũng phải đành chịu. Ai cũng có lúc lên bờ lúc xuống ruộng nhưng có lẽ cuộc đời tôi ngâm mình dưới ruộng nhiều hơn lên bờ vì phận bạc, gánh nặng gia đình, lo cho mẹ già, lo cho con mọn, cháu nhỏ nên không thể sống bằng nghề trời cho của mình từ năm 1982”.

Khi sàn diễn tắt đèn, gần 40 năm qua, bà sống nhờ cửa hàng thuê đồ cưới, thỉnh thoảng tham gia hát từ thiện, dẫu vậy vẫn ít nhiều cũng vơi bớt nỗi nhớ sân khấu.

Nhưng giờ đây, khi căn bệnh tiểu đường ngày càng trở nặng, bà không thể đi đâu xa, không thể ngồi xe máy. Công việc chở xe ôm 2 cháu học sinh gần nhà với mức lương 40.000 đồng/ngày cũng phải bỏ ngang.

Ở một nơi khác, người dân khu vực đường Trần Xuân Soạn, TP.HCM có lẽ đã quá quen thuộc với hình ảnh bà lão hơn 60 tuổi đi làm móng tay dạo, dọn nhà thuê bất kể trời nắng hay mưa.

Đó là nghệ sĩ cải lương đình đám một thời, từng kiếm cả cây vàng mỗi đêm - Hoa Mỹ Hạnh. Ở tuổi xế chiều, bà mang trong mình nhiều căn bệnh như thấp khớp, đau tim, cao huyết áp, phải uống thuốc cầm chừng, số tiền chi trả hàng tháng là hơn 3 triệu đồng.

“Từ năm ngoái đến nay, làm móng ế khách lắm. Tôi ráng làm thêm đủ việc, từ dọn nhà, giặt đồ… việc gì tôi cũng làm. Ráng làm kiếm tiền đóng tiền nhà, mua gạo, còn ăn uống thì dễ lắm, ăn tương, ăn mắm gì cũng được.

Bệnh tình tôi ngày một nặng. Chân tôi không biết bị làm sao nhưng đi không được, phải vào viện nằm hoài. Giờ tôi bị thần kinh tọa ảnh hưởng tới chân, đi nhiều thì đau lắm, phải uống thuốc suốt đời.

Tôi phải đợi khi nào có tiền mới dám vào viện lấy thuốc, nên lâu lâu mới đi một lần. Khi không có, tôi lại bỏ. Tôi cũng vừa mới ra viện nên vẫn còn yếu”, nghệ sĩ từng được săn đón một thời nghẹn ngào.

Mong năm mới được đoàn viên

“Có lúc nào, bà tự nhiên lại nhớ sân khấu không?”, nữ nghệ sĩ nói: “Nhớ lắm chứ, nghe đâu đó một câu vọng cổ là nhớ, nhưng bây giờ có cho lên sân khấu thì chắc tôi cũng hát không nổi nữa đâu”.

Mỗi khi nhắc đến Tết, khi nhiều đồng nghiệp xúng xính trên sân khấu, giọng bà lại trùng xuống. Bởi, gần 10 năm trở lại đây, cứ đến Tết, hàng xóm về quê hết, còn bà bơ vơ một mình trong căn phòng nhỏ, có người gọi đi làm móng thì bà đi. Nhìn nhà nhà người người đoàn viên, tất bật mua sắm cúng bái, mong ước nhỏ nhoi của nghệ sĩ già cũng chỉ là có đủ tiền rau, thuốc qua ngày.

Cũng chưa có kế hoạch gì cho Tết năm nay, nhưng nghệ sĩ Diệp Tuyết Anh cũng chỉ ước mơ một ngày được đi hát, được sống lại với nghề. Còn với tâm thế một người mẹ, ước mơ đoàn viên có lẽ là điều ước xa xỉ.

“Giờ tôi bệnh nằm đó, đến đi cũng phải chống gậy. Tôi chỉ mong một ngày nào đó bệnh tật tiêu trừ, gia đình mẹ con, bà cháu sống sum họp bên nhau, không cần giàu sang phú quý, vậy là đủ”, nữ nghệ sĩ tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.