Bạn cần biết

Những sai lầm khi tập thể thao chữa đau cơ xương khớp

16/11/2017, 07:35

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh cơ xương khớp là 1 trong 10 nguyên nhân gây tàn phế.

18

Tập yoga không đúng cách cũng gây bệnh lý xương khớp - Ảnh: Tạ Tôn

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh cơ xương khớp là 1 trong 10 nguyên nhân gây tàn phế. Theo các bác sỹ, lựa chọn môn thể thao và tập luyện phải đúng cách, nếu sai sẽ gây ảnh hưởng đến dây chằng, dây khớp.

Tập yoga chữa đau lưng lại thành thoát vị đĩa đệm

Ở tuổi 33, chị Nguyễn Thanh An (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên bị những trận đau lưng hoành hành. Cũng chiếu chụp thăm khám nhưng không phát hiện ra nguyên nhân, chị An cho biết: “Có những ngày mình có cảm giác gãy đôi tấm lưng”. Nghe lời khuyên của đồng nghiệp luyện tập yoga giúp cải thiện, thậm chí hết hẳn căn bệnh đau lưng, chị An đăng ký lớp tập tranh thủ buổi trưa. Thế nhưng, sau gần tháng luyện tập miệt mài, lưng vẫn đau mỏi, thậm chí còn không thể ngồi thẳng lưng. Đến khi đi thăm khám, chị An được bác sĩ chẩn đoán thoát vị đĩa đệm mà nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những lần gắng sức tập yoga chưa đúng động tác.

Còn chị Nguyễn Thùy Linh (Đống Đa, Hà Nội), khá tự ti với cơ thể có phần quá khổ, nặng chừng 65kg nhưng chỉ cao 1m55. Chị quyết tâm tập thể dục với cách mỗi ngày đi lên đi xuống 3 tầng nhà khoảng 20-25 lần, kết hợp với 2 buổi rumba mỗi tuần. Sau 1 tháng, trọng lượng có giảm nhưng lại vô cùng đau nhức vùng khớp gối. Chị Linh cho hay: “Khi đi khám bác sĩ đã yêu cầu tôi dừng ngay phương pháp luyện tập này. Vì đây là nguyên nhân gây nên cơn đau khớp gối. Theo giải thích của bác sĩ, do mình béo phì, nên khi đi xuống trọng lượng cơ thể dồn vào xương chày khớp gối càng làm mòn khớp, gây đau khớp”.

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến sáng 15/11 về bệnh cơ xương khớp, PGS.TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay, mới đây ông cũng vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân đến khám vì đau lưng. May mắn, người này không có tổn thương tủy sống nên điều trị được. Qua tìm hiểu tiền sử được biết bệnh nhân thường xuyên tập yoga. Theo ông Hùng, mỗi phương pháp như yoga, châm cứu bấm huyệt... đều có tác dụng chữa bệnh, tuy nhiên kỹ thuật phải đúng, nếu không sẽ để lại hậu quả. Còn theo chị Hoàng Thị Mai Dung, huấn luyện viên yoga, tập yoga giờ là xu hướng được mọi người yêu thích và phù hợp với nhiều lứa tuổi, giúp chắc khỏe xương khớp, giảm nhức mỏi đau vai gáy cổ và tăng miễn dịch cơ thể nếu luyện tập kiên trì. “Tuy nhiên, một số bạn tập luyện không được hướng dẫn với huấn luyện viên có kinh nghiệm và nôn nóng so sánh cơ thể mình với cơ địa người khác nên có thể bị chấn thương. Nhất là ở tư thế lộn ngược đầu, đảo ngược, do kỹ thuật tiết cơ chưa tốt sẽ gây chấn thương đốt sống cổ hoặc nếu ngả trước, ngả sau quá sâu, cũng có thể dẫn đến đau các khớp”, chị Dung cho biết.

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Mai Hồng, Trưởng khoa Cơ Xương Khớp, BV Bạch Mai, lựa chọn môn thể thao và tập luyện phải đúng cách, nếu sai sẽ gây ảnh hưởng đến dây chằng, dây khớp. Chính vì vậy, ví như tập tạ không đúng có thể chèn ép đĩa đệm, gây đau thần kinh tọa. Hay bệnh nhân đang đau khớp mà đi bộ, sẽ làm các đầu xương chèn ép vào nhau gây chèn dịch khớp, càng đau hơn…

Bệnh cơ xương khớp ngày càng trẻ hóa

Theo PGS.TS. Nguyễn Mai Hồng, bệnh cơ xương khớp là bệnh lý thường gặp ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên người lớn tuổi thường mắc các bệnh như thoái hóa khớp, loãng xương, viêm khớp dạng thấp. Hiện nay, bệnh lý cơ xương khớp ngày càng trẻ hóa, thậm chí có bệnh nhân mới 35 tuổi đã bị thoái hóa khớp. Nguyên nhân do chế độ sinh hoạt, lao động không hợp lý dẫn tới đau cột sống thắt lưng cấp tính, thoái hóa khớp, bệnh lý đau quanh khớp vai, đau các điểm bám gân. Một nguyên nhân nữa là do chế độ ăn không hợp lý ở người trẻ, uống nhiều rượu, bia, đây là yếu tố nguy cơ gây bệnh lý về gút hoặc chơi thể thao không đúng, có thể gây đau cột sống thắt lưng cấp, nếu không điều trị đúng sẽ tiến triển thành đau cột sống thắt lưng mạn tính…

Theo cảnh báo của TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc BV Y dược học cổ truyền, hiện nay nhiều người có quan niệm sai lầm “cứ hết đau nghĩa là khỏi bệnh”, do vậy khi các cơn đau xuất hiện thì lại tìm kiếm các sản phẩm nhận thấy giúp giảm đau nhanh để chữa trị, mà không biết rằng đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho khớp bị thoái hóa ngày càng nặng lên. “Hiện nay, có không ít sản phẩm chỉ tập trung giải quyết cơn đau, thậm chí là thuốc đông dược tưởng chừng an toàn cũng có trộn lẫn corticoid, không thể giải quyết được tận gốc bệnh khớp mà chỉ che lấp triệu chứng, xua tan cơn đau, còn căn nguyên của bệnh vẫn vậy. Chính vì vậy, người bệnh cần tìm đến cơ sở y tế uy tín, tìm đúng nguyên nhân gây bệnh để điều trị tận gốc”, ông Cảnh cho hay.

Theo khuyến cáo của bà Nguyễn Mai Hồng, để phòng bệnh cơ xương khớp, mọi người cần thực hiện chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, lao động hợp lý. Ví như nếu ngồi máy tính nhiều, phải tập các động tác cổ, ngửa, nghiêng, quay, ngồi phải thẳng lưng; đôi khi phải đứng dậy đi lại vận động để làm dịch khớp lưu thông, tránh hiện tượng quánh dịch khớp gây đau khớp và giúp kích thích sản xuất các thành phần khác trong ổ khớp như axit hyaluronic, glucosamin.  

Với những người mắc bệnh khớp, cần dùng thuốc bổ sung các thành phần trong ổ khớp như collagen, axit hyaluronic, glucosamin và một số yếu tố vi lượng khác. Cần bổ sung chất dinh dưỡng cho khớp từ sớm để tránh thoái hóa khớp tiến triển. “Hiện nay, có khá nhiều bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi đã bị thoái hóa khớp, vì vậy cần bổ sung dịch khớp kịp thời để tránh thoái hóa khớp sau này”, bà Hồng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.