Giao thông

Những sáng kiến làm lợi tiền tỷ của kĩ sư điện tàu thủy

12/11/2018, 07:59

Dù đã ngoài 50 tuổi, nhưng ông Truyền năm nào cũng có không chỉ một mà nhiều sáng kiến ứng dụng...

16

Kĩ sư điện tàu thủy Nguyễn Thế Truyền (trái) lăn lộn cùng anh em lao động tại phân xưởng, xử lý các vướng mắc về kĩ thuật

Năng suất tăng 20 lần nhờ cải tiến máy cắt Plasma

Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long Nguyễn Thế Anh có lần nói với tôi, điều quý giá nhất của những người làm nghề đóng tàu là đam mê sáng tạo. Bởi, nếu không có sáng tạo, đổi mới công nghệ sẽ nhanh chóng bị tụt hậu và không theo kịp công nghệ đóng tàu luôn đổi mới và thay đổi từng ngày trên thế giới.

Ông Thế Anh hồ hởi khoe, đơn vị luôn có một đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm, nỗ lực cống hiến và sáng tạo. Nổi bật trong đó là Phó phòng Kĩ thuật công nghệ Nguyễn Thế Truyền. “Năm nay đã 54 tuổi, nhưng anh Truyền năm nào cũng có không chỉ một mà nhiều sáng kiến và luôn đứng đầu công ty trong phong trào sáng kiến hợp lý hóa sản xuất. Sáng kiến nào cũng gắn liền với thực tiễn sản xuất, có tính ứng dụng rất cao, đem lại lợi lớn cho công ty và người lao động”, ông Thế Anh khoe và cho biết thêm, nếu chỉ tính các sáng kiến tính được giá trị làm lợi về kinh tế, tiết kiệm chi phí, riêng giai đoạn 2013-2017, kỹ sư Truyền đã có 9 sáng kiến, tiết kiệm được cho đơn vị khoảng 1,2 tỷ đồng.

Kỹ sư Nguyễn Thế Truyền nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp; 3 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng khen “Lao động sáng tạo” các năm 2010, 2011, 2017. Năm 2018, anh được Tổng Liên đoàn Lao động VN trao “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. 

Nói về những sáng kiến của mình, kỹ sư Nguyễn Thế Truyền chia sẻ, đều do xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công việc, cần thay đổi để hiệu quả hơn. Điều đó thôi thúc anh và đồng nghiệp phải cải tiến, tìm ra giải pháp mới.

Nổi bật nhất trong số các sáng kiến cải tiến của kỹ sư Truyền thiết kế chế tạo máy cắt ống bằng Plasma 166. Trong hoạt động đóng tàu thủy, việc thi công hệ thống các loại ống trên tàu gồm nhiều chủng loại, trong đó nhiều ống có đường kính to, chiều dày lớn. Nếu dùng cưa máy cắt ống, năng suất thấp, điện năng tiêu thụ lớn, lại không thể vát được mép ống.

“Tôi nhận thấy việc cắt ống quá mất thời gian, để cắt được một mạch ống phải mất đến 20 phút, trong khi công việc đang gấp rút, chưa đáp ứng được tiến độ. Vì thế, tôi nghĩ ngay đến việc chế tạo máy cắt ống bằng máy cắt Plasma. Ban đầu, tôi cũng chỉ dám nghĩ là làm sao cắt ống cho nhanh, nhưng trong quá trình chế tạo, thử nghiệm lại muốn thiết kế máy “vạn năng” để có thể cắt được nhiều loại ống khác nhau mà không phải thêm một tác nghiệp nào nên đã điều chỉnh cho máy hoàn thiện hơn”, ông Truyền kể.

Máy cắt Plasma ngay sau khi được chế tạo và đưa vào vận hành lập tức mang lại hiệu quả không ngờ. Năng suất lao động tăng gấp 20 lần trước đây, tiết kiệm được 30% điện năng. Máy cắt Plasma còn cắt vát được mép ống, dễ thi công, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và tăng tính thẩm mĩ trong gia công hệ ống tàu thủy. Chỉ riêng sáng kiến này đã làm lợi cho công ty cả trăm triệu đồng và được sử dụng rộng rãi, lâu dài cho việc thi công các sản phẩm khác sau này.

Một sáng kiến khác của kỹ sư Truyền được những người trong ngành đóng tàu đánh giá rất cao là việc hoán cải máy hút thuốc hàn thành máy thổi khí và ứng dụng để phục vụ việc thử hơi, thử kín két trên các sản phẩm. Trước đây, khi thử kín đường hàn các két như két dầu, két nước tàu thủy, phải chạy trạm khí nén công suất lớn cung cấp khí nén qua đường ống dài dẫn đến vị trí cần thử két, gây tốn kém lớn về điện năng và nhân công trực trạm nén khí cũng như chi phí trang bị đường ống dẫn khí vì có đường ống dài hàng km.

Cùng đó, khi qua đường ống dài, áp suất khí nén bị giảm. Vì vậy, nhiều khi thử két nhỏ vẫn phải bật máy công suất lớn, lên đến 110KW hoặc 250KW. Sau khi nghiên cứu, kỹ sư Truyền có sáng kiến tưởng chừng rất đơn giản nhưng hiệu quả tức thì là tận dụng máy hút bụi khí hàn không còn sử dụng để chế tạo thành máy thổi, lắp thêm biến tần tăng áp suất khí thổi, phục vụ thử kín két trên tàu.

Máy thổi do kỹ sư Truyền chế tạo có thể di chuyển dễ dàng đến vị trí cần thao tác nên rất cơ động, tạo áp suất phù hợp với nhu cầu thực tế; Ưu điểm nổi bật của chiếc máy thổi này là tiết kiệm đến 96% điện năng tiêu thụ so với việc dùng máy nén khí và tiết kiệm được hàng chục nhân công trực máy, rút ngắn được 1/2 thời gian thử két.

Người “hồi sinh” máy móc

Theo ông Nguyễn Thế Anh, không chỉ nhiều sáng kiến, kỹ sư Truyền còn là một trong những kỹ sư nhiều kinh nghiệm, có thể “hồi sinh” bất kỳ máy móc, thiết bị nào khi có sự cố, hư hỏng. “Hàng trăm máy móc, thiết bị của nhà máy, tình trạng thế nào, thông số kĩ thuật, hiện trạng như thế nào, vận hành ra sao, anh Truyền đều thuộc như đếm. Mỗi khi máy móc “mắc bệnh” gì hay trục trặc, vào tay anh Truyền là lại chạy mượt mà như mới”, ông Thế Anh chia sẻ.

Anh Trần Văn Khánh, Tổ trưởng Tổ điện vận hành chia sẻ thêm, anh Truyền không chỉ nhiệt huyết với công việc mà luôn tận tình với anh em ở hiện trường. Mỗi khi gặp trục trặc, người đầu tiên chúng tôi gọi trợ giúp luôn là anh Truyền.

Máy móc, thiết bị trong lĩnh vực đóng tàu rất hiện đại, nhưng cũng không ít lần dở chứng. Chỉ cần ngưng chạy vài giờ là đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đơn vị. Hơn nữa, máy móc trục trặc còn có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ bàn giao những con tàu hàng trăm tỷ cho đối tác. “Việc “chẩn đoán” chính xác lỗi kĩ thuật lúc này là vô cùng quan trọng, nếu xác định lỗi không đúng sẽ tháo sai bộ phận, vừa mất công, thời gian có thể kéo dài nhiều ngày. Những lúc như vậy, chúng tôi lại phải gọi trợ giúp từ anh Truyền”, anh Khánh nói.

Logo tai tro Dang baso DT

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.