Thời sự

Những sáng kiến mang thương hiệu Điện Biên Phủ

28/04/2014, 18:38

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), công tác hậu cần có vai trò đặc biệt, đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch.

Sáng kiến bếp Hoàng Cầm hiện nay vẫn đang được các đơn vị sử dụng trong huấn luyện dã ngoại.
Sáng kiến bếp Hoàng Cầm hiện nay vẫn đang được các đơn vị sử dụng trong huấn luyện dã ngoại.


Bếp Hoàng Cầm

Ra đời từ Chiến dịch Hòa Bình (1951-1952), được áp dụng rất phổ biến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bếp do anh nuôi Hoàng Cầm chế tạo. Ông nguyên là tiểu đội trưởng nuôi quân của Đội điều trị 8, Sư đoàn 308. Bếp có nhiều đường rãnh thoát khói, nối liền với lò bếp, bên trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khói từ trong lò bếp bốc lên qua các đường rãnh chỉ còn là một dải hơi nước và tan nhanh khi rời khỏi mặt đất. Do đó, có thể nấu bếp ban ngày, tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao.

Sự xuất hiện của “Xe đạp thồ”


Đây là phương tiện vận tải có số lượng đông đảo nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, ta đã huy động hơn 21.000 xe đạp thồ làm các nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, thương binh. Để tăng thêm khả năng chuyên chở, lực lượng dân công đã nối một đoạn tre nhỏ và chắc dài khoảng 1m vào ghi-đông xe (gọi là “tay ngai” để điều khiển); buộc một đoạn tre cao hơn yên khoảng 50cm để cầm được buộc vào trục yên xe (có tác dụng vừa giữ thăng bằng vừa đẩy xe đi) và hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ vào khung xe, tạo sự chắc chắn.

Lốp của xe cũng được quấn thêm vải lự, quần áo cũ, săm cũ…nhằm tăng độ bền. Nhờ các sáng kiến này, trọng tải của xe được tăng dần lên, có thể chở được gần 300kg, hoặc 2 thùng phuy nhiên liệu loại 150 lít, hoặc 15 - 20 can loại 20 lít (thời gian đầu, mỗi xe chỉ chở được 80-100kg). Đặc biệt, 2 xe đạp thồ khi gá lại có thể chở được 2 thương binh nặng (nằm) và 4 thương binh nhẹ (ngồi).

Một số xe có đi-na-mô phát điện còn được sử dụng để chiếu sáng cho các thầy thuốc phẫu thuật trong đêm. Loại xe này có lợi thế là không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, ngụy trang và có thể đi lẻ hoặc thành đoàn trong mọi điều kiện thời tiết. So với vận tải bằng gánh gồng, mang vác, xe đạp thồ có năng suất gấp 7-8 lần.

Một số dân công đã đạt “kỷ lục” về thồ như dân công Nguyễn Văn Ngọc (Thanh Hóa) thồ được 320 kg/chuyến, dân công Ma Văn Thắng ( Phú Thọ) có chuyến chở 325 kg hàng, tức là gấp 13 lần một người gồng gánh. Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương. Mỗi đoàn có nhiều trung đội, đại đội (trung bình từ 30-40 xe).

Mỗi trung đội, đại đội lại chia thành các nhóm khoảng 5-6 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, qua dốc. Trung đội nào cũng có một xe chuyên chở đồ nghề, phụ tùng thay thế, bếp than để sửa chữa và vá chín; đêm đi, ngày nghỉ.
 

Hình ảnh chiếc xe đạp thồ
Hình ảnh chiếc xe đạp thồ


Sáng kiến “làm giá đỗ trên vai”

Để giải quyết luôn luôn có rau tươi, các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã nghĩ ra sáng kiến lấy đỗ xanh ngâm giá trong thùng sắt tây, đậy bằng lá tre nứa hoặc vầu gánh đi đường. Quá trình đi, đỗ phải có đủ nước, khi rét, phải đun nước ấm cho đỗ dễ nẩy mầm. Mỗi mẻ giá đỗ ngâm thường từ 5-7 ngày là được ăn.

Cách làm này đã giải quyết được một phần lượng rau xanh tại chỗ, bảo đảm bữa ăn tươi cho bộ đội. Từ cách làm của Đại đội 65K- Trung đoàn 88, sáng kiến này đã được áp dụng rộng rãi trong tất cả các đơn vị tham gia chiến dịch.

Cách tổ chức tuyến cung cấp độc đáo của hậu cần chiến dịch

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác hậu cần được bảo đảm theo tuyến: Tuyến Tổng cục và đại đoàn bảo đảm cung cấp gạo, một phần thực phẩm khô (đỗ lạc, cá khô) và một số gia cầm. Các trạm bố trí với cự ly trung bình 3 ngày đường (tính cả ngày đi và ngày nghỉ).

Cách tổ chức lĩnh lương thực của trung đoàn: Ban cung cấp trung đoàn cử một cán bộ quân lương và mỗi đại đội cử 4-5 người mang theo bao gạo thu của bộ đội (đủ với số lượng định lĩnh) đi trước đơn vị khoảng 5 giờ. Bộ phận này đến kho nhận gạo thực phẩm đóng vào bao rồi sắp xếp từng đống ở cạnh đường, khi đơn vị đi qua anh em ghé vào vác đi, do đó không làm ảnh hưởng tới tốc độ và thời gian hành quân.

Nếu trên phát lợn, gà (lợn thường rất gầy), để tránh mang vác cồng kềnh, tiếng kêu lộ bí mật và súc vật gầy thêm, từng bếp cho mổ làm thịt ướp muối hoặc diêm tiêu, rán mỡ đổ vào thùng gánh theo ăn dần.

Phương pháp tiếp phẩm “đuổi theo”

Việc tiếp phẩm đuổi theo do cấp trung đoàn phụ trách, tổ chức theo hình thức: Một bộ phận chăn dắt bò có 3 người (lấy ở đại đội vận tải) làm nhiệm vụ chăn và đuổi bò theo đơn vị. Quãng đường nào kín đáo thì theo gần đội thu dung, còn thường là đi sau đơn vị nửa ngày, đến ngày nghỉ bò kịp tới và mổ cho đơn vị ăn. Để bò không bị gầy vì phải đi nhiều, những lúc nghỉ anh em tìm bãi cỏ cho bò ăn, đồng thời tranh thủ cắt thêm cỏ dự trữ cho bò.

Đắp lò nung vôi, sản xuất bông băng tại chỗ

Vào khoảng tháng 3 gần cuối chiến dịch, việc tiếp tế từ hậu phương ra tiền tuyến gặp nhiều khó khăn. Bình thường những chuyến xe chở thuốc đi hết một tuần lễ, nay phải đi hàng tháng. Do đó, lượng bông băng bị thiếu nên phải dùng khăn mặt của quân nhu thay bông. Trước tình hình đó, ngành quân y đã có sáng kiến bằng cách mua bông thô tại chỗ, sau đó đắp lò nung vôi, lò nấu bông kiểu dáng như bếp Hoàng Cầm. Nhờ vậy đã sản xuất được bông hút nước, phục vụ kịp thời cho chiến dịch. Sáng kiến đắp lò nung vôi còn giúp chiến sĩ quân y có vôi sống làm công tác tẩy uế. Ngoài ra anh em còn lấy dù cắt ra làm băng. Trong chiến dịch, Đại đoàn 316 đã tự sản xuất được 1.000 cuộn băng và 1.715 băng vải màn.

Những khẩu hiệu chuyển thương độc đáo

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác chuyển thương gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, các đơn vị đã đề ra khẩu hiệu “mỗi xe ô tô là một bệnh xá lưu động” nhằm giáo dục lái xe có ý thức đi êm để thương binh đỡ đau. Trong việc cáng bộ, anh em đã đề ra khẩu hiệu“một tổ cáng là một gia đình thân yêu”, gây được tình đoàn kết giữa thương binh và dân công.

Trong điều kiện trời mưa nhiều, dân công đã phát huy sáng kiến làm mui cáng cho thương binh; khung làm bằng tre, khi mưa nắng thì che nilon hoặc lợp lá nên thương binh không bị ướt, không bị nắng, lúc thường lại bỏ ra cho thoáng.

Sáng kiến làm lán cho bộ đội ở

Trong chiến dịch, bộ phận tiền trạm có nhiệm vụ tìm chỗ trú quân, sắp xếp đội hình bố trí nơi ở, phân phối phạm vi cho từng đơn vị, nghiên cứu trinh sát, vệ sinh. Để bộ đội có thể nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe, anh em chọn chỗ trú quân không gần nơi suối chảy mạnh. Khi làm lán, thiết kế chỗ nằm làm thành sàn cao, bằng cách dùng cành cây, lót lá khô, mái lợp bằng lá, phủ vải bạt hoặc ni lông để che được mưa, bộ đội nằm vừa êm vừa ấm. Xung quanh lán phát quang độ 1,5m để chống vắt muỗi và rắn rết.

Sáng kiến chống phồng chân, ngủ gật khi hành quân

Do bộ đội tham gia chiến dịch chủ yếu phải hành quân bộ nên trước khi hành quân, các đơn vị đã vận động anh em nên mang tất hoặc quấn vải khi đi giầy. Trường hợp giầy chật hoặc rộng, tổ chức đổi lẫn nhau trước khi đi. Ngoài ra, mỗi người tự khâu thêm cổ giầy để bảo đảm đi đêm đường lầy lội không tụt và dễ đi.

Để chống ngủ gật khi hành quân đêm, các đơn vị đã khắc phục bằng cách: Ban ngày bộ đội ngủ nhiều; khi hành quân nếu điều kiện cho phép có thể để anh em kể chuyển vui, hát hò hoặc tổ chức tranh luận; cho ngậm kẹo; đồ mang vác theo phải bảo đảm gọn, chặt chẽ, an toàn dù chạy hay vấp ngã cũng không bị tổn thất. Quá trình hành quân, duy trì thời giờ nghỉ đều đặn: đi 1 giờ nghỉ 10 phút, giữa đường nghỉ lâu để ăn uống.

Đoạt đồ tiếp tế bằng đường không của địch

Khi trận Điện Biên Phủ diễn ra được 3 tuần lễ, vòng vây khép chặt, ta và địch kề cận nhau, có nơi xen kẽ. Lúc này, hàng vạn quân địch chỉ trông chờ vào phương tiện tiếp tế duy nhất là đường hàng không mà sân bay Mường Thanh liên tục bị ta pháo kích. Địch chỉ còn biện pháp duy nhất là huy động máy bay của Pháp, Mỹ để thả dù tiếp tế.

Về nguyên lý máy bay thả dù, muốn thả cho chính xác cần phải xuống thấp và tính được gió. Lòng chảo Điện Biên hướng Đông - Tây hẹp, chung quanh núi cao, chỉ có chiều dài theo hướng Bắc - Nam. Mà ở cả hai đầu hướng Bắc Nam, cao xạ pháo và súng phòng không của ta đã chiếm lĩnh.

Vì vậy, địch chỉ còn cách bay trên cao và thả ban đêm. Ở vùng lòng chảo lại thường có gió quẩn, nên thả bằng cách này dù rơi không chính xác và không theo chiều nhất định. Do đó, bộ đội ta chỉ cần chờ dù tiếp tế rơi xuống để nhặt về sử dụng.
 

Đoàn xe vận tải tiến ra mặt trận Điện Biên Phủ. (ảnh tư liệu)
Đoàn xe vận tải tiến ra mặt trận Điện Biên Phủ. (ảnh tư liệu)


Xuất hiện nhiều lái xe tiêu biểu về tiết kiệm và an toàn

Để tiết kiệm xăng dầu phục vụ chiến dịch, các đơn vị vận tải đã có nhiều sáng kiến tiết kiệm xăng như: Thường xuyên bảo dưỡng máy, hệ thống bơm lọc xăng sạch sẽ, thống nhất, khi xe bị lầy không rú ga mạnh... Nhờ đó, Đại đội 207 đã giành cờ thi đua tiết kiệm xăng dầu của Tổng cục Cung cấp khi rút mức tiêu thụ trung bình xuống còn 39 lít/100km ở tuyến vận tải chiến lược (mức quy định là 50lít/100km).

Trong chiến dịch, Đại đội đã tiết kiệm 5.555 lít xăng. Cũng trong chiến dịch, đã xuất hiện chiến sĩ thi đua số 1 của ngành Vận tải là đồng chí Lộc Văn Trọng. Trong suốt thời gian tham gia lái xe phục vụ chiến dịch, Lộc Văn Trọng đã lái vượt 3 vạn ki-lô-mét bảo đảm an toàn trên khắp các tuyến đường Việt Bắc, Tây Bắc, Thượng Lào, Khu 3, Khu 4...


BT (ANTV)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.