Điện ảnh

Những thước phim cuối cùng về Bác Hồ được quay thế nào?

30/08/2014, 13:19

Trong cuộc đời mấy chục năm vác máy, nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân thực hiện không biết bao nhiêu thước phim thời sự, tài liệu quý cho Xưởng phim Quân đội những năm chiến tranh...

Trung tá Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ với phóng viên hình ảnh hậu trường khi quay phim về Bác Hồ
Trung tá Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ với phóng viên hình ảnh hậu trường khi quay phim về Bác Hồ


Lên đường giữa đêm khuya...


84 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Xuân vẫn rất nhanh nhẹn và trí nhớ minh mẫn chậm rãi kể cho chúng tôi về chuyến công tác lịch sử của đời mình. Đó là vào ngày 28/8/1969, ông Xuân nhận được lệnh của Tổng cục Chính trị chuẩn bị cho việc vào Phủ Chủ tịch thực hiện nhiệm vụ. “Đây là những tư liệu mật thuộc Bộ Chính trị, nên theo nguyên tắc lúc bấy giờ chỉ duy nhất Xưởng phim Quân đội được thực hiện, tôi được giao quay phim chính, cùng đi còn có cộng sự trong xưởng phim”, ông Xuân mở đầu câu chuyện.


Rồi ông chậm rãi cho biết, khi nhận được lệnh quay phim về Bác, chuẩn bị xong máy móc, thiết bị và 12h đêm xe đưa đoàn vào cổng xanh phía sau của Phủ Chủ tịch. “Khi có người dẫn vào Phủ Chủ tịch, tôi đã linh cảm được chuyện gì, bởi lẽ, trước đó lệnh cấp trên đã yêu cầu tôi không được đi đâu xa, nếu ra khỏi cơ quan thì phải thông báo nơi đi để có việc anh em còn biết mà tìm”, ông Xuân cho biết.

Khi đó, qua thông tin mà thư ký riêng của Bác, đồng chí Vũ Kỳ thông báo cho anh em thì Bác tuy đã yếu nhưng vẫn hỏi về tình hình đất nước, đó là trận lụt tại Hà Nội đang diễn ra hay chiến sự ở miền Nam như thế nào.

Sau những thước phim cuối cùng về Bác, nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên khắp mọi miền Tổ quốc với các cảnh quay sau này được sử dụng để dựng phim Chiến thắng Quảng Trị 1972, Đại thắng mùa Xuân năm 1975; Nguyễn Viết Xuân - Nhằm thẳng quân thù mà bắn...

7h ngày 30/8/1969, theo lệnh của đồng chí Vũ Kỳ, ông Xuân được vào nơi Bác nằm, lúc này túc trực tại phòng có các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... cùng các thày thuốc chăm sóc sức khỏe cho Bác. Tại đây ông được ghi lại một số hình ảnh về việc chăm sóc cho Bác rồi lại ra ngoài.

Ngày 2 tháng 9, tại Quảng trường Ba Đình, người dân Thủ đô đã tập trung để tham dự mít tinh kỷ niệm Quốc khánh. Vào lúc 9h40, Bộ Chính trị đang họp đã nghe tin về Bác: “Mọi người òa khóc chạy xuống phòng Bác, tôi cũng vác máy quay, vừa chạy theo vừa khóc.

Tuy nhiên, tôi tự trấn tĩnh lại vì mình đang làm nhiệm vụ và không bao giờ có cơ hội sửa sai nếu để xảy ra sơ suất. Căn phòng chật, mọi người đang nhốn nháo, ai cũng ôm mặt nức nở. Thoáng tính toán trong đầu, tôi đã chọn thời điểm các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng ngồi xuống bên Bác làm vị trí thuận lợi để lấy góc máy.

Nước mắt làm nhòe hết vizer của máy quay, ngay lập tức tôi dùng phương án chuyển sang ống kính góc rộng mà trước đó mình đã khảo sát, tính toán, lấy độ nét, độ sáng rồi cứ thế quay trong hai tiếng không nghỉ, chiếc máy quay nặng đến 6 kg lúc đó trở lên nhẹ hơn rất nhiều so với lúc bình thường vì trong đầu chỉ nghĩ đến nhiệm vụ không thể bỏ lỡ một chi tiết dù là nhỏ nhất”, ông Xuân xúc động kể lại. 
 

Nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân tác nghiệp tại chiến trường
Nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân tác nghiệp tại chiến trường
Bức ảnh Trung tá Xuân chụp tại nhà sàn Bác Hồ
Bức ảnh Trung tá Xuân chụp tại nhà sàn Bác Hồ
Quay phim tư liệu về anh hùng Nguyễn Viết Xuân
Quay phim tư liệu về anh hùng Nguyễn Viết Xuân


Những ngày sau đó, Bác được đưa về Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 để làm thuốc. Ngày ấy, do chưa có phòng lạnh bảo quản thi hài nên nhà lưu giữ Bác được xây cấp tốc và đá lạnh ở nhà máy được tập trung về để bảo đảm độ lạnh.

Từ mồng 2 đến 5/9, ông Xuân được lệnh túc trực để quay phim quá trình làm thuốc: “Những thước phim về công tác làm thuốc bảo quản Bác được quay tỉ mỉ đến từng chi tiết, tuy nhiên không được công chiếu mà chỉ để phục vụ công tác nghiên cứu, khắc phục sự cố sau này liên quan đến việc bảo quản thi hài của người”, ông Xuân nói. 

Cảnh quay đã được tính trước...


8h sáng ngày 9/9, thời điểm Lễ truy điệu Bác diễn ra, lúc này, Nguyễn Thanh Xuân đã cùng máy quay thực hiện cảnh quay mà sau này được đánh giá là có một không hai trong các thước phim về Lễ truy điệu Bác.

Tại ngã tư Tràng Tiền, cảnh người dân từ những người đạp xích lô, đi xe đạp, đi bộ dừng lại bỏ mũ đứng khóc Bác một cách nghiêm trang dọc theo con phố Tràng Tiền đến Nhà Hát Lớn đã được nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân đưa vào ống kính: “Hoàn thành xong cảnh quay này, tôi lặng lẽ đi về với tâm trạng mình đã hoàn thành một tâm nguyện hết sức thoải mái. Việc quay cảnh ở Tràng Tiền đã được tôi chủ động xin với giám đốc của mình trước đó là không tham gia quay phim ở Quảng trường Ba Đình và được chấp thuận. Đây là một cảnh quay đã được tôi đoán trước và thực tế đúng như vậy”, ông Xuân nói.

7.000 m phim quay trong 4 ngày


Trở lại với những câu chuyện về quá trình tác nghiệp, ông Xuân cho chúng tôi biết chuyện ông triệt tiêu tiếng ồn của chiếc máy quay phim: “Do đặc điểm máy quay cơ của Nga tiếng kêu ào ào rất ồn, trong khi tại phòng của Bác, không gian tĩnh lặng. Vì thế, khi còn ở bên ngoài, tôi đã thử dùng túi vải loại dày bọc máy và khoét lỗ đủ để ống kính chìa ra và vizer để ngắm, vậy mà khi vào phòng, sáng kiến này cũng hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi Bác mất, mọi người cũng không ai còn tâm trí để ý tiếng ồn nữa, khi đó tôi mới bỏ ra”, ông Xuân nói.


Rồi chuyện ông mạnh dạn dùng ống kính dài têlê loại 500 thay vì 135 để “câu” các khuôn hình từ xa.


Gần hai tiếng trò chuyện, ông chốt lại với chúng tôi điều mà có lẽ ông sẽ nhớ mãi. Đó là hai kỷ lục trong đời bấm máy của ông: Thực hiện 7.000m phim trong vòng 4 ngày và kỷ lục lớn hơn đó là những thước phim ông quay từ năm 1969 nhưng năm 1990, nghĩa là 21 năm sau với hơn 7.000 ngày, ông Xuân mới được lần đầu tiên xem lại những thước phim quý giá do chính mình đã thực hiện.

Đó là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp hôn lên má Bác, cảnh các đồng chí trong Bộ Chính trị gạt nước mắt đau thương bên thi hài của Người. “Lúc này tôi mới thực sự thoải mái vì những thước phim đó là những thước phim tốt, chỉ có điều trồng cây lâu quá, hơn 20 năm mới được hái quả ngọt nên lúc nào cũng thấp thỏm”, ông Xuân ví von cùng một nụ cười.

Anh Đức - Thanh Hoa
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.