Hồ sơ tài liệu

Những tiết lộ thú vị về thiên tài vật lý Stephen Hawking

14/03/2018, 20:27

Nhà vật lý nổi tiếng thế giới Stephen Hawking vừa qua đời ở tuổi 76 sáng ngày 14/3 tại nhà riêng ở Cambridge, Anh.

Stephen Hawking

Nhà vật lý nổi tiếng thế giới Stephen Hawking

CNN đã tóm lược lại cuộc đời của nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng thế giới, nhà vũ trụ học, nhà thiên văn học và nhà toán học, Stephen Hawking.

Hawking sinh ngày 8/1/1942, tại Oxford, Anh. Cha ông là Frank Hawking, một bác sĩ và nhà sinh vật học và mẹ ông là Isobel. Sinh nhật của Hawking trùng với ngày kỷ niệm 300 năm ngày mất của nhà thiên văn học và nhà vật lí Galileo Galilei.

Tuổi thơ Hawking sống cùng gia đình trong cảnh thanh đạm. Cả gia đình thường được người xung quanh đánh giá là hết sức trí thức và có phần lập dị. Trong các bữa ăn, mỗi người cầm một quyển sách vừa ăn vừa im lặng đọc sách.

Hawking vào học tại Đại học Oxford khi mới 17 tuổi và bắt đầu nghiên cứu sinh tiến sĩ năm 1962. Không chỉ là một nhà khoa học lỗi lạc, Stephen Hawking còn cho mọi người thấy khả năng không đầu hàng số phận và tinh thần chiến đấu ngoan cường với bệnh tật.

             Các mốc thời gian

1963 - Chẩn đoán bị bệnh thần kinh vận động, chứng xơ cứng teo cơ (ALS).

1966 - Hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ về vật lý lý thuyết, đưa ra luận văn về hố đen.

1970 - Kết hợp lý thuyết tương đối với lý thuyết lượng tử và phát hiện ra rằng các hố đen phát ra bức xạ.

1979 - Trở thành Giáo sư toán học Lucas thứ 17 tại Đại học Cambridge.

1985 - Nhập viện do viêm phổi, Hawking buộc phải trải qua phẫu t khẩn cấp, bị tổn thương vĩnh viễn cho thanh quản. Một hệ thống tổng hợp giọng nói vận hành bằng bàn phím được cấy ghép và tích hợp với xe lăn đã giúp ông có thể giao tiếp được.

1988 - Cuốn sách của ông, “Lược sử thời gian: Từ Big Bang đến hố đen” được xuất bản.

2004 - Thay đổi lý thuyết 1966 rằng hố đen nuốt mọi thứ mãi mãi và tuyên bố rằng các hố đen sẽ không bao giờ hỗ trợ chuyến đi không gian tới các vũ trụ khác.

Năm 1963, Hawking mới 21 tuổi, ông được chuẩn đoán mắc bệnh thần kinh vận động, xơ cứng teo cơ (ALS). Khi đó, các bác sĩ cho rằng ông chỉ sống thêm được 2 năm nữa.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, Hawking rơi vào trầm uất. Tuy nhiên cùng thời gian đó, mối quan hệ của ông với Jane Wilde, bạn của em gái ông, tiếp tục phát triển. Hai người đính hôn vào tháng 10/1964. Chính điều này đã cho ông lý do để tiếp tục sống.

Mặc cho căn bệnh ngày càng diễn tiến xấu đi, Hawking bắt đầu khó khăn trong tự đi lại và giọng của ông hầu như không thể hiểu được, ông vẫn quay trở lại công việc với niềm hứng thú.

Ông nhận bằng tiến sĩ tháng 3 năm 1966 và nhận giải Adams (giải dành cho nghiên cứu toán học xuất sắc nhất hàng năm của Cambridge) năm đó.

Không chỉ có 2 năm như các bác sỹ chuẩn đoán, nhà vật lý học đại tài của thế giới Stephen Hawking đã kiên cường chống chọi với bệnh tật trong suốt hơn 50 năm qua.

Căn bệnh thần kinh cực kỳ nghiêm trọng đã khiến Hawking bị liệt và hoàn toàn phụ thuộc vào người khác và/hoặc công nghệ trong mọi việc: tắm, mặc quần áo, ăn uống, vận động và nói.

Nhà khoa học này chỉ có thể di chuyển một vài ngón tay trên bàn tay. Ông giao tiếp nhờ vào một hệ thống máy tính được cấy ghép vào lồng ngực.

Ông được đánh giá là thiên tài bởi những đóng góp quá lớn cho khoa học trong một cơ thể bệnh tật hiểm nghèo.

Trong số những công trình khoa học quan trọng của ông, nổi bật nhất là sự hợp tác với Roger Penrose về lý thuyết lực hấp dẫn trong khuôn khổ thuyết tương đối tổng quát và tiên đoán lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (tức bức xạ Hawking).

Cuốn sách “Lược sử thời gian” của Hawking, trong đó nêu ra Lý thuyết Vụ nổ lớn (Big Bang), đã đưa ra những lý thuyết khiến cho khoa học phải thay đổi tư duy về bản chất của vũ trụ. Cuốn sách dẫn đầu các danh sách bán chạy nhất ở Anh và Mỹ và duy trì vị trí trong nhiều năm liên tục.

Dù ra đi ở tuổi 76, nhưng tất cả người thân, bạn bè, cộng sự cùng nhiều người trên toàn thế giới sẽ nhớ mãi về Stephen Hawking – thiên tài vật lý đặc biệt trong lịch sử thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.