Xã hội

Những trải nghiệm nhớ đời khi tác nghiệp thời Covid-19

20/06/2020, 11:36

Nhiều đồng nghiệp của tôi chia sẻ, tác nghiệp mùa dịch bệnh Covid-19 mang lại quá nhiều cung bậc cảm xúc cho người làm báo.

img
Quay phim Nguyễn Văn Huy cùng ê-kíp kênh VTC14 tác nghiệp tại “ổ dịch” Bệnh viện Bạch Mai

Lo âu có, đôi khi có cả sự sợ hãi nhưng thấy hạnh phúc vì được trải nghiệm, được tường tận những điều mà chỉ dịp đặc biệt như thế mới có được.

Chuyến công tác dài ngày “tuy gần mà xa”

Trở lại với hoạt động thường nhật khi dịch bệnh Covid-19 đã tạm lắng, nhà báo Lê Nam Trung (đạo diễn, Kênh VTC 14, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) chia sẻ: “Những ngày tác nghiệp ở “ổ dịch” Bệnh viện Bạch Mai cùng các đồng nghiệp là khoảng thời gian mang lại nhiều trải nghiệm trong cuộc đời làm báo. Đó là chuyến công tác đặc biệt, dài ngày nhất mà tôi từng đi. Bệnh viện Bạch Mai chỉ cách cơ quan chưa đầy 5 phút chạy xe máy, nhưng chúng tôi đã có 14 ngày ăn ngủ, làm việc liên tục không rời khỏi đó với bao cung bậc cảm xúc”.

Nhanh chóng nhận lệnh vào Bệnh viện Bạch Mai ngay giữa thời điểm nơi đây được coi là “ổ dịch” Covid-19, êkíp 4 anh em thuộc Kênh VTC 14 chỉ kịp ngồi lại với nhau để thảo luận kế hoạch tác nghiệp rồi lên đường, dù lúc đó vẫn có đôi chút lo lắng.

Điều lo lắng của anh em phóng viên cũng đúng thôi bởi thời điểm đó Hà Nội sôi sục với con số bệnh nhân mắc Covid-19 tăng từng ngày và Bạch Mai được coi là ổ dịch, trong khi thông tin về các ca nhiễm ở nơi đây vẫn chưa đầy đủ. Hơn nữa, những ai hay gia đình nào có người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai đều chịu tâm lý e ngại của cộng đồng.

“Tuy vậy, trước khi lên đường, tôi cũng nói với anh em, đây không chỉ là nhiệm vụ, là trách nhiệm của nghề báo để đưa tới độc giả những thông tin, hình ảnh chân thực nhất từ “tâm dịch”, mà còn là cơ hội trải nghiệm hiếm có với người làm nghề. Cũng chính thế, nhân sự và kế hoạch đến tâm dịch nhanh chóng được chốt”, anh Trung nhớ lại.

Chỉ sau 1 ngày Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa, êkíp của anh Nam Trung cùng 3 đồng nghiệp khác đã có mặt ở đây. Và cũng từ đây, những hình ảnh, tin bài về hoạt động bên trong khu cách ly liên tục được cập nhật qua các bản tin đặc biệt hàng ngày trên các kênh sóng của VTC.

Đó là những giây phút chiến đấu cam go của các y bác sỹ để giành giật sự sống cho các bệnh nhân; những hình ảnh khó quên tại khoa A9 khi cấp cứu nữ bệnh nhân bị ngưng tim 2 lần; hay hình ảnh cha con gặp nhau qua điện thoại tại trung tâm phục hồi chức năng. Rồi còn là những phút giây căng thẳng bên bàn mổ của các bác sĩ tại khoa phụ sản mang lại phút giây hạnh phúc chào đời của những em bé…

“Chúng tôi vẫn ám ảnh mãi hình ảnh chàng thanh niên côi cút chịu tang cha qua điện thoại nơi góc vắng của bệnh viện. Sự khắc nghiệt trong bối cảnh của đại dịch đã không cho họ có cơ hội được làm tròn bổn phận người làm con. Thời khắc nghĩa tử là nghĩa tận, truyền thống nhân văn ấy cũng đã bị khước từ bởi dịch bệnh. Chúng tôi cảm nhận sự mất mát, cô đơn của người nhà bệnh nhân khi thực hiện phóng sự này”, anh Nam Trung chia sẻ.

Nói dối mẹ để vào tâm dịch

Chia sẻ với chúng tôi, nhà báo Nguyễn Đình Hoàn, Kênh VTC 14 cho biết: “Khá tình cờ khi tôi được trực tiếp theo dõi, thông tin về diễn biến của dịch bệnh Covid-19, có mặt từ ổ dịch đầu tiên ở Sơn Lôi, sau đó là Bệnh viện Bạch Mai và đôi ba lần ghi hình ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư... Cũng vì mình chưa lập gia đình nên việc đi vào các ổ dịch một phần vì trách nhiệm, phần nữa là vì làm lĩnh vực mới được thử thách, trải nghiệm”.

Trước chuyến công tác dài ngày ở tâm dịch, người duy nhất anh Hoàn chia sẻ là chị gái, kèm với lời nhắn giữ bí mật không cho mẹ và các anh chị em khác biết, tránh những lo lắng không đáng có. “Thế nhưng, với vai trò dẫn chương trình, dù đã khẩu trang, mặc phòng hộ kín mít nhưng khi lên hình, hàng xóm vẫn nhận ra. Hôm nhận được điện thoại của mẹ, buộc phải nói dối “con chỉ quay hình ở khu vực an toàn, quay xong thì về cơ quan thôi, để mẹ khỏi lo”, anh Hoàn kể.

Anh Hoàn nhớ lại, khi đi Sơn Lôi khá lo lắng vì thời điểm đó dịch Covid-19 khá mới, mọi người vẫn chưa hình dung rõ về nó thế nào, hơn nữa lại xuất hiện liên tiếp các ca lây nhiễm sau tiếp xúc. Việc phong tỏa cả một xã với hàng nghìn người được coi là sự việc “kinh khủng”, chưa từng có tại Việt Nam.

“Đi về giữa Hà Nội và Sơn Lôi khoảng 10 lần trong quá trình tác nghiệp, đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người dân, rồi vào bệnh viện đa khoa khu vực (nơi có 6 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị) nên bảo không lo lắng cho bản thân thì không thật. Nguy cơ lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, mỗi lần tác nghiệp tại Sơn Lôi đều được bảo hộ rất kỹ càng, ngay khi tiếp xúc với bệnh nhân cũng được hướng dẫn đi theo đường riêng, ra - vào đều được sát khuẩn 3 - 4 lần… nên phần nào cũng yên tâm”, anh Hoàn kể và cho biết, khi về cơ quan sau mỗi chuyến đi cũng có cảm nhận bị kỳ thị từ những người xung quanh, kể cả là các đồng nghiệp. “Lúc đó cũng có đôi chút buồn nhưng cũng chả trách được họ”, Đình Hoàn chia sẻ.

Áp lực nhưng hạnh phúc

Ban đầu cũng nói dối vợ là đi công tác 14 ngày để gia đình bớt lo nhưng khi vợ căn vặn đầy lo âu “đang giãn cách anh đi đâu mà lâu thế” thì mình đành thú nhận là cùng êkíp tác nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai. Để vợ con yên tâm, hàng ngày mình cố gắng dành khoảng thời gian tối muộn, sau khi hoàn thành công việc gọi Zalo về nhà.
Nhà báo Lê Nam Trung (đạo diễn, Kênh VTC 14)


14 ngày ăn ngủ, tác nghiệp ở tâm dịch Bệnh viện Bạch Mai, sự thôi thúc đưa thông tin kịp thời tới khán giả là một áp lực rất lớn với êkíp những người tác nghiệp tại hiện trường. Công việc thường bắt đầu vào buổi sáng và kết thúc lúc tối khuya với những bữa ăn muộn.

“Có những ngày mải quay, rồi phỏng vấn đến quá trưa, lao về phòng dựng xong, chuyển về cũng khoảng 14h, ăn vội suất cơm bệnh viện rồi lại tiếp tục công việc”, anh Hoàn nói.

Nhớ lại thời điểm tác nghiệp đó, anh Hoàn cho biết thêm, các phóng sự đưa tới bạn đọc đều đạt lượt view cao kỷ lục. Riêng livestream cách ly, lúc đó khá nhiều đơn vị cùng làm nhưng Fanpage VTC14 ban đầu khoảng 25 nghìn người trực tiếp theo dõi, bình luận, tương tác nhưng chỉ sau 1 ngày con số này vọt lên 1,3 triệu lượt xem.

Đó là ghi nhận tốt cho những nỗ lực của êkíp tại hiện trường. Và điều may mắn, hạnh phúc hơn nữa là những câu chuyện được “kể” ra đã kết nối cả người thân, người nhà của những nhân vật trong các phóng sự, bản tin… Nhiều lượt chia sẻ, nhiều lời cảm ơn của khán giả như tiếp thêm động lực để êkíp tiếp tục guồng quay trong tâm dịch.

Anh Nam Trung cho hay: “Đúng là trong hoàn cảnh đặc biệt, lòng tốt và tình người thể hiện rõ nét nhất. Cảm xúc của bệnh nhân, nhân viên y tế đều chân thật và sự chăm sóc tận tình của y bác sĩ, điều dưỡng cũng xuất phát từ trách nhiệm, lương tâm… Ở thời điểm đó, dường như mọi thứ liên quan vật chất không có ý nghĩa, không tồn tại… Y bác sĩ và bệnh nhân đối đãi, coi sóc nhau như người thân trong gia đình. Một cảm nhận rất thật, rất hiếm mà chúng tôi ghi nhận được ở thời khắc đó, điều mà có lẽ với bận bịu, xô bồ của thường nhật dường như nó bị xóa nhòa hay lẩn khuất đâu đó”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.