Hàng hải

Những tuyến luồng hàng hải nào sắp được xã hội hóa nạo vét?

06/06/2021, 09:33

5 dự án duy tu nạo vét luồng hàng hải được Bộ GTVT phê duyệt thực hiện nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm…

img

Chủ trương xã hội hóa các dự án nạo vét luồng hàng hải nhằm đáp ứng nhu cầu thông luồng, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền hoạt động trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế - Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định công bố danh mục dự án nạo vét vùng nước cảng biển kết hợp thu hồi sản phẩm.

Các dự án được phê duyệt bao gồm: Nạo vét kết hợp thu hồi sản phầm luồng hàng hải sông Tiền (Từ cặp phao P17 - Pl8 đến phao P31, độ sâu chuẩn tắc -4,8m); Nạo vét kết hợp thu hồi sản phầm luồng hàng hải Định An - sông Hậu (Từ phao P0 đến phao P25, chuẩn tắc đến -4m); Nạo vét kết hợp thu hồi sản phầm luồng hàng hải Trần Đề (Từ phao P0 đến phao P16, độ sâu chuẩn tắc -2,8m); Nạo vét kết hợp thu hồi sản phầm luồng hàng hải Cửa Việt (nạo vét đến -5,6m); Nạo vét kết hợp thu hồi luồng hàng hải Cửa Hội - Bến Thủy (chuẩn tắc -3m).

Theo kế hoạch, tất cả các dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2023. Riêng dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phầm luồng hàng hải sông Tiền, Bộ GTVT đề nghị chỉ triển khai khi các dự án xã hội hóa trên tuyến luồng đủ điều kiện tiếp tục triển khai thực hiện, đảm bảo triển khai đồng bộ các dự án và thông luồng toàn tuyến.

“Cục Hàng hải VN tổ chức thực hiện đúng thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (bao gồm thiết kế cơ sở); lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng; triển khai thực hiện dự án và bàn giao theo quy định hiện hành.

Trường hợp đến ngày 30/6/2022, dự án chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án, Cục Hàng hải VN phải tổng hợp, báo cáo đề xuất Bộ GTVT xem xét sửa đổi, bổ sung danh mục dự án hoặc bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện dự án trên cơ sở căn cứ mức độ cần thiết của dự án”, Bộ GTVT yêu cầu.

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang quản lý 42 tuyến luồng hàng hải và các khu chuyển tải trong vùng nước cảng biển. Đây là tuyến giao thông thủy huyết mạch nên hàng năm nhà nước có trách nhiệm nạo vét, duy tu theo chuẩn tắc thiết kế để bảo đảm giao thông hàng hải.

Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn eo hẹp, hàng năm chỉ có khoảng 2/3 số lượng các tuyến luồng được bố trí thực hiện duy tu, bảo trì theo đúng chuẩn tắc thiết kế.

Vì vậy, việc xã hội hóa, tiến hành thực hiện nạo vét, duy tu luồng kết hợp tận thu sản phẩm trên các tuyến luồng hàng hải là phù hợp với chủ trương, chính sách và pháp luật của nhà nước, tạo thuận lợi cho giao thông hàng hải, góp phần bảo đảm an toàn hàng hải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.