Thế giới

Những ứng viên sáng giá cho thế hệ lãnh đạo mới Trung Quốc

02/09/2017, 07:42

Đại hội đại biểu Đảng cộng sản Trung Quốc toàn quốc lần thứ 19 sẽ diễn ra vào cuối năm 2017.

114

Ông Hồ Xuân Hoa là một trong hai ứng viên sáng giá tại Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc

Từ đầu năm 2016, Trung Quốc không chỉ khởi động kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 13, mà còn bắt tay vào chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng cộng sản (ĐCS) Trung Quốc toàn quốc lần thứ 19, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2017, trong đó quan trọng nhất là vấn đề nhân sự.

Nhân sự là vấn đề quan trọng nhất

Đông Phương Nhật báo cho hay, thực tế cho thấy, ngay từ khi ông Tập Cận Bình chính thức được xác định làm nhà lãnh đạo thế hệ thứ 5 cao nhất của Trung Quốc, người ta cũng đã nhắc đến những gương mặt lãnh đạo thế hệ thứ 6.

Tại Đại hội ĐCS Trung Quốc lần trước (Đại hội 18), có hai nhân vật nổi bật là ông Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài đã được bầu vào Bộ Chính trị Trung Quốc khi bước vào tuổi 49. Cả hai người này sau đó đã được Bộ Chính trị Trung Quốc điều đi thử thách tại các địa bàn có rủi ro chính trị cao như tỉnh Quảng Đông và Trùng Khánh.

Về nhân sự cấp cao, báo chí Trung Quốc và quốc tế dự báo ngoài hai nhân vật quan trọng là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ lưu nhiệm. Tại Đại hội 19 sắp tới cũng có sự góp mặt của các ứng cử viên sáng giá nhất như: Hồ Xuân Hoa, Lý Nguyên Triều, Uông Dương; Lật Chiến Thư, Triệu Lạc Tế, Vương Hộ Ninh, Tôn Xuân Lan (nữ), Hàn Chính, Lưu Kỳ Bảo, Trương Xuân Hiền, Vương Kỳ Sơn, Thái Kỳ.

Tuy nhiên, hôm 24/7, Tân Hoa xã bất ngờ phát bản tin ngắn với 37 chữ trong đó thông báo rằng: “Do đồng chí Tôn Chính Tài có dấu hiệu vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, T.Ư ĐCS Trung Quốc quyết định giao Ủy ban Kiểm tra kỷ luật T.Ư lập hồ sơ điều tra”. Thông tin này cũng có thể đồng nghĩa với việc tương lai chính trị của ông Tôn Chính Tài sẽ chấm dứt.

Hai ông Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài được cho là những nhân vật đã được ông Hồ Cẩm Đào (nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc) lựa chọn là người sẽ kế nhiệm hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường theo thông lệ “chỉ định người nối nghiệp cách đời” chưa từng bị phá vỡ trong lịch sử chính trường Trung Quốc hiện đại.

Tuy vậy, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tối cao ở Trung Quốc, đã phát động cuộc chiến chống tham nhũng toàn diện mang tên “đả hổ diệt ruồi”, thậm chí phá vỡ cả thông lệ “không được lập án, điều tra các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị” khi tiến hành bắt giữ, điều tra và xét xử nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị; Bí thư Chính pháp T.Ư Trung Quốc Chu Vĩnh Khang và mới gần đây nhất là việc điều tra ứng viên sáng giá Tôn Chính Tài.

Những hành động và chiến dịch táo bạo của ông Tập Cận Bình khiến các nhà quan sát cho rằng, thông lệ “chỉ định người nối nghiệp cách đời” vốn tồn tại từ thời ông Đặng Tiểu Bình trong chính trường Trung Quốc hoàn toàn có thể bị phá vỡ. Trước đây, ông Đặng Tiểu Bình đã chỉ định ông Hồ Cẩm Đào làm lãnh đạo kế nhiệm ông Giang Trạch Dân và khi ông Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch nước, ông Giang Trạch Dân đã chọn ông Tập Cận Bình là người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào.

113

Ông Thái Kỳ là một trong hai ứng viên sáng giá tại Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc

Công tác chuẩn bị được tiến hành thế nào?

Theo các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc như: Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật báo..., ngay từ trung tuần tháng 12/2015, Bộ Chính trị T.Ư ĐCS Trung Quốc đã được triệu tập để bàn bạc và thông qua danh sách các thành viên của Tổ lãnh đạo công tác trù bị Đại hội 19 do đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm Tổ trưởng. Hai Tổ phó giúp việc cho ông Tập Cận Bình có Thủ tướng Lý Khắc Cường và Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật T.Ư ĐCS Trung Quốc - ông Vương Kỳ Sơn.

Tổ lãnh đạo công tác trù bị Đại hội 19 sau đó đã lập ra tổng cộng 5 ủy ban thuộc quyền, do nhiều quan chức thuộc T.Ư ĐCS Trung Quốc đứng đầu.

Bên cạnh các tiểu ban giúp việc quan trọng, Tổ lãnh đạo do ông Tập Cận Bình làm Tổ trưởng còn thiết lập một văn phòng công tác đặc biệt do ông Vương Kỳ Sơn làm Chủ nhiệm với sự trợ giúp đắc lực của các quan chức cấp cao khác như ông Đỗ Kim Tài, ông Lật Chiến Thư và ông Triệu Lạc Tế.

Tổ lãnh đạo công tác trù bị Đại hội 19 của Trung Quốc có quyền trực tiếp đưa ra danh sách các ứng viên Ủy viên T.Ư, Ủy viên Dự khuyết , Ủy viên Kỷ luật T.Ư cũng như Ủy viên Quân ủy T.Ư để trình khi Đại hội 19 chính thức bắt đầu vào mùa thu năm nay.

Ngoài ra, tổ công tác đặc biệt này cũng có quyền quyết định khi đưa danh sách các ứng viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ chính trị, Trưởng ban Kỷ luật T.Ư, Ban Bí thư T.Ư, Phó chủ tịch Quân ủy T.Ư và nhiều vị trí cấp cao khác trong cơ cấu bộ máy quyền lực của ĐCS Trung Quốc.

Những gương mặt sáng giá

Công tác chuẩn bị cho Đại hội 19 đã được Trung Quốc tiến hành trong gần 2 năm qua và đang ở trong giai đoạn nước rút. Trong lĩnh vực nhân sự cấp cao, ngoài hai nhân vật quan trọng là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ lưu nhiệm, tại Đại hội 19 sắp tới cũng có sự có mặt của các ứng viên sáng giá nhất như Hồ Xuân Hoa, Lý Nguyên Triều, Uông Dương; Lật Chiến Thư, Triệu Lạc Tế, Vương Hộ Ninh, Tôn Xuân Lan (nữ), Hàn Chính, Lưu Kỳ Bảo, Trương Xuân Hiền, Vương Kỳ Sơn, Thái Kỳ.

Trong 12 nhân vật trên, dư luận trong và ngoài nước Trung Quốc đặc biệt chú ý đến 3 người, gồm các ông: Vương Kỳ Sơn, Hồ Xuân Hoa và Thái Kỳ.

Theo Tạp chí Thái Dương và trang World News ở Mỹ, ông Vương Kỳ Sơn, một trong những nhân vật quyền lực, có uy tín và được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất tin cẩn. Việc phá bỏ quy định về tuổi đối với cán bộ cấp cao của Trung Quốc cũng được cho là tạo thuận lợi cho ông Vương Kỳ Sơn có cơ hội lưu nhiệm giống như ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường.

Ông Hồ Xuân Hoa có hồ sơ chính trị đẳng cấp hơn nhiều. Lý lịch lúc trẻ của ông Hoa ít được công khai. Hiện, ông Hồ Xuân Hoa đang là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, chức vụ này được cho là do nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bố trí trước khi về hưu.

Tỉnh Quảng Đông được cho là nơi rất tốt để tôi luyện lãnh đạo trẻ, rất thuận lợi cho việc tấn phong vào Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc sau này. Nếu đạt được thành tích tốt ở Quảng Đông (nơi hàng năm đóng góp khoảng 10% tăng trưởng GDP cho kinh tế Trung Quốc) thì việc được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ là phần thưởng tuyệt vời dành cho ông Hồ Xuân Hoa vào mùa Thu này.

Về ông Thái Kỳ (Bí thư Thành ủy Bắc Kinh), Tạp chí Economist hồi giữa tháng 7 vừa qua có báo cáo cho rằng, ông Kỳ là một điển hình cho những trường hợp thăng tiến ngoài thông lệ chính trị ở Trung Quốc. Ông Thái Kỳ được T.Ư ĐCS Trung Quốc bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh hôm 27/5/2017.

Quyết định bổ nhiệm được ban hành khi ông Kỳ đang giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia. Các nhà phân tích cho rằng, đây là trường hợp bổ nhiệm vượt ba cấp rất hiếm khi xảy ra, bởi Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, vị trí cao nhất ở Thủ đô Trung Quốc, thường phải là Ủy viên Bộ Chính trị. Một người muốn được bầu vào Bộ Chính trị Trung Quốc thường phải nằm trong T.Ư Đảng, trong khi ông Thái Kỳ chưa từng lọt vào cơ quan quyền lực này.

Theo Economist, với việc được bổ nhiệm vào vị trí này, ông Thái Kỳ - một trong những người được ông Tập Cận Bình tin cẩn nhiều khả năng sẽ được đảm bảo một ghế trong Bộ Chính trị Trung Quốc vào Đại hội 19 sắp tới mà không cần phải trải qua thời gian ở T.Ư Đảng. Quá trình thăng tiến của ông Thái Kỳ được cho là một dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nỗ lực củng cố quyền lực ở Bắc Kinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.