Đường bộ

Những ý tưởng táo bạo làm đường Hồ Chí Minh của vị tướng ngành GTVT

24/02/2023, 13:25

Với tài thao lược của “người nhà binh”, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có đóng góp quan trọng để đường Hồ Chí Minh thực hiện trọn vẹn sứ mệnh…

“Nếu Chính phủ không làm… tôi chết không nhắm được mắt”

Một buổi chiều cuối tháng 2/2023, bên bàn trà trong ngõ vắng nằm trên đường Hoàng Liệt (Hà Nội), những kỷ niệm về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bất chợt ùa về với ông Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ban QLDA 2 khi vô tình đọc được bài báo hướng tới dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh vị tướng tài ba của quân đội nhân dân Việt Nam.

img

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong chuyến khảo sát khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh năm 1998 - Ảnh: baochinhphu

Phân nửa cuộc đời gắn bó với nhiều dự án giao thông lớn - nhỏ, ông Sơn khẳng định, may mắn nhất trong quãng thời gian làm nghề của mình là được đồng hành, làm việc cùng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại công trình đường Hồ Chí Minh.

Ông nhớ lại: Cuối năm 1997, khi đó đang giữ chức Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum, ông được điều chuyển ra làm việc tại Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình Xa lộ Bắc - Nam (sau này là đường Hồ Chí Minh) được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng. Lúc này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ phụ trách dự án.

Với ý nghĩa quan trọng, trong Chương trình Vinh quang Việt Nam 2018, đường Hồ Chí Minh là 1 trong 8 công trình được vinh danh, in đậm quyết định dũng cảm và đúng đắn mang tầm chiến lược thế kỷ của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các cấp lãnh đạo, trong đó có Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Từ những ngày đầu bắt tay vào nghiên cứu hướng tuyến, cuộc họp nào của Ban Chỉ đạo Nhà nước, bác Nguyên cũng tham gia đóng góp ý kiến để hướng tuyến chủ yếu bám sát về phía Tây, dọc theo chân dãy Trường Sơn của hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.

“Phương châm được đặt ra là tận dụng những đoạn đường hiện hữu kết hợp nâng cấp, nắn chỉnh tuyến hoặc mở mới những đoạn khó khăn để hình thành nên trục dọc thứ hai, song song với QL1A, phá thế độc đạo Bắc - Nam, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển KT-XH”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, những ý kiến đậm nét Đồng Sỹ Nguyên là đoạn tuyến về phía Bắc, từ Pác Bó, Cao Bằng về đến Tuyên Quang, bác đề xuất hướng tuyến rẽ sang Yên Bái rồi đi về Sơn La nối QL6 đi Hòa Bình, vào Thanh Hóa.

img

Một đoạn đường Hồ Chí Minh

Bác Nguyên đặc biệt nhấn mạnh hướng tuyến con đường không nên đi từ Tuyên Quang về Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình vì đi giữa đồng bằng khó đảm bảo về mặt quân sự.

“Không có QL6 làm sao có chiến thắng Điện Biên Phủ. Đi qua Phú Thọ địch khống chế sao mà hành quân được? Bác Nguyên đã từng nói như thế”, ông Sơn kể và cho biết, với lập luận ấy, ngay cả khi họp với Bộ Chính trị về hướng tuyến đoạn này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng nêu quan điểm rất rõ.

Sau này Quốc hội đã lựa chọn đoạn tuyến đi về Phú Thọ (qua Đất Tổ Vua Hùng), song cũng đồng thời bố trí vốn đầu tư QL6 cùng với đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 với cùng quy mô, tiến độ, đảm bảo giao thông thông suốt trên cả 2 đoạn hướng tuyến.

Dấu ấn thứ hai là đoạn tuyến qua vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương (dài khoảng 7,5 km) nối từ Vụ Bản, Hòa Bình đến Thạch Thành, Thanh Hóa.

Ý tưởng ban đầu là kết hợp xây dựng 3,6 km cầu cạn kết hợp đắp nền đường phần còn lại. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 370 tỷ đồng. Phương án này không được sự đồng tình của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bác Đồng Sỹ Nguyên vì quá đắt.

Cuối cùng, phương án được Bộ GTVT lựa chọn báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ còn 960m cầu cạn (6 vị trí) kết hợp với đắp tôn cao nền đường bằng rọ đá lưới Maccaferri. Kinh phí xây dựng vào khoảng 200 tỷ, giảm được gần 50% kinh phí so với phương án ban đầu.

img

Cầu Cúc Phương trên tuyến đường Hồ Chí Minh - Ảnh: Tuấn Phùng/Tuổi trẻ

“Đáng nhớ nhất là đoạn tuyến Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) dài khoảng 205 km. Theo quy hoạch, đường Hồ Chí Minh đến Cam Lộ sẽ thi công trước theo nhánh Tây Trường Sơn từ huyện Đakrông lên huyện Nam Giang, Quảng Nam rồi lên Kon Tum. Đoạn Cam Lộ - Túy Loan sẽ thi công sau.

Thế nhưng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên yêu cầu phải làm ngay đoạn tuyến từ Cam Lộ tới thẳng Túy Loan rồi lên Hòa Cầm, Thạnh Mỹ (Quảng Nam) để phục vụ mục đích quân sự khi cần thiết.

Bảo vệ quan điểm của mình, bác Nguyên quyết liệt: “Nếu Chính phủ không làm đoạn Cam Lộ - Túy Loan ngay thì tôi chết không nhắm được mắt!”. Đến nay, dù bác đã đi xa nhưng đoạn Cam Lộ - Túy Loan đã hoàn thành”, ông Sơn ngậm ngùi.

Riêng đoạn tuyến A Đớt (Thừa Thiên - Huế) - A Tép (Quảng Nam) dài khoảng 50 km là đoạn thuộc nhánh Tây vào loại hiểm trở bậc nhất của đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, quân ta phải đi vòng nhờ qua đất bạn Lào gần 10km (đoạn cửa khẩu Bù Lạch A Yến). Bác Nguyên đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng tuyến mới đi trong phần đất của Việt Nam, xây dựng 2 hầm A Roàng 1 và A Roàng 2.

“Giải thích lý do đề xuất phương án này, tướng Nguyên nói: Nếu không mở đoạn A Lưới, A Đớt, đường Hồ Chí Minh phải qua Lào hoặc đi xuống đồng bằng. Như vậy, ý nghĩa chiến lược bám theo dãy Trường Sơn phục vụ ý nghĩa quân sự của đường Hồ Chí Minh sẽ không còn nữa”, ông Sơn nhớ lại và tiếp lời, có lần tôi mạnh dạn hỏi bác: Cháu thấy bây giờ chiến tranh hiện đại, mình ở đâu, làm gì, địch biết hết rồi, mình làm đường làm gì?

“Cậu không hiểu chi cả, giải quyết chiến trường cuối cùng vẫn là bộ binh, vẫn phải làm đường”, bằng chất giọng trầm ấm của người Quảng Bình, bác giúp tôi hiểu hơn về tầm nhìn chiến lược của “người nhà binh”.

img

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (thứ hai từ phải qua) trong một chuyến công tác thăm đường Hồ Chí Minh. Ảnh: T.B

Đằng đẵng bám công trường gỡ khó

Nhắc nhớ về tướng Đồng Sỹ Nguyên, trong tiềm thức của những cán bộ ngành GTVT còn nguyên vẹn hình ảnh về một vị tướng tuổi xế chiều vẫn miệt mài thực tế công trường để cùng các bên gỡ khó. Là “ông cố vấn” nhưng thường xuyên làm việc với các đơn vị thi công, địa phương với vai trò như một người trực tiếp thực hiện dự án.

“Năm 2000, dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bước sang tuổi 77 nhưng vẫn hăng hái đi công tác trên tuyến ít nhất mỗi tháng 1 lần. Các chuyến đi ngắn thì 5 ngày, dài thì 2 tuần.

Kết thúc mỗi chuyến công tác, bao giờ ông cũng họp yêu cầu tất cả các thành viên nêu ý kiến nhận định tình hình, giải pháp.

Đối với những vấn đề liên quan đến địa phương, ông đề nghị Văn phòng Chính phủ có công thư UBND tỉnh nhắc nhở, đôn đốc. Việc gì liên quan đến Bộ GTVT và các bộ, ngành, ông đề nghị xử lý ngay. Nội dung nào vượt thẩm quyền, ông báo cáo Thủ tướng xử lý nhanh chóng”, ông Phạm Hồng Sơn nói và cho biết, nhiều cán bộ, kỹ sư tham gia xây dựng còn khâm phục tướng Nguyên bởi sự sát sao đến từng việc nhỏ.

Có lần đang đi xe trên tuyến, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên yêu cầu dừng lại tại công trường trước mặt. Thấy anh em báo cáo một số đoạn đang vướng mặt bằng, ông đi thẳng vào từng nhà dân thuyết phục, vận động. Không lâu sau đó, toàn bộ mặt bằng còn vướng mắc được người dân bàn giao cho các nhà thầu thi công.

“Một buổi tối trên công trường đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Quảng Nam. Khi ấy, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 mới khởi công đoạn từ A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đến Thạnh Mỹ, Tam Giang (Quảng Nam), cả đoàn đi trên QL14 cũ về đến Thạnh Mỹ lúc 18h, ăn cơm ngay trên tuyến.

Thời điểm đó, trên tuyến rất hoang vu, chưa có nhà nghỉ. Chúng tôi phải hành quân hơn 60km đường rừng đến điểm nghỉ chân là nhà khách UBND huyện Khâm Đức.

Vừa vào lấy phòng, tôi chạy ngay sang phòng ông. Lúc này, ông đang ngồi trên ghế, máu trên mũi tràn xuống miệng do bị chảy máu cam, bên cạnh là bác sĩ tên Du trên tay cầm một chiếc khăn thấm đẫm máu đỏ. Khoảnh khắc ấy trào dâng trong tôi niềm xúc động và kính phục tinh thần làm việc của một vị tướng gần 80 tuổi”, vội lấy tay gạt dòng lệ trực trào nơi khóe mắt, ông Sơn kể.

img

Không chỉ đóng vai trò thúc đẩy phát triển KT-XH, đường Hồ Chí Minh còn như một sự đền ơn đáp nghĩa đến người dân dọc tuyến đã cống hiến công sức, của cải để tuyến đường được liên thông trong thời kỳ kháng chiến - Ảnh minh họa

Huyết mạch tạo động lực, cũng là công trình “đền ơn đáp nghĩa”

Có cơ duyên làm việc với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhiều nhất khi được giao nhiệm vụ chủ nhiệm tổng thể quy hoạch xa lộ Bắc - Nam (sau này là đường Hồ Chí Minh), TS. Nguyễn Ngọc Long cho rằng, đường Hồ Chí Minh là công trình cán bộ, kỹ sư ngành GTVT có thể cảm nhận rõ nhãn quan và tầm nhìn chiến lược của một người lãnh đạo.

“Chỉ đạo thực hiện dự án, có hai điểm quan trọng nhất được tướng Đồng Sỹ Nguyên nhấn mạnh: Mạng lưới giao thông phải phủ khắp toàn quốc trước hết là từ Bắc đến Nam, phải liên thông, liên hoàn, đường Hồ Chí Minh nhất thiết phải làm từ Pác Bó vào Đất Mũi.

Cho đến khi Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải quyết định đầu tư giai đoạn 1 chỉ từ Hòa Lạc đến Ngọc Hồi (Kon Tum) khoảng 1.100km, sự trăn trở về việc nối thông tuyến đường vẫn đeo bám tướng Nguyên.

Riêng tại khu vực phía Bắc, quan điểm của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là đến ngã ba Nà Phặc, tuyến sẽ rẽ theo QL279 về tận Yên Bái. Từ Yên Bái mới đi qua Hòa Bình. Về sau, mọi người mới hiểu, phương án ấy được bác đưa ra vì nó gắn liền với các địa chiến lược khu vực Tây Bắc, có thể phục vụ mục đích quân sự khi cần.

Chỉ khi có chủ trương làm cao tốc Nội Bài - Lào Cai, bác mới yên tâm thống nhất làm đường Hồ Chí Minh qua Phú Thọ, xuôi theo QL21 về Hòa Lạc như bây giờ”, TS. Long cho hay.

Tiếp dòng ký ức, TS. Nguyễn Ngọc Long cũng không quên lời tâm sự của tướng Đồng Sỹ Nguyên khi làm dự án: “Trong kháng chiến chống Mỹ, bà con đồng bào đã hy sinh rất nhiều tài sản để tuyến đường Hồ Chí Minh được liên thông. Nay hòa bình rồi, 25 năm sau đất nước thống nhất không làm được con đường hiện đại hơn là có tội. Làm đường Hồ Chí Minh vừa là hành động đền ơn đáp nghĩa, vừa giúp thức tỉnh KT-XH khu vực phía Tây”.

Với tướng Nguyên, làm dự án này, bên cạnh ý nghĩa tạo nên trục giao thông liên hoàn, thông suốt, đây còn là công trình quan trọng thể hiện lòng biết ơn đối với người dân dọc tuyến. Cũng vì ý nghĩa đó mà quá trình xây dựng, các đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua các thị trấn, thị tứ nằm ở phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình được đầu tư hầu hết là đường đôi”, TS. Long chia sẻ.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1/3/1923. Quê quán tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Trải qua quá trình công tác giữ nhiều cương vị quan trọng, tháng 3/1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT (1982 - 1986).

Năm 1991, sau khi thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được cử làm Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 “trồng, bảo vệ rừng phòng hộ”; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh. Đồng chí được nghỉ công tác từ tháng 10/2006.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.