Hạ tầng

Niềm vui từ cây cầu treo dây võng Thanh Sơn

04/08/2016, 11:38

Cầu treo Thanh Sơn đưa vào sử dụng là niềm mơ ước hàng chục năm qua của người dân Đồng Nai.

IMG_5059

Trước đây khi chưa có cầu treo dây võng người dân 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Định phải lụy vào những chuyến đò, phà để qua sông Đồng Nai.

Xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, Đồng Nai) là xã vùng sâu, vùng xa gần như là một bán đảo nằm biệt lập ngăn cách với thế giới bên ngoài bởi sông Đồng Nai. Do đó hàng chục năm qua, việc đi lại của người dân địa phương đều phải “lụy” vào các chuyến đò, phà. Giao thông cách trở nên người dân nên cuộc sống rất khó khăn. Cách bến phà khoảng 300m về hướng thượng lưu một cây cầu treo dây võng đã hoàn thành đang được người dân háo hức chờ ngày thông xe.

Cây cầu mơ ước

Một ngày cuối tháng 7, từ cầu treo Thanh Sơn nhìn xuống phía dưới sông Đồng Nai, những chuyến phà vẫn ngược xuôi qua lại vượt dòng nước đỏ đục ngầu cuồn cuộn chảy. Bến phà hàng chục năm nay là phương tiện chuyên chở hàng hóa, nông sản là phương tiện đưa đón học sinh vào mỗi buổi tan trường.

Đang đứng giữa cầu chụp ảnh cho con gái, thầy giáo Dương Huy Tần (39 tuổi, ngụ xã Ngọc Định, huyện Định Quán), giáo viên trường THCS Phú Lợi cho hay trước đây người dân địa phương đi lại rất khó khăn vì chờ phà rất lâu. Vào mùa lũ nước chảy xiết, học sinh đi lại vất vả và nguy hiểm. Khi trời mưa to, gió lớn phà phải căn dòng nước hoặc tạm ngưng chở khách. Tại đây cũng đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn khi phương tiện chở hàng nông sản qua phà đã “già yếu” xuống cấp khiến hàng hóa đều bị nước lũ cuốn trôi.

“Bao nhiêu năm qua vùng đất này bị cách trở bởi dòng sông, việc cầu treo đưa vào sử dụng sẽ tạo thuận lợi lớn cho cho người dân, học sinh đi lại tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương”, anh Tần hồ hởi nói.

IMG_5066

Cầu treo Thanh Sơn là niềm mơ ước của người dân huyện Định Quán (Đồng Nai) hàng chục năm qua

Chia sẻ với PV, chị Phan Thị Lê (40 tuổi, xã Thanh Sơn) cho biết bao nhiêu năm qua cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, trái cây, hàng hóa nông sản thu hoạch xong nông dân muốn đem đi nơi khác tiêu thụ cũng bất tiện và thiệt hại rất nhiều vì giao thông trắc trở và phí qua phà. Học sinh đi kiếm con chữ cũng vô vàn khó khăn phải chờ đò, phà. Những đêm trời dông bão hay khi ốm đau việc đưa người thân đi bệnh viện luôn sốt ruột vì phải chờ phà.

“Con trai tôi đang học cấp 3 tại Thị trấn Định Quán  nhưng thường xuyên bị trễ giờ học do chờ phà. Ngay từ cấp 3 gia đình tôi đã cho cháu ra thị trấn ở trọ để tiện đi học, mỗi tuần về thăm nhà một lần. Giờ cháu có thể về nhà ở luôn với gia đình, không cần ở trọ. Cây cầu treo đã hoàn thành đây là niềm mơ ước của bà con nhiều năm qua”, chị Lê xúc động nói.

Cần thêm những cây cầu treo

Theo ông Đoàn Quang Nho, Phó TGĐ Công ty CP Công trình giao thông Đồng Nai (nhà thầu thi công) cho biết: Trước yêu cầu cấp thiết phải xây dựng một cây cầu bắc qua sông, năm 2015, UBND huyện Định Quán đã quyết định đầu tư cầu treo dây võng. “Sau nhiều tháng thi công cây cầu này sẽ khánh thành trong vài ngày tới. Chúng tôi rất vinh dự là nhà thầu thi công và đã góp phần công sức xây dựng cây cầu tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân nơi đây”, ông Nho nói.

PhaThanhSon

Để thuận lợi hơn trong việc lưu thông hàng hóa các xã vùng sâu vùng sa ở Đồng Nai cần thêm nhiều chiếc cầu treo để phát triển kinh tế-xã hội

Trao đổi với PV Báo Giao thông ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch xã Thanh Sơn cho biết xã có khoảng 6.200 hộ dân, từ trước đến nay việc kết nối giao thương, thu hoạch mùa màng, vận chuyển nông sản đều phải trông chờ bằng những chuyến phà.

Ngày mưa bão UBND xã phải cắt cử lực lượng chốt trực tại các bến phà. Nay cây cầu treo nối liền đôi bờ xã Thanh Sơn và Ngọc Định (huyện Định Quán) đã hoàn thành trong niềm vui mừng của người dân nơi đây. Lưu vực sông Đồng Nai chạy dọc xã Thanh Sơn có chiều dài hơn 30km có 5 bến phà vận chuyển khách và hàng hóa nông sản.

“Để việc đi lại được thuận lợi hơn thì cần thêm những cây treo nối đôi bờ sông Đồng Nai và kết nối với huyện Tân Phú nhằm tạo liên kết giao thông liên vùng tạo động lực phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”, ông Sơn nói. 

Cầu treo dây võng Thanh Sơn được khởi công vào tháng 5/2015 có quy mô bề rộng mặt cầu 3m, dài hơn 200m. Tổng kinh phí xây trên 13 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Sau khi đưa vào khai thác sử dụng cây cầu này sẽ nối thông 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Định (huyện Định Quán, Đồng Nai) sau hàng chục năm bị cô lập người dùng phải dùng phà qua lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.