Chuyện dọc đường

Nín thở chờ bão đi qua…

28/10/2020, 05:49

Hy vọng, với sự chuẩn bị kỹ càng, con số về thiệt hại sẽ được giảm thiểu ở mức thấp nhất khi cơn bão được dự báo rất mạnh đổ bộ vào nước ta.

img
Người dân xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam gia cố mái tôn bằng bao cát

Dự báo bão gây gió mạnh trên đất liền lên đến cấp 12-13, giật cấp 15, Molave sẽ là một trong những cơn bão gây gió trên đất liền mạnh nhất tại Việt Nam trong vòng 20 năm trở lại đây.

Với kịch bản bão đổ bộ có sức gió mạnh cấp 12 - 13 như dự báo, sức tàn phá của bão số 9 cực kỳ khủng khiếp. Nhà cấp 4 của người dân rất khó để chống chịu trước sức gió này.

Nhìn trước tình thế nguy hiểm trên, ngay sau khi bão số 8 suy yếu trên đất liền, sáng 26/10, Đài Khí tượng Quốc gia đã quyết định phát bản tin bão số 9 khẩn cấp khi cơn bão này mới chớm vào Biển Đông; đồng thời nâng cấp độ cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 4, chỉ dưới cấp thảm họa.

“Hiểu được vai trò thông tin cảnh báo sớm là cơ sở tiền đề giúp công tác ứng phó thiên tai chính xác, giảm thiểu thiệt hại tối đa, cả hệ thống dự báo những ngày này hầu như không có thời gian ngưng nghỉ. Quan trắc viên tại những trạm tiền tiêu gần như không rời khỏi vị trí, 30 phút lại gửi về các số liệu để các dự báo viên tính toán đảm bảo cập nhật thông tin 24/24h, truyền thông tin dự báo chính xác nhất tới cơ quan chức năng và người dân”, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết chia sẻ.

Cần nhấn mạnh thêm từ ngày 5/10 tới nay, ông Năng và tất cả các đồng nghiệp trên các mặt trận dự báo khí tượng đều phải trực trong tình thế căng như dây đàn.

“Diễn biến thiên tai hết sức khốc liệt, liên tiếp 5 cơn bão và áp thấp đã đổ bộ vào Việt Nam và dự báo sẽ còn tiếp trong tháng 11”, vị Trưởng phòng chia sẻ.

Cũng trong sáng 25/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo họp ứng phó với bão số 9. Ngay đầu giờ sáng, đầu cầu các tỉnh từ Nghệ An tới Khánh Hòa được triệu tập khẩn họp trực tuyến. Không giống như những cuộc họp khác, Thủ tướng đẩy nhanh các phát biểu ngắn gọn đi vào trọng tâm việc cần phải làm ngay.

Trong phần chỉ đạo, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh sự chủ động, yêu cầu các địa phương quán triệt tinh thần “4 tại chỗ” từ tỉnh đến huyện, xã, không để bị động; dừng tổ chức các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão. “Phải đề cao cảnh giác, chủ quan thì hậu quả rất lớn”, Thủ tướng lưu ý.

Ngày 27/10 , Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 9, đặt tại Đà Nẵng, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo.

Với tinh thần khẩn trương ứng phó, đồng loạt các tỉnh Trung và Nam Trung bộ nằm trong vùng ảnh hưởng bão số 9 đã sơ tán gần 600 nghìn dân, kêu gọi hơn 65 nghìn tàu thuyền vào nơi trú đậu, vận hành xả lũ các hồ chứa về mực nước an toàn, gia cố hàng trăm nghìn lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, thực hiện lệnh cấm biển… Tất cả mọi việc được yêu cầu hoàn thành trước chiều tối 27/10.

Theo các chuyên gia dự báo thì “không có cơ may nào cho thấy bão số 9 suy yếu hơn cường độ dự báo khi vào đất liền”. Dự báo ngày 28/10, khi bão số 9 đổ bộ đất liền sẽ ở cấp 12; riêng Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định nằm trong mắt bão có gió giật cấp 15, cấp tàn phá khủng khiếp. Đáng nói sau bão từ 28 - 31/10, dải đất miền Trung vốn đang “sũng nước” lại phải hứng chịu thêm đợt mưa lớn với lượng phổ biến từ 500 - 700mm/đợt.

Quả thực, trước thiên tai, con người khó có thể cưỡng lại. Điều quan trọng nhất hiện nay là việc chủ động ứng phó. Hy vọng rằng, với sự chuẩn bị kỹ càng, con số về thiệt hại sẽ được giảm thiểu ở mức thấp nhất…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.