Xã hội

Nín thở sống cạnh... nhà chờ sập

09/08/2016, 10:55

Vụ sập nhà 43 Cửa Bắc làm 2 người chết khiến nhiều hộ dân lo sợ không biết khi nào tai họa xảy đến...

7

Ngôi nhà cổ số 65 phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình nơi gia đình nghệ sĩ Chiều Xuân đang sống đã xuống cấp trầm trọng - Ảnh: Ngô Vinh

Nhà nghiêng, muốn phá cũng không đơn giản!

Nhiều năm nay, gần chục hộ dân tại ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội luôn phải sống trong sợ hãi vì một ngôi nhà 4 tầng gần đó có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, ngôi nhà số 177 tại ngõ Quan Thổ 1 cao 4 tầng, nằm ngay đầu ngõ đã bị nghiêng tới 80cm. Nhiều hạng mục của ngôi nhà đã bị xuống cấp, tường bên ngoài một số chỗ bị nứt. Chủ ngôi nhà này cũng đã chuyển đi nơi khác ở cách đây khoảng 3 năm, căn nhà đang bỏ không.

Bà Triệu Thị Khương (70 tuổi, nhà số 161, sát ngôi nhà số 177) cho biết, ngôi nhà 4 tầng nói trên bị nghiêng đã khoảng 7- 8 năm nay. Người dân sống bên cạnh đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn chưa được giải quyết.

Theo ông Vũ Văn Khích (72 tuổi, nhà đối diện với số nhà 177), Tổ trưởng Tổ dân phố 81, phường Ô Chợ Dừa, ngôi nhà số 177 và 3 nhà liền kề được xây dựng từ năm 1998. Nền đất của 4 ngôi nhà này trước đây là ao hồ nên rất yếu khi đó chủ nhà xây dựng đã xử lý phần móng không chắc chắn. Đó có thể là nguyên nhân dẫn đến ngôi nhà số 177 bị nghiêng như hiện tại.

Ông Phạm Việt Cừ, Phó chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết, ngay khi biết sự việc, UBND phường đã cử người xuống hiện trường kiểm tra và xác nhận ngôi nhà số 177 đã bị nghiêng, đe dọa tính mạng người dân trong khu vực. Sau đó, UBND phường đã vận động các hộ dân 4 ngôi nhà liền kề (gồm nhà số 177, 179, 181 và 183) tự nguyện tháo dỡ, xây dựng lại. UBND phường sẽ tạo mọi điều kiện về thủ tục cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, sau khi vận động 3 hộ dân đã đồng ý. Riêng nhà số 181 chưa đồng ý vì lý do mới mua nhà không có kinh phí để xây dựng lại.

“Vì 4 ngôi nhà này liên quan đến nhau, nhà số 177 và 179 chung móng, chung tường, tương tự nhà số 181 và 183 cũng thế. Muốn phá dỡ nhà số 177 phải được sự đồng ý của 3 hộ liền kề. Chúng tôi đã mời đơn vị thẩm định chất lượng công trình của Sở Xây dựng Hà Nội đến đánh giá hiện trạng 4 ngôi nhà này, nhưng đơn vị này nói là phải được sự đồng ý của tất cả hộ dân mới lấy được mẫu. Chính vì nhà số 181 không hợp tác nên việc này mới lâu như vậy, vì xét theo luật nhà xuống cấp ở cấp độ D mới cưỡng chế phá dỡ được. Nhà số 181 mà đi thẩm định sẽ chưa đến cấp độ D nên giờ cưỡng chế là sai luật”, ông Cừ nói và cho biết thêm, để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền sẽ không đợi nhà số 181 đồng ý mà sẽ mời đơn vị thẩm định chất lượng, đánh giá trước hiện trạng để đưa ra phương án giải quyết hợp lý nhất.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, việc xử lý nhà số 177 đã được quận đã giao cho Phòng Quản lý đô thị trực tiếp xem xét, đánh giá lên giải pháp hợp lý để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống tại khu vực này.

Lo biệt thự cổ đổ nhào

Phản ánh với PV Báo Giao thông, nghệ sĩ Chiều Xuân cho biết, hiện tại chị rất hoang mang bởi gia đình chị đang sống trong một ngôi nhà cổ, được xây dựng từ năm 1930 tại số 65 phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình. Đây là ngôi nhà do Hội Nhà văn Việt Nam phân cho cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận (bố chồng của nghệ sĩ Chiều Xuân) khi ông đang đương nhiệm.

Hiện tại, ở tầng 1 có gia đình mới chuyển đến tiến hành hạ cốt nền nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc và sự bền vững của ngôi nhà cổ. “Ngôi nhà của chúng tôi đã bị gia đình dưới tầng 1 hạ cốt, đào sâu xuống dưới đất khoảng 50 cm hoặc hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc và sự bền vững của cả ngôi nhà. Tôi đã có đơn gửi UBND phường Điện Biên phản ánh từ lâu nhưng vẫn chưa được quan tâm, xem xét.

Rà soát toàn bộ biệt thự, chung cư cũ nguy hiểm

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký quyết định ban hành kế hoạch kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố sẽ tiến hành kiểm tra hiện trạng, đánh giá về mức độ an toàn chịu lực đối với công trình bao gồm nhà chung cư xây trước năm 1994, nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình có tuổi thọ trên 60 năm và các công trình khác có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn.

Hoài Vũ

Ghi nhận của PV cho thấy, nhà số 65 Nguyễn Thái Học khi xưa là một căn biệt thự 3 tầng do người Pháp xây dựng. Sau này, căn nhà này được phân cho 3 hộ, trong đó có nhà cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Tuy nhiên, hiện tại, chủ nhà tầng 1 đã bán cho nhiều người. Vì vậy, tầng 1 của căn biệt thự được chia ra làm nhiều căn hộ nhỏ để lấy mặt tiền kinh doanh. Do phục vụ mục đích kinh doanh nên các chủ căn hộ dưới tầng 1 hạ cốt cho thấp xuống để thêm chiều cao, kinh doanh cho tiện.

Bước lên cầu thang là hình ảnh xập xệ, tường bong tróc và có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Nhiều mảng tường đã rụng xuống do thời gian nhưng không được tu sửa nên để lại những mảng loang lổ, có chỗ hở cả gạch.

Chị Phạm Thị Thúy, chủ sở hữu căn nhà số 15, ngõ 12, phố Đào Tấn, thuộc tổ 9, phường Cống Vị, quận Ba Đình cũng phản ánh, chị đang rất lo lắng vì nhà mình có thể sập bất cứ khi nào do chủ căn hộ tầng hai tự tiện phá dỡ, xây dựng trái phép. Mới nhất, trần thạch cao nhà chị đổ sụp, rất may không có người ở nhà nên không ai thương vong.

“Sau khi tôi gửi đơn, UBND phường Cống Vị đã tổ chức cuộc họp yêu cầu gia đình phía trên không được xây dựng khi không có giấy phép, nhưng họ vẫn tiếp tục làm. Khi chúng tôi liên hệ với cán bộ quản lý xây dựng phường thì tắt máy, đến UBND phường không có ai trực, đến đồn công an phường báo thì trực ban cho biết, không tiếp nhận xử lý việc này”, chị Thúy tỏ ra lo lắng và cho biết, nếu xảy ra sự cố như vụ sập nhà 43 Cửa Bắc, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? 

Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường Cống Vị cho biết, đã tiếp nhận nội dung phản ánh, đang giải quyết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.