Khám phá

Ninh Thuận: Kêu gọi bảo vệ đàn voọc chà vá quý hiếm xuống núi kiếm ăn

17/04/2020, 07:10

Liên tục những ngày qua, quần thể voọc chà vá chân đen quý hiếm đã xuất hiện tại vùng núi đá ven biển tỉnh Ninh Thuận để tìm kiếm thức ăn.

img
Voọc tập trung thành đàn nhỏ từ 5-7 cá thể, xuất hiện vào buổi sáng sớm và chiều tối trên các sườn núi đá lưng chừng để tìm kiếm thức ăn

Ngày 16/4, ông Trần Ngọc Hiếu, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) cho biết, qua kiểm đếm cho thấy có khoảng 20 đàn voọc với tổng số lượng khoảng 200 cá thể (có những cá thể đang mang thai) thường xuyên xuất hiện tại các điểm thuộc lâm phần mà đơn vị quản lý ở địa bàn các xã Phước Dinh, Phước Diêm và Phước Minh.

“Do thời điểm này là mùa khô hạn nên khu vực núi đá cao không còn nước, một số cây rừng là thức ăn cho đàn voọc đã rụng lá nên đàn voọc thường xuyên lùi sâu về chân núi dọc tuyến đường ven biển 701 để tìm kiếm thức ăn. Đặc biệt những ngày qua đàn voọc xuất hiện ngày một đông hơn để ăn lá non cây cóc rừng”, ông Hiếu thông tin thêm.

img
Thời điểm này, Ninh Thuận đang vào mùa khô hạn nên cây rừng đa số đã rụng lá, chỉ còn sót lại một vài cây xanh độ lá non ở khu vực chân núi thu hút đàn voọc đến kiếm ăn.

Theo ông Hiếu, có 3 loài voọc chà vá gồm, voọc chà vá chân đen, voọc chà vá chân đỏ và voọc chà vá chân nâu. Riêng voọc chà vá chân đen có tên khoa học là Pygathrix nigripes thường sinh sống ở khu vực Nam Trường Sơn của Việt Nam và miền núi Campuchia lân cận.

Đây là một trong những loài linh trưởng thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 628/QĐ-TTg yêu cầu các ngành, địa phương khẩn cấp triển khai các kế hoạch bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam.

img
Đàn voọc rất đa dạng, bên cạnh các cá thể voọc trưởng thành còn có cả những cá thể voọc non

Cũng theo ông Hiếu, ngay sau khi phát hiện đàn voọc trên địa bàn, đơn vị đã phối hợp với hạt kiểm lâm cùng UBND các địa phương thực hiện các công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã nói chung và loài voọc nói riêng. Song song đó, đơn vị cũng đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát hạn chế sự hiện diện của con người trong khu vực voọc thường xuyên sinh sống nhằm tạo môi trường sống cho đàn voọc phát triển.

Theo người dân địa phương, đàn voọc rất tinh nhanh, mỗi đàn thường có từ 5 đến 7 con, chúng hay di chuyển lưng chừng núi để kiếm ăn, có khi voọc còn xuống tận chân núi để vào chòi rẫy của người dân để tìm thức ăn và nước uống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.