Đời sống

Ninh Thuận: Xử lý trại tôm xả thải ra biển sau phản ánh của Báo Giao thông

26/03/2020, 10:48
image

Ít nhất 5 cơ sở nuôi tôm thương phẩm với tổng diện tích khoảng 15 ha thường xuyên xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý chảy thẳng ra biển.

img
Ao chứa nước thải T3 là nơi thu gom nước thải tập trung của 143 ha nuôi tôm thương phẩm trên trên cát tại xã An Hải, huyện Ninh phước.

Sáng 26/3, ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ninh Thuận cho biết đã có phản hồi của tỉnh về việc Báo Giao thông phản ánh nước thải từ nhiều trại tôm lớn xả thẳng ra biển.

Theo ông Lâm, ngay sau khi Báo Giao thông phản ánh, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có Văn bản số 820/VPUB-KTTH chỉ đạo Sở NN&PTNN chủ trì phối hợp kiểm tra xử lý vụ việc.

Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp Phòng Cảnh sát Môi trường cùng một số cơ quan liên quan đi kiểm tra thực tế. Kết quả cho thấy, hiện có ít nhất 5 cơ sở nuôi tôm thương phẩm với tổng diện tích khoảng 15 ha thường xuyên xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống đường ống thoát nước thải dẫn vào ao chứa nước thải tập trung T3 (gọi tắt là ao T3) và chảy thẳng ra biển. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm cục bộ tại khu vực này.

Theo kết quả kiểm tra, ao T3 có chiều dài 90 mét, rộng 65 mét, sâu 2,5 mét; Dung tích chứa theo thiết kế là 14.180 mét khối. Trước đây, ao được lót bạt đáy và bờ để chống thẩm thấu nước thải ra môi trường bên ngoài. Ao có 3 cống, trong đó gồm 1 cống (có para đóng – mở) nhận nước thải vào từ 143 ha nuôi tôm thương phẩm trên cát; 1 cống (không có para đóng – mở) nhận nước thải từ bể chứa nước thải số 04 của Khu sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải và 1 cống khác (có para đóng – mở) thoát nước thải ra biển.

img
Cống thoát nước thải ra biển đã xuống cấp, không có para đóng - mở theo thiết kế ban đầu.

"Tuy nhiên, hiện nay một số hạng mục thuộc công trình ao T3 đã bị xuống cấp, hư hỏng, cụ thể: 2 cống dùng để đóng - mở nước đầu vào và thải nước đầu ra biển đã bị hư hỏng không sử dụng được; bờ ao bị sạt lở và không còn lớp bạt lót bờ để ngăn nước thải thẩm thấu ra bên ngoài; cuối đường ống thoát nước thải phía tiếp giáp với biển thường xuyên bị cát bồi lấp làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước.

Toàn bộ diện tích đáy áo bị bồi lắng bởi lớp bùn đen dảy khoảng 1 mét, ảnh hương nghiêm trọng đến mục đích xây dựng ban đầu...", ông Lâm thông tin.

img
Hằng ngày lượng nước thải chưa qua xử lý được thải trực tiếp ra biển, gây ô nhiễm và ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Lâm, trước tình trạng trên, Sở NN&PTNT đã đề xuất UBND tỉnh giải pháp xử lý vụ việc cụ thể: Chỉ đạo đơn vị quản lý khẩn trương duy tu, sửa chữa 2 cống có Para đóng - mở để chủ động ngăn không cho nước thải chảy trực tiếp ra biển, qua đó đảm bảo thời gian xử lý lắng lọc hữu cơ.

Sử dụng các biện pháp sinh học, hóa học để khắc phục tình trạng ô nhiễm hữu cơ và đảm bảo an toàn dịch bệnh, cụ thể: sử dụng chế phẩm sinh học EM để xử lý ô nhiễm hữu cơ từ nước thải, bùn thải, trong trường hợp cần thiết có thể xử lý môi trường bằng Chlorine để tiêu diệt tác nhân gây bệnh trước khi thải nước ra môi trường bên ngoài.

Về lâu dài, Sở NN&PTNN sẽ đề xuất kế hoạch nạo vét, loại bỏ lớp bùn tích tụ dưới đáy ao; Thuê đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm tiến hành khảo sát nhằm đề ra phương pháp và quy trình xử lý phù hợp nhất với hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Song song đó, chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của các trại tôm thương phẩm...

Trước đó, ngày 11/3, Báo Giao thông có bài phản ánh “Nước thải từ nhiều trại tôm lớn ồ ạt xả thẳng ra biển Ninh Thuận”. Bài báo phản ánh khu vực bờ biển thuộc thôn Nam Cương, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) xuất hiện một cống xả nước kích thước lớn có màu đen, sủi bọt trắng, bốc mùi hôi thối nồng nặc xả thẳng ra biển. Theo người dân địa phương, nước thải được các trại nuôi tôm tại khu nuôi tôm thương phẩm tập trung thải ra trong nhiều năm nay và ngày càng trầm trọng...

Lần theo cống dẫn nước ngang qua đường ven biển, PV ghi nhận hai cống xả lộ thiên đang xả nước thải màu đen chảy thành dòng về hướng biển. Một trong hai cống xả được vây lưới tạm bợ nhằm chặn bớt xác tôm chết ra biển...

img
Cống đầu vào của ao T3 chỉ được vây lưới sơ sài để lược lại xác tôm chế.

Trước đây, nước thải của các trại tôm được gom hết về hồ này rồi đóng lại để lắng lọc và xử lý tạp chất mới xả thải ra biển. Tuy nhiên, thời gian gần đây họ thải nước chưa qua xử lý chảy thẳng ra biển. Bà con đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa có kết quả...

Được biết, khu nuôi tôm thương phẩm tập trung trước đây đã có quy hoạch thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Ninh Thuận quản lý. Tuy nhiên, hiện tại hồ chứa nước thải tập trung này không có hệ thống cửa van để khóa lưu giữ nước nhằm thẩm thấu và lắng lọc, mà chỉ là nơi trung gian để trung chuyển nước thải rồi thải thẳng ra biển.

Ông Bùi Thế Ly, Phó chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, tình trạng các trại nuôi tôm thương phẩm xả nước thải trực tiếp ra biển đã diễn ra trên địa bàn suốt thời gian qua và diễn ra liên tục cả ngày và đêm. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để có hướng xử lí. Gần đây nhất, cử tri địa phương và UBND của xã cũng đã có ý kiến thông qua kỳ họp tiếp xúc cử tri với HĐND tỉnh...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.