Tài chính

Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công tạo động lực tăng trưởng

Từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng, có cách nào để thúc đẩy được tỷ lệ giải ngân, tránh lãng phí, tạo được động lực thúc đẩy tăng trưởng?

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực, đầu tư công được xem là “bệ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công dự kiến đến hết 30/9/2021 chỉ đạt 47,38% kế hoạch.

img

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, kéo dài, đầu tư công được xem là “bệ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn hiện nay (Trong ảnh: Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45). Ảnh: Tạ Hải

Chậm do giãn cách, vướng mặt bằng

Những ngày cuối tháng 9, ghi nhận tại Dự án đường trục chính từ QL1 đến Khu đô thị trung tâm Khu kinh tế Vũng Áng (dự án đường 36m, thuộc địa bàn thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), công trình đã cơ bản hoàn thành.

Khỏi phải nói về sự phấn khởi của người dân nơi đây khi con đường mới sắp được hoàn thành. Bởi từ lâu, do đi lại không thuận tiện nên kinh tế trong vùng khó phát triển, đời sống của người dân rất khó khăn.

Vấn đề quan trọng hiện nay đối với đầu tư công là vừa phải nhanh, vừa phải hiệu quả. Vì thế, cần xác định để chọn được các dự án trọng tâm, trọng điểm, mang tính dẫn dắt, lan tỏa để ưu tiên. Việc này sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác, đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp, người lao động, tạo ra những hiệu quả nhanh chóng nhất.
Tôi rất sợ những dự án đầu tư công mang tiếng là giải ngân nhanh nhưng bao nhiêu năm sau mới thấy tác dụng. Ngốn một số tiền ngân sách lớn, tính vào tăng trưởng GDP thì tăng trưởng ấy không có ý nghĩa thực sự cho nền kinh tế và hiệu ứng thực sự mà nó đáng ra phải mang lại như mục đích của đầu tư công hướng đến.
Hiện nay, các dự án hạ tầng giao thông là những dự án rất cần thiết được ưu tiên vốn. Riêng đối với khu vực ĐBSCL, nơi đóng góp GDP rất lớn, cần phải sớm cải thiện hạ tầng giao thông tại đây, vì khu vực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là những tuyến huyết mạch để lưu chuyển hàng hóa.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Được biết, dự án có tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn là 282 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 1 đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 183 tỷ đồng.

Ông Trần Nam Vũ, Phó giám đốc Ban QLDA Xây dựng thị xã Kỳ Anh cho biết, đây là dự án trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành sẽ hình thành trục giao thông chính từ QL1, phát triển quỹ đất đô thị trong tương lai của thị xã Kỳ Anh.

Cũng theo ông Vũ, hiện tại, ngoài dự án này, thị xã đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư công khác với tổng số vốn 328,118 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2021, tổng số vốn được giải ngân là 182,402 tỷ đồng (đạt 56% kế hoạch vốn, dự kiến đến ngày 31/12/2021 là 253,179 tỷ đồng, đạt 77%).

Nhiều dự án đã và đang hoàn thành, tạo động lực rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, tại các công trình trên các địa bàn: Vũ Quang, Hương Sơn, Lộc Hà, Kỳ Anh… cũng đều được triển khai nhộn nhịp, khẩn trương.

Tất cả đang nỗ lực cao nhất cho tiến độ công trình cũng như đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Theo tìm hiểu, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của Hà Tĩnh là 9.581 tỷ đồng, tăng 53,38% so với cùng kỳ.

Tính đến 31/7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Tĩnh đạt 52,56%, trong đó, nhiều dự án đã giải ngân hết kế hoạch vốn…

Tại Đồng Nai, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng tỉnh là đơn vị được UBND tỉnh Đồng Nai giao 57 dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Trong đó có nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ làm thay đổi bộ mặt giao thông của tỉnh và kết nối các tỉnh lân cận, rút ngắn hành trình đi TP.HCM và ngược lại.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 tiến độ giải ngân bị chậm lại do hàng loạt gói thầu thi công cầm chừng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, giãn cách xã hội khiến công tác làm thủ tục, hồ sơ quyết toán các hạng mục cũng rất khó khăn. Do công trình chưa hoàn thành, chưa bàn giao là một trong những nguyên nhân tiến độ giải ngân bị chậm.

Với 57 dự án đang triển khai, tiến độ giải ngân đạt hơn 32%, ngoài nguyên nhân ảnh hưởng dịch, nhiều dự án còn vướng mặt bằng; thi công gặp nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn.

Còn tại Bình Thuận, cuối tháng 11/2020, hai dự án đường ven biển qua Bình Thuận gồm đường ĐT719 và ĐT719B đã được khởi công, với tổng kinh phí thi công 1.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến nay, việc bàn giao mặt bằng rất chậm. Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận cho biết, đây là công trình trọng điểm của tỉnh, có sức lan tỏa rất lớn khi hoàn thành, vì thế sẽ quyết liệt đốc thúc để đảm bảo tiến độ.

Cắt, giảm vốn những nơi giải ngân dưới 60%

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2021 mới đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp so với cùng kỳ năm 2020 (56,33%).

Nguyên nhân do dịch Covid-19 bùng phát ở hầu hết các địa phương làm cho việc cung cấp vật tư gặp khó khăn. Công tác phòng chống dịch tại một số địa phương chưa thống nhất cũng làm ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng...

Riêng các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu, tư vấn, giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án…

Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới chi phí doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án.

Ngoài ra, một số dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng do khó khăn về xác nhận khối lượng hoàn thành với nhà thầu và nhà tư vấn, hồ sơ nghiệm thu chưa thống nhất…

Trước diễn biến của dịch bệnh, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT tổng hợp báo cáo Thủ tướng xem xét cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến ngày 30/9 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch để điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có khả năng giải ngân vốn nhanh hơn thực hiện.

Bộ Tài chính cũng kiên nghị Bộ KH&ĐT phân nhóm đối tượng, phân tích rõ các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giải ngân thấp do các nguyên nhân khách quan và có đề xuất phù hợp, tạo điều kiện để những đầu mối này thực hiện trong các tháng cuối năm.

Bộ Tài chính cũng đề nghị cho phép các bộ, cơ quan, địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt để bổ sung vốn.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng cho biết, thời gian qua, ý nghĩa của đầu tư công đã được khẳng định, đặc biệt trong năm 2020, năm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giải ngân đầu tư công đã đóng góp cho kết quả tăng trưởng hết sức ấn tượng.

Tương tự, năm nay, đầu tư công vẫn tiếp tục thể hiện vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các lĩnh vực về sản xuất kinh doanh và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề.

“Có thể nói, giải ngân đầu tư công là giải pháp rất tốt cho tăng trưởng ở hai khía cạnh. Thứ nhất, lượng giải ngân được cộng trực tiếp vào GDP do đây là nguồn chi tiêu của Chính phủ; Thứ hai, là tác động lan tỏa của các dự án đầu tư công”, ông Phương nói và lý giải, nếu GDP là 100% thì tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 34% GDP.

Trong tổng đầu tư toàn xã hội, đầu tư công chiếm 25%, nghĩa là chiếm 6 - 7% GDP. Tất nhiên, con số này mới tính đến đóng góp trực tiếp, chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công cho GDP.

Theo ông Phương, cùng với đầu tư công, để giải quyết bài toán về tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, điều quan trọng nhất phải phục hồi được những động lực tăng trưởng hiện hành trước khi chúng ta đi tìm kiếm nguồn động lực mới. Bởi thực tế, khi rà lại, các động lực đóng góp vào GDP vẫn còn khó khăn, đặc biệt từ lĩnh vực công nghiệp.

“Chính vì vậy, chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát, các khu công nghiệp trọng điểm được phục hồi, lập tức tăng trưởng sẽ có tín hiệu tốt. Chỉ khi chúng ta phục hồi được động lực cũ, có nền tảng vững chắc, thì việc tìm kiếm động lực mới sẽ thuận lợi hơn”, ông Phương nói.

Hết tháng 9/2021, Bộ GTVT dự kiến giải ngân 26.464 tỷ đồng

Thông tin từ Vụ KH&ĐT, năm 2021, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn khoảng 43.397 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 9/2021, lũy kế giải ngân của Bộ GTVT đạt 26.464 tỷ đồng (đạt 61%) gồm: 24.074 tỷ đồng vốn trong nước và 2.390 tỷ đồng vốn nước ngoài.

Kết quả giải ngân chung của cả Bộ GTVT cao hơn mức giải ngân bình quân chung của cả nước (47,38%) và đáp ứng tiến độ giải ngân theo Nghị quyết 63 của Chính phủ (hết tháng 9/2021, giải ngân tối thiểu đạt 60%).

Theo Vụ KH&ĐT, từ nay đến 31/1/2022, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 16.933 tỷ đồng, gồm: 2.446 tỷ đồng vốn nước ngoài và 14.487 tỷ đồng vốn trong nước.

Trong đó, các nhóm dự án được giao kế hoạch vốn lớn, quyết định kết quả giải ngân chung của cả Bộ GTVT gồm: Các dự án ODA cần giải ngân 3.560 tỷ đồng; 11 dự án cao tốc Bắc - Nam cần giải ngân 5.480 tỷ đồng, tập trung ở các dự án đầu tư công (4.796 tỷ đồng); Các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách cần giải ngân 1.832 tỷ đồng...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.