Xem - ăn - chơi

Nỗ lực làm mới mình, tuồng vẫn bị làm khó

04/08/2016, 13:20

Tuồng là loại hình nghệ thuật khó xem và giới trẻ vẫn có khoảng cách nhất định với môn nghệ thuật này.

b277b699

Màu sắc trong tuồng “Ao làng” phải thay đổi nhiều để tuyến tính chuyện và tiết tấu âm nhạc nhanh hơn

Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa ra mắt vở tuồng hiện đại Ao làng để mang đến cho khán giả một hơi thở mới trên sân khấu truyền thống. Thế nhưng, sau hai tháng tập luyện và dựng vở, cho đến giờ Bộ VH,TT&DL vẫn chưa trả tiền cho anh em nghệ sĩ Nhà hát Tuồng.

Lần đầu tiên có tuồng tâm lý xã hội

Tuồng là loại hình nghệ thuật khó xem và giới trẻ vẫn có khoảng cách nhất định với môn nghệ thuật này. Nhiều vở tuồng mang tính cổ điển, khuôn mẫu của chế độ phong kiến đã không còn phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ hiện nay của khán giả. Trong những năm qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam hết sức nỗ lực để tìm ra hướng đi mới nhằm thu hút khán giả trẻ. Trong đó, là nỗ lực đổi mới tuồng bằng vở diễn Ao làng.

Đây là vở diễn về đề tài xây dựng đời sống nông thôn mới, trong khung cảnh làng quê Việt Nam thời kỳ đổi mới với cuộc đấu tranh để rũ bỏ cái cũ, tạo cơ hội cho cái mới xuất hiện và làm chủ. Ao làng trước kia từng là vật thiêng của làng, là nơi long mạch đi qua. Trong bối cảnh mới, ao làng đã trở thành nơi người dân vứt rác, một địa điểm bị ô nhiễm.

Sau đêm tổng duyệt vở tuồng Ao làng sẽ tham dự cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016  vào ngày 20/8 tại Đà Nẵng. Ngay sau đó, nhà hát sẽ lưu diễn phục vụ khán giả trong cả nước.

Trước dự án mở đường, hầu hết người dân trong làng đều đồng lòng nên lấp ao làng để nhường đường cho sự phát triển. Tuy nhiên, ông quyền trưởng thôn lại muốn giữ lại ao làng vì gia tộc nhà ông được hưởng lộc từ long mạch đi qua nơi đây. Vậy là từ đây, biết bao câu chuyện “dở khóc dở cười”, bao thủ đoạn thấp hèn nhằm lừa bịp và thực hiện mục đích của ông quyền trưởng thôn đã diễn ra. Những góc cạnh gai góc, thói hư, tật xấu của con người, cuộc sống hôm nay được phê phán, giễu cợt.

Đạo diễn, NSƯT Đặng Bá Tài cho biết, khi làm vở diễn này ông rất áp lực và gian nan. Bởi, từ khi hòa bình lập lại, chúng ta làm một số vở tuồng về lịch sử, về đề tài hiện đại nhưng chủ yếu là chiến tranh, chưa có vở nào làm về tâm lý xã hội mà đề tài bi, hài. Có nhiều người cho rằng, tuồng không nên đi vào đề tài hiện đại. Tuy nhiên, ông quan niệm nếu sân khấu không đáp ứng được hơi thở cuộc sống thì sân khấu sống thế nào?

NSƯT Đặng Bá Tài chia sẻ: “Ngày xưa các cụ đã có một mảng về đề tài xã hội như Nghêu sò ốc hến, tại sao ta không làm dạng đề tài như vậy?”. Với ý nghĩ ấy, đạo diễn Bá Tài quyết tâm làm về đề tài tâm lý xã hội mang hơi thở hiện đại. Và cũng chính vì thế, màu sắc trong tuồng Ao làng phải thay đổi nhiều để tuyến tính chuyện và tiết tấu âm nhạc nhanh hơn, lạ hơn so với tuồng cổ. Khán giả rất thích thú bởi câu chuyện vui, hài hước, dí dỏm, đề cập đến vấn đề xã hội ngày nay.

Tập hai tháng, dựng xong vở vẫn chưa có đồng nào

Dù vở Ao làng đã dựng xong, đây là một trong những nỗ lực của Nhà hát Tuồng Việt Nam để mang làn gió mới đến với sân khấu truyền thống và với khán giả. Tuy nhiên, niềm vui này chưa trọn vẹn, vở diễn đã được nghiệm thu nhưng kinh phí thì chưa có.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, với Ao làng, bản thân nhà hát của ông đã “dám mạnh dạn xông vào đề tài khó, mong muốn tiến đến gần hơn với khán giả hôm nay”. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, năm 2015, thực hiện theo lộ trình tự chủ, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã bị cắt giảm 30% ngân sách hoạt động. Tất cả các vở diễn sẽ được Nhà nước đặt hàng. Ao làng là tác phẩm được Bộ VH,TT&DL đặt hàng. Đến giờ phút này Bộ vẫn chưa phê duyệt kinh phí cho đơn hàng này. Ông đã rất nhiều lần đề xuất với Vụ Tài chính nhưng chưa có câu trả lời.

Ông đau đầu than: “Các nghệ sĩ của nhóm nghệ thuật truyền thống sống chủ yếu dựa vào các chế độ luyện tập và ngân sách Nhà nước cấp. Dựng xong tác phẩm, tiền bồi dưỡng tập hai tháng nay vẫn chưa có một đồng nào, khó khăn lại chồng chất khó khăn”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.