Bạn cần biết

Nỗ lực vươn lên của ông chủ xưởng gỗ từng mang tội giết người

21/05/2017, 07:51

Từ người mang án giết người, giờ đây, anh Nguyễn Hữu Phương đã trở thành ông chủ của một xưởng gỗ lớn.

4

Nhờ sự táo bạo, anh Phương đã thành lập xưởng mộc, tạo công ăn việc làm cho nhiều người

Mang án “giết người” vì bị đánh nhầm

Giờ đây, dù đã là ông chủ một xưởng gỗ lớn có uy tín nhất vùng Nam Đàn, nhưng anh Nguyễn Hữu Phương (SN 1987, trú xóm 8, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) vẫn không thể nào quên những ngày tháng bị vướng vào vòng lao lý vì tội “Giết người”.

Tháng 5/2007, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, biết mình không làm được bài thi, nên Phương đã rủ hai người bạn đạp xe lên thị trấn Nam Đàn mua một số thiết bị điện chuẩn bị cho việc học nghề. Chính lần đi này đã khiến cuộc đời anh Phương rẽ sang hướng khác. “Năm đó, xác định không thể đỗ cấp 3, nên tôi quyết định học nghề điện. Trên đường từ thị trấn về nhà, tôi bị một nhóm thanh niên chừng 10 người chặn đường đánh. Mặc dù, tôi đã lên tiếng khẳng định có sự hiểu lầm, nhưng họ vẫn lao vào đánh tôi. Quá uất ức vì bị đánh oan, sẵn con dao trong người nên tôi đã tìm cách chống trả”, anh Phương kể.

Những nhát dao trong lúc hoảng loạn của Phương đã đoạt mạng một người trong nhóm. Sau này tìm hiểu, nhóm thanh niên kia mới biết, do nhìn nhầm Phương thành một người khác trong xã nên mới xông vào đánh. Ngay sau khi gây án, Nguyễn Hữu Phương bị bắt và kết án 3 năm tù giam về tội “Giết người trong trạng thái bị kích động”. Phương phải thụ án tại Trại giam số 3, Bộ Công an (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An).

Hồi tưởng lại những ngày tháng sống trong trại giam, Phương tâm sự: “Khi mới vào thụ án tại Trại giam số 3, đêm nào tôi cũng mơ thấy ác mộng, khiến tinh thần luôn hoảng loạn. Sau này, được sự động viên của cán bộ trại giam, những người bạn tù, tôi dần dần lấy lại được tinh thần, quyết cải tạo tốt chờ ngày đoàn tụ với gia đình”.

Cuối năm 2009, anh được tại ngoại trở về địa phương sinh sống. Sau khi mãn án tù, anh Phương đã lên mộ thắp hương xin lỗi người quá cố. Đồng thời, nhờ bố mẹ đưa đến nhà nói chuyện với gia đình nạn nhân. “May mà gia đình họ hiểu, thông cảm và tha thứ nên tôi cũng thấy nhẹ lòng. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời, sống có ích cho xã hội”, anh Phương bộc bạch.

5

Ảnh cưới của vợ chồng anh Phương

Từ “kẻ sát nhân” thành ông chủ xưởng gỗ

“Chuyện xảy ra đã gần 10 năm, giờ tôi đã trả án xong, nhưng mỗi khi nhớ lại quá khứ vẫn thấy buồn. Giá như ngày xưa, tôi đủ bình tĩnh hơn thì gia đình, người thân sẽ không phải phiền lòng và bị liên lụy. Nhìn bố mẹ bị hàng xóm chê cười, dị nghị tôi khổ tâm vô cùng”, anh Phương chia sẻ.

Mới ra tù, lại không có bằng cấp, không nghề nghiệp nên việc tái hòa nhập cộng đồng cũng không hề dễ. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh Phương xin phép bố mẹ vào vào miền Nam làm công nhân cạo mủ cao su. Nhờ chăm chỉ, tiết kiệm, sau ba năm lao động, anh gom góp được số tiền kha khá rồi quyết định về quê lập nghiệp.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Trung, Phó trưởng Công an xã Nam Xuân (Nam Đàn) cho biết, sau khi mãn án tù, Phương luôn chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, anh còn mở xưởng gỗ tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho người lao động trong làng. Anh Phương là gương sáng điển hình về tái hòa nhập cộng đồng, làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Sau khi trở về quê, được sự động viên của gia đình, anh Phương xin học nghề mộc tại xưởng của người quen ở thị trấn Nam Đàn. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi, lại có năng khiếu bẩm sinh nên chỉ sau một thời gian ngắn, anh Phương đã trở thành thợ lành nghề. Được người thân ủng hộ, anh quyết định mở xưởng mộc tại nhà với tâm niệm “nếu không bắt đầu thì chẳng biết bao giờ làm được”.

Những ngày đầu thành lập xưởng gỗ rất khó khăn do vốn ít, lại không có khách, nhiều lúc anh tự hỏi không biết mình đã làm đúng chưa. Tiếp tục nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, anh Phương đã nghĩ ra cách “tháo” nút thắt khó khăn bằng sản xuất sản phẩm gỗ lô. Nhờ sự chịu khó, nhạy bén thị hiếu thị trường nên những lô hàng gỗ đầu tiên của anh được khách hàng đặt mua. “Lần đầu tiên cầm số tiền lớn của lô hàng khách đặt, tôi mừng lắm. Tôi thấy vững tin hơn với hướng đi của mình”, anh Phương chia sẻ.

Nhờ làm ăn có uy tín, anh được khách hàng tin tưởng, số đơn hàng đổ về ngày càng nhiều hơn. Lúc này, anh Phương quyết định vay vốn mua thêm máy móc, mở rộng xưởng. Chưa dừng lại ở đó, anh còn mạnh dạn đấu thầu, mua gỗ tại rừng của các hộ dân, làm thành sản phẩm rồi bán ra thị trường. Hiện tại, xưởng mộc của anh Phương đã tạo công ăn việc làm cố định cho hàng chục lao động địa phương với mức lương 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Cuối 2016 anh Phương chính thức nên duyên với cô gái trẻ Lê Thị Trang (SN 1995, người cùng địa phương). Hướng đôi mắt về người vợ trẻ anh tâm sự: “Trước khi đến với Trang, tôi cũng quen một vài người con gái khác. Nhưng vì tì vết trong lý lịch của tôi, nên họ bị gia đình ngăn cấm. May mắn, Trang và gia đình đã cảm thông, chia sẻ nên hai chúng tôi mới cơ hội ở bên nhau. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng để vợ con luôn hạnh phúc”.

Ông Nguyễn Hữu Hòe (SN 1957, bố anh Phương) cũng chia sẻ: “Ngày nó vướng vào vòng lao lý gia đình tôi rất buồn. Giờ đây, tôi chỉ mong con đủ bản lĩnh, vững tin, để sống và làm việc có ích cho xã hội”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.