Khám phá

Nô nức phiên chợ không nói thách, không mặc cả ở Bình Định

22/01/2023, 19:49

Hội chợ Gò là phiên chợ mang đậm nét văn hóa của miền đất võ Bình Định, mỗi năm chỉ nhóm họp vào mùng 1 và mùng 2 Tết Âm lịch.

Ngày 22/1 (nhằm mùng 1 Tết Quý Mão), mọi người từ khắp nơi lại cùng nhau trẩy hội chợ Gò (khu phố Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Nhiều người từ khắp nơi đã tập trung về đây để hái lộc đầu năm, cầu cho quốc thái dân an, mọi người, mọi nhà một năm mới an khang thịnh vượng.

Đây là phiên chợ mang đậm nét văn hóa của miền đất võ Bình Định, được xếp vào “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam” bởi mỗi năm chỉ nhóm họp vào mồng 1 và mồng 2 Tết Âm lịch.

img

Từ sớm, rất đông người dân đã đến hội chợ Gò

Từ sáng sớm, rất đông người dân đã tập trung về chợ Gò. Năm nay, hội chợ diễn ra trong tiết trời ấm áp nên có khá đông người dân trong tỉnh, du khách nô nức về chợ. Không khác là mấy so với mọi năm, phiên chợ độc đáo của Tết Việt bán nhiều mặt hàng, đa số là các mặt hàng có tại vườn nhà như trầu cau, đu đủ, muối, gạo, các loại rau xanh, củ quả...

Điều đặc biệt, tại phiên chợ Gò, người bán không hề nói thách và người mua cũng không mặc cả, không đặt nặng vấn đề lời - lỗ mà ai nấy cũng đều vui vẻ trao nhau những nụ cười như một cách tạo ra niềm vui, cầu chúc nhau an lành ngay ngày đầu năm mới.

Theo bà ngoại bán trầu cau ở chợ Gò vào mùng 1 tết từ lúc mới 15 tuổi, ngót nghét đến nay, chị Nguyễn Thị Thu Hiếu, ở thôn Tú Thủy, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) đã có 20 năm tham gia buôn bán ở chợ.

“Sau khi bà mất, tôi muốn giữ lại một kỷ niệm là duy trì việc bán trầu cau hằng năm tại chợ Gò. Mỗi lần góp mặt tại phiên chợ đặc biệt này tôi cảm thấy rất vui, đôi lúc có chút bâng khuâng về những ký ức tình cảm của bà và cháu”, chị chia sẻ.

Tương truyền rằng, hội chợ Gò gắn với truyền thuyết địa phương, nơi đây ngày xưa là tiền đồn của quân Tây Sơn đóng giữ để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế. Tết đến, Hoàng đế Quang Trung chỉ dụ cho phép mở hội vui xuân tại chợ Gò Trường Úc, trước là để nhân dân vui xuân sau chiến tranh mất mát, khổ nhọc, sau là để ba quân vui xuân vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình.

Chỉ dụ còn quy định thời gian vui xuân từ mùng 1 đến mùng 3 Tết. Chợ Gò là nơi không có sự thách trả, cãi vã như thường ngày và sự mua bán chẳng qua chỉ là cách để trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an khang, thịnh vượng chứ không đơn thuần là lý do kinh tế.

Một số hình ảnh tại hội chợ Gò Tết Quý Mão:

img

Hội chợ Gò chỉ bán những vật phẩm bình thường mang nét thôn quê như cau, trầu, rau...

img

Nhiều người lớn dẫn con cháu mình đến hội chợ Gò để dạy con cách yêu thương, quý mến nhau và những nét đẹp gìn giữ lâu đời ở địa phương

img

Đây là hội chợ độc đáo, thu hút rất đông người dân đến tham dự

img

img

Đến hội chợ Gò, du khách còn được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật mang đậm nét văn hóa đất võ Bình Định

img

Hội chợ Gò chỉ họp vào một lần trong năm

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.