Sân golf phủ dầy tỉnh lẻ
Tập đoàn KITA Group phối hợp cùng Công ty TNHH Hải Phòng Sakura Golf Club vừa khởi công Dự án Hải Phòng Sakura Golf Club tại xã Trường Thành, huyện An Lão, TP Hải Phòng.
Theo thông tin công bố, dự án quy mô hơn 82ha. Đáng chú ý, dự án ngoài sân gôn (golf) 18 lỗ với diện tích gần 700.000m²; dự án còn các hạng mục như khu shophouse - khách sạn - căn hộ dịch vụ; hệ thống biệt thự đơn lập, song lập sang trọng. Tổng mức đầu tư dự án 2.271 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động Hai Phong Sakura Golf Club sẽ bổ sung vào hệ thống các sân golf đạt chuẩn của thành phố.

Phối cảnh đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 quần thể sân golf Hải Phòng Sakura Club tại huyện An Lão (Ảnh: Cổng TTĐT TP Hải Phòng).
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Công ty TNHH MDA G&C cũng đã triển khai Dự án sân golf Glory tại xã Thành Công, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Dự án có diện tích gần 54ha, gồm sân golf 18 hố, các công trình phụ trợ đi kèm. Tổng mức đầu tư dự án 388 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Golf Tân Thái cũng đã triển khai dự án Khu thể thao sân golf xã Tân Thái, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Dự án diện tích 84,2ha, với nguồn vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng. Dự án ngoài hạng mục sân golf 18 hố, còn có các nhà điều hành, công trình phụ trợ, cây xanh cảnh quan, khu du lịch lưu trú nghỉ dưỡng.
Sở Xây dựng Thái Bình cũng vừa thông báo mời thầu dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải. Dự án có tổng diện tích đất gần 110ha, mục tiêu xây dựng sân golf 27 hố. Một số hạng mục công trình nổi bật như đường golf gần 86 ha, sân tập hơn 2,3ha, khách sạn 2,4ha cùng nhà điều hành, công trình lưu trú thấp tầng, đường giao thông.
Theo thống kê, hiện tại, cả nước có 80 sân golf 18 hố đi vào hoạt động. Dự kiến năm 2025, con số này sẽ tăng lên thành 200 sân. Trong chiến lược quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều địa phương mở rộng quy hoạch phát triển sân golf, chẳng hạn, tỉnh Đồng Nai đề xuất dành hơn 880ha đất để xây dựng 6 sân golf; tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu phát triển gần 40 sân golf; Vĩnh Phúc cũng dự kiến làm 40 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf...
Cẩn trọng mua bất động sản sân golf
Việc đầu tư sân golf được đánh giá là một trong xu hướng đầu tư hướng tới phát triển kinh tế xã hội, mang lại công ăn việc làm cho người dân địa phương dựa trên đặc điểm riêng của từng vùng, đặc biệt là những vị trí khó để phát triển loại hình kinh tế khác như đồi núi.
Ngay tại khởi công dự án Sakura Golf Club, lãnh đạo Hải Phòng cũng chia sẻ, Hải Phòng xác định phát triển du lịch là giải pháp đột phá chiến lược, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, do vậy việc triển khai và đưa vào hoạt động Dự án Hải Phòng Sakura Golf Club được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư, góp phần nâng cao giá trị ngành du lịch, tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách và thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng sự bùng nổ của phong trào chơi golf đang đem lại nguồn thu cao cho doanh nghiệp và địa phương. Việc quy hoạch sân golf là điều cần thiết để đưa hoạt động này trở thành một phần của tổ hợp vui chơi, giải trí địa phương. "Sự phát triển của golf không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp về lợi nhuận, mà còn có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực", ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Chuyên gia Đặng Hùng Võ cũng đồng tình, sự ra đời của các dự án golf đã thúc sự phát triển kinh tế xã hội tại các đại phương. Đây cũng là việc cần làm để kích cầu du lịch.
Tuy nhiên, ông Võ cũng nhìn nhận một thực tế, thời gian vừa qua, nhiều chủ đầu tư sân golf lạm dụng xin dự án để lách luật kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng. Nguồn thu từ bất động sản "ăn theo" sân golf thực chất là nguồn lợi chính của nhà đầu tư.
Hầu hết các dự án sân golf và bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay, nhiều chủ đầu tư sử dụng 10% quỹ đất dịch vụ cho sân golf cho việc xây khách sạn, biệt thự để bán và kinh doanh không đúng quy định, thậm chí còn có bán cả condotel trong dự án sân golf.
Theo ông Võ, xét về quy hoạch, bất động sản nghỉ dưỡng trong sân golf đều không hình thành nên đơn vị ở hay đơn vị dân cư, nghĩa là đơn thuần chỉ thuộc quy hoạch du lịch. Do đó, các dự án bất động sản cùng sân golf không có thời hạn sử dụng lâu dài. Vì thế người mua các sản phẩm bất động sản này không sở hữu tài sản như đối với nhà ở thông thường.
Theo Nghị định 52 (52/2020/NĐ-CP) về Đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn thì sân gôn (golf) là công trình xây dựng gồm đường gôn và công trình phụ trợ được thiết kế theo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp để phục vụ cho người chơi gôn. Công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân gôn là công trình, hạng mục công trình phục vụ cho việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, kinh doanh sân gôn và cơ sở lưu trú, dịch vụ cho người chơi gôn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận