Thế giới giao thông

Nở rộ xu hướng xây mới thay vì cơi nới sân bay

08/12/2016, 07:28
image

Việc xây mới thay vì nâng cấp, cơi nới hạ tầng hiện có, nhằm đáp ứng nhu cầu hàng không ngày càng cấp thiết.

3

Chính phủ Nam Phi xây mới Sân bay quốc tế King Shaka để thay thế sân bay Durban.

Thế giới đang đứng trước xu thế tăng cường, củng cố hạ tầng sân bay dân dụng, trong đó nhiều nước chọn xây mới thay vì nâng cấp, cơi nới hạ tầng hiện có, nhằm đáp ứng nhu cầu hàng không ngày càng cấp thiết.

Nhu cầu cấp thiết phát triển hạ tầng sân bay

“Ngành Hàng không dân dụng trên khắp thế giới đang đối mặt thực trạng sân bay quá tải”, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) Alexandre de Juniac đưa ra cảnh báo hồi tháng 10 vừa qua. Ông de Juniac lo ngại: “Chúng ta sắp phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hạ tầng hàng không nếu không có biện pháp kịp thời” và khẳng định “cung cấp hạ tầng là trách nhiệm của Chính phủ”.

Báo cáo thường niên của Trung tâm Thông tin hàng không (CAPA) được công bố tháng 1 năm nay khẳng định, xây dựng sân bay là “vấn đề nóng”. Vì mỗi năm có khoảng 20% dân số tại các nước mới nổi sử dụng dịch vụ hàng không ít nhất một lần. Tỷ lệ này tăng lên 70% vào năm 2032, qua đó, số người đi lại bằng máy bay lên 6,7 tỷ lượt hành khách/năm, tăng gấp đôi so với con số 2,9 tỷ lượt tính đến năm 2014. Nếu không sớm chuẩn bị cơ sở hạ tầng, hàng không trên thế giới sẽ đối mặt tình trạng tắc nghẽn thảm hại cả ở sân bay và không lưu.

Đó là lý do vì sao các nước trên thế giới đang ồ ạt xây dựng hạ tầng hàng không. Báo cáo của CAPA tính đến tháng 2/2016 cho biết, toàn cầu dự chi hơn 900 tỷ USD vào các dự án xây dựng sân bay, trong đó đầu tư 200 tỷ USD vào các dự án xây mới 394 sân bay.

Trong một báo cáo trước đó, cũng CAPA cho hay, toàn cầu có 2.520 dự án xây dựng sân bay với tổng vốn đầu tư khoảng 440,6 tỷ USD. Trong đó, khu vực châu Âu đứng đầu về số lượng (gần 800 dự án); Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu về giá trị dự án (hơn 125 tỷ USD) - phản ánh quy mô các dự án xây dựng sân bay của khu vực này rất cao. Điển hình, Trung Quốc có kế hoạch chi gần 12 tỷ USD trong năm nay để xây dựng hạ tầng hàng không, trong đó dự định xây mới 11 sân bay trên cả nước và 52 dự án nâng cấp sân bay hiện tại.

Tại sao nên xây mới thay vì cơi nới?

Đáng chú ý, thế giới có xu hướng thiên về xây dựng sân bay mới thay vì mở rộng sân bay hiện tại. Với 394 dự án sân bay mới có trị giá 200 tỷ USD mà CAPA thống kê như trên, tăng mạnh 25% so với thống kê cùng kỳ năm ngoái.

Châu Phi là ví dụ điển hình của xu hướng trên bởi theo CAPA, khu vực này vượt mặt Bắc Mỹ, châu Mỹ La tinh, Trung Đông... vươn lên vị trí thứ 3 về số lượng dự án xây mới sân bay (gần 50 dự án).

Đứng trước hai sự chọn nâng cấp/mở rộng hoặc xây mới sân bay, chính phủ các nước châu Phi chọn phương án thứ 2 để đảm bảo tốt nhất lợi ích cho khách hàng, hàng không và nền kinh tế nói chung. Ví dụ, năm 2010, Chính phủ Nam Phi xây mới Sân bay quốc tế King Shaka, thay thế Sân bay quốc tế Durban (60 tuổi) vì nhu cầu hàng không trong khu vực đã vượt quá khả năng của Durban. Nam Phi đóng cửa sân bay Durban vào tháng 4/2010 và khai trương sân bay Shaka một tháng sau đó, ngay trước thềm khai mạc World Cup 2010 mà Nam Phi là chủ nhà. Hai sân bay cách nhau 60km.

Quyết định xây mới sân bay được Chính phủ Nam Phi đưa ra dựa trên cân nhắc một số yếu tố quan trọng về vị trí, chi phí... Thứ nhất, sân bay Durban vốn sử dụng gần 60 tuổi, cơ sở hạ tầng lạc hậu; Nếu cơi nới và nâng cấp sẽ tốn kém hơn. Còn sân bay King Shaka mới được thiết kế có khả năng đón máy bay lớn nhất thế giới bao gồm Airbus A380; phục vụ lên tới 7,5 triệu hành khách/năm; tạo 270.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp. Kế đến, giới chức Nam Phi nhận thấy, vị trí xây dựng sân bay King Shaka mới sẽ tạo thuận lợi cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Thực tế, sân bay King Shaka được vinh danh là sân bay tốt nhất phục vụ dưới 5 triệu hành khách do Skytrax lựa chọn và là sân bay tốt nhất trong khu vực châu Phi năm 2015, một phần nhờ vị trí sân bay tạo điều kiện tối ưu để kết nối trong khu vực và thế giới.

Yếu tố khác: Sân bay cũ chỉ cho phép tạo cơ hội phát triển trong thời gian ngắn và trung hạn còn sân bay mới sẽ cho phép giới chức lên kế hoạch trong thời gian dài hạn. Ông Michael Mabuyakhulu, quan chức cấp cao ngành Du lịch và phát triển kinh tế Nam Phi khẳng định, sân bay King Shaka đóng vai trò là động lực thúc đẩy và phát triển kinh tế trong 30 năm tới, khuyến khích ngành Du lịch và phát triển khu nghỉ dưỡng cùng kích cầu vận tải hàng hóa, hành khách…

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.